| Hotline: 0983.970.780

Trồng củ đậu lãi cao

Chủ Nhật 12/02/2012 , 08:52 (GMT+7)

Củ đậu chưa phải là cây trồng và nông sản chủ lực, nhưng đem lại lãi cao cho người dân xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Củ đậu chưa phải là cây trồng và nông sản chủ lực, nhưng đem lại lãi cao cho người dân xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Trên cánh đồng bạt ngàn cây củ đậu lá xanh thẫm, người dân đang tất bật dỡ cây, thu hoạch. Xe tải dựng hai bên đường chực sẵn chở đi tiêu thụ. Chị Trần Thị Hồng, ở thôn Quảng Mản vui mừng: “Năm nay củ đậu được mùa, được giá bà con mừng lắm. Gia đình tôi trồng 4 sào thu được 12 tấn. Thu xong có thương lái đến tận nơi mua và đưa đi các tỉnh, thành khác tiêu thụ liền”.

Cũng theo chị Hồng, củ đậu là loại cây màu dễ trồng, chỉ sau 4 tháng trồng, đã cho thu hoạch. Ở đây người dân trồng hai vụ trong năm: Vụ một được trồng vào thời điểm từ tháng 2 đến tháng 3 để thu hoạch sớm; đợt hai trồng vào tháng 5 đến tháng 6 để thu hoạch dịp cuối năm. Sau 4 tháng tập trung chăm sóc, cây củ đậu đang đẻ ra tiền. Tuy nhiên nếu người dân trồng trên đất mới thì củ đậu sẽ ít sâu bệnh và cho năng suất cao hơn. Hiện giá bán trung bình dao động từ 2.000- 3.000 đồng/kg. Năng suất một sào đạt 3 tấn, nếu được chăm sóc tốt, trồng trên đất mới sẽ cao hơn.

Ông Hoàng Ngọc Tân, Chủ tịch xã Bình Khê cho biết: “Diện tích trồng củ đậu toàn xã khoảng 45 ha tập trung ở các thôn: Quảng Mản, Trại Thông, Đồng Đò, Tây Sơn... Tuy không phải là cây chủ đạo nhưng củ đậu góp phần đem thu nhập cao cho người dân. Mỗi năm Bình Khê thu tiền tỷ từ loại cây này”.

Theo ông Tân, hiện nay bà con trong xã đang vào vụ thu hoạch. Ngoài việc dễ trồng, cây củ đậu còn có nhiều ưu điểm khác như ít sâu bệnh, đầu tư thấp, ít phải chăm sóc, có thể trồng được nhiều vụ trong năm. Chính vì vậy mà đây là một trong những loại cây màu được bà con nông dân đầu tư trồng gối vụ, ở các diện tích phải chờ nước, thiếu nước cây củ đậu đều phát triển được.

Trước kia, cũng chỉ có vài hộ dân trong thôn Quảng Mản đưa cây củ đậu về trồng với diện tích nhỏ lẻ. Nhưng từ năm 2008, thấy việc trồng cây củ đậu không khó, lại cho hiệu quả kinh tế cao nên người dân đã học tập nhau cùng mua giống về trồng. Theo đó, diện tích cây củ đậu ngày càng được mở rộng, đến nay gần như toàn xã trồng.

Với 4 sào củ đậu, có thương lái đến mua tại ruộng, nên ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn Tây Sơn thuê thêm người dỡ củ để bán. “Sau mấy tháng chăm sóc củ đậu đã “trả ơn” cho chủ. Năm nay ít sâu bệnh, giá cả được, khâu tiêu thụ thuận lợi, gia đình tôi thu được 12 tấn. Bốn sào đầu tư hết khoảng 4 triệu, như vậy gia đình tôi cũng thu trên 10 triệu đồng. Tính ra nó lãi gấp mấy lần trồng lúa”, ông phấn khởi nói.

Xã Bình Khê từ lâu đã nổi tiếng năng động trong việc phá thế độc canh. Ngoài củ đậu, người dân còn trồng vải thiều, quất cảnh, hoa ly, thanh long ruột đỏ, na… đạt hiệu quả vào bậc nhất của huyện Đông Triều, giá trị bình quân đã đạt tới 140 triệu đồng/ha/năm.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.