| Hotline: 0983.970.780

Trồng cỏ nuôi bò, huyện nghèo biên giới đã bớt nghèo

Thứ Sáu 29/04/2022 , 09:15 (GMT+7)

CAO BẰNG Nhờ khuyến khích được phong trào trồng cỏ, đồng bào người Mông ở Bảo Lâm (Cao Bằng) đang phát triển mạnh chăn nuôi giống bò U đặc sản thành sản xuất hàng hóa lớn.

Chăn nuôi bò hàng hóa nhờ đẩy mạnh trồng cỏ

Với địa hình chủ yếu là đồi núi có nhiều bãi chăn thả, từ năm 2015 trở lại đây, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng cỏ chăn nuôi gia súc.

Từ vài hộ đầu tiên trồng cỏ ở rìa các vườn, rẫy, nhiều hộ tận dụng các khu đất trống, bãi ven ao, ven đường, ven sông suối trồng cỏ phát triển chăn nuôi. Đến nay, đa số các hộ chăn nuôi bò đã chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cỏ VA06 làm thức ăn cho gia súc, hộ trồng nhiều nhất 1 - 2 ha, hộ trồng ít nhất vài trăm m2. Theo thống kê, diện tích trồng cỏ VA06 trong toàn huyện hơn 1.000 ha. Hàng năm, người dân đều chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả để trồng mới cỏ voi.

Người dân xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm phát triển chăn nuôi bò nhốt chuồng. Ảnh: Công Hải

Người dân xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm phát triển chăn nuôi bò nhốt chuồng. Ảnh: Công Hải

Trồng cỏ chăn nuôi đã giúp giảm thiểu công lao động, đem lại hiệu quả cao hơn so với chăn thả bò truyền thống bởi cỏ trồng hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với các loại cỏ mọc tự nhiên. Cỏ VA06 rất dễ trồng, chịu hạn tốt, sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư không đáng kể. Chỉ sau hai tháng trồng là có thể cắt lượt cỏ đầu tiên, sau đó cắt luân phiên theo lượt để cỏ dễ mọc trở lại.

Là một trong những hộ dân đi đầu trong chăn nuôi bò, mỗi năm gia đình ông Vừ A Mình, xóm Cốc Lùng, xã Quảng Lâm (huyện Bảo Lâm) thu nhập hơn 100 triệu đồng từ chăn nuôi bò vỗ béo.

Ông Mình chia sẻ: Sau nhiều năm chăn nuôi bò, ông học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi để phát triển chăn nuôi bò vỗ béo trở thành hàng hóa. Trước đây, gia đình ông chỉ nuôi 2 - 3 con bò để cày bừa. Vài năm gần đây, gia đình ông được cán bộ xã tuyên truyền phát triển chăn nuôi bò, hướng dẫn vay vốn mua bò giống sinh sản, trồng cỏ voi, học cách ủ thức ăn chua cho bò. Hiện nay, gia đình nuôi 20 con bò, trong đó đa số là bò đực vỗ béo, trồng 2 ha cỏ voi làm thức ăn cho đàn gia súc.

Còn gia đình anh Hoàng Văn Sinh, xóm Khau Noong, xã Thạch Lâm đang duy trì nuôi 15 con bò. Để bảo đảm nguồn thức ăn xanh cho đàn trâu, bò của gia đình, từ năm 2016, anh trồng hơn 1.000 m2 giống cỏ VA06.

Anh Sinh tâm sự: Tôi từng nghĩ trồng cỏ nuôi bò sẽ không đủ chất dinh dưỡng bằng chăn thả ăn cỏ tự nhiên, nhưng sau một thời gian chăn nuôi nhốt chuồng vỗ béo, tôi thấy bò phát triển nhanh hơn gấp nhiều lần so với chăn thả.

Trồng cỏ không mất thời gian chăn thả, không cần bỏ nhiều công chăm sóc, chỉ cần đủ nước, thỉnh thoảng bón một lượt phân là cỏ mọc xanh tốt quanh năm. Nhờ trồng cỏ, gia đình anh Sinh đã chủ động được nguồn thức ăn gia súc, từ đó giúp chăn nuôi nhiều bò hơn. Hằng năm trừ chi phí, gia đình anh thu nhập gần 100 triệu đồng. Đầu năm 2020, anh Sinh thuê đất của bà con trong xóm mở rộng diện tích trồng thêm 1 ha cỏ phục vụ chăn nuôi bò hàng hóa.

Con bò là tài sản quý, cũng là người bạn thân thiết của người Mông ở huyện Bảo Lâm.

Con bò là tài sản quý, cũng là người bạn thân thiết của người Mông ở huyện Bảo Lâm.

Bảo tồn, phát triển giống bò U

Dân tộc Mông huyện Bảo Lâm vốn có truyền thống và kinh nghiệm nuôi bò U để cày kéo, sinh sản, vỗ béo. Những năm gần đây, đến ngày 20 tháng Giêng hằng năm, huyện Bảo Lâm lại tổ chức Lễ hội chọi bò xuân nhằm bảo tồn, phát triển giống bò U quý hiếm của đồng bào Mông và phát triển lễ hội của địa phương, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

Qua đó, quảng bá thương hiệu bò huyện Bảo Lâm, khuyến khích, động viên nông dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa. Đa phần người dân địa phương đã chuyển từ chăn thả tự do sang chăn nuôi nhốt. Bà con có ý thức chọn lọc giống để cải tạo tầm vóc, bổ sung thức ăn hằng ngày bằng việc trồng cỏ, giữ vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh, phòng, chống rét cho bò.

Để phát triển chăn nuôi gia súc tương xứng với tiềm năng của huyện, những năm qua, huyện Bảo Lâm đẩy mạnh hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thông qua Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ, Dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số, các nguồn vốn vay hỗ trợ giống cỏ, bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo; làm chuồng trại; tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc; tăng cường công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.

Giống bò U là giống bò quý hiếm của người Mông. Ảnh: Công Hải.

Giống bò U là giống bò quý hiếm của người Mông. Ảnh: Công Hải.

Đến nay, toàn huyện có 13/13 xã, thị trấn phát triển chăn nuôi hơn 33.000 con bò. Nhiều xã trên địa bàn huyện có phong trào phát triển chăn nuôi bò mạnh như: Thạch Lâm 4.277 con, Mông Ân 4.058 con, Đức Hạnh 3.337 con, Lý Bôn 2.682 con; Yên Thổ 2.667 con; các xã, thị trấn còn lại nuôi từ 1.000 - 2.000 con bò. Hằng năm, bình quân huyện Bảo Lâm bán ra thị trường từ 2.500 - 3.000 con bò; sản lượng thịt hơi đạt trên 1.000 tấn, trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Bà Dương Thị Thuyên, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bảo Lâm thông tin: Bảo Lâm là huyện có địa hình cực kỳ phức tạp và khó khăn nhưng lại có lợi thế về chăn nuôi gia súc, đặc biệt là bò. Trước đây chăn nuôi chủ yếu phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên, thả rông, ảnh hưởng đến việc tăng đàn, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Để phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, từng bước trở thành ngành sản xuất chính giúp người dân giảm nghèo, huyện đã tiến hành quy hoạch vùng phát triển đi đôi với quy hoạch đồng cỏ chăn nuôi cụ thể, nhân rộng giống bò U địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và chuyển giao bò đực giống. Đi đôi việc phát triển đàn gia súc, huyện còn trồng nhiều loại cỏ có năng suất cao làm thức ăn cho gia súc bằng việc giao chỉ tiêu kế hoạch vụ xuân và vụ mùa từng năm cho các xã, thị trấn.

Huyện Bảo Lâm tổ chức lễ hội chọi bò xuân hàng năm nhằm bảo tồn, phát triển giống bò U quý hiếm của đồng bào Mông.

Huyện Bảo Lâm tổ chức lễ hội chọi bò xuân hàng năm nhằm bảo tồn, phát triển giống bò U quý hiếm của đồng bào Mông.

Ông Mã Gia Hãnh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: Chăn nuôi đại gia súc, trong đó có chăn nuôi bò vẫn là một trong những hướng phát triển chăn nuôi chính của huyện để góp phần xóa đói, giảm nghèo. Để phát triển chăn nuôi đại gia súc, huyện đang chỉ đạo các phòng chuyên môn tham mưu Đề án Phát triển chăn nuôi bò huyện Bảo Lâm.

Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh có cơ chế, chính sách liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp hình thành trang trại quy mô, tiêu thụ sản phẩm, góp phần đảm bảo giá thu mua trên thị trường ổn định, không bị tư thương ép giá.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất