| Hotline: 0983.970.780

Trồng dây thìa canh

Thứ Sáu 17/04/2015 , 06:09 (GMT+7)

Không chỉ là cây dược liệu quý, dây thìa canh còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu (Nam Định). So với trồng lúa, hiệu quả kinh tế của loại cây này cao gấp 6 - 8 lần.

Vị thuốc quý

Dây thìa canh - cây thuốc được TS. Trần Văn Ơn (ĐH Dược Hà Nội) chứng minh bằng đề tài khoa học cấp nhà nước về tác dụng hạ đường huyết và giảm mỡ máu, hỗ trợ rất tốt cho người bị bệnh đái tháo đường.

Cây trồng này đã được trồng thử nghiệm thành công ở xã Hải Lộc từ năm 2003, đến nay mô hình đã được nhân rộng, trở thành một trong những “đặc sản” của quê hương gạo tám.

“Năm 2003, Cty TNHH Nam Dược phối hợp với ĐH Dược Hà Nội đã mang cây dây thìa canh về trồng thử nghiệm tại xã Hải Lộc. Sau 4 năm tiến hành thu thập mẫu, phân loại, nghiên cứu thành phần hóa học, kết quả cho thấy dây thìa canh trồng tại đây có chất lượng tương đương với cây ngoài tự nhiên.

Đến năm 2010, mô hình trồng và phát triển giống cây thuốc quý này đã được nhân rộng toàn xã Hải Lộc”, ông Lâm Thanh Vân, Chủ nhiệm HTXNN Hải Lộc cho biết.

Gia đình ông Vân cũng là hộ đầu tiên tại Hải Hậu trồng thí điểm mô hình này với diện tích ban đầu là 150 m2. Tất cả nguồn giống đều được Cty Nam Dược hỗ trợ.

Thời điểm hiện tại, gia đình ông đã mở rộng diện tích trồng giống cây này lên đến 4,6 sào và là hộ có diện tích trồng dây thìa canh lớn nhất xã.

Dễ trồng

Về kỹ thuật trồng và chăm sóc dây thìa canh, khâu chọn giống rất quan trọng, phải chọn quả chín già để lấy hạt, thời điểm lấy quả từ tháng 10 - 12 dương lịch, hạt chắc.

Khi thu hoạch hạt, tiến hành phơi trong bóng râm, không nên phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Đựng hạt trong nong, nia để phơi. Hạt phơi khô phải bảo quản kỹ, thời gian bảo quản tốt nhất từ 5 - 6 tháng.

Luống gieo phải rộng 1 - 1,2 m, chiều cao luống từ 25 - 30 cm, đất phải làm nhỏ, san phẳng, sạch cỏ dại. Khi gieo, rắc đều hạt trên luống, phủ hạt bằng một lớp đất mịn khoảng 1cm.

Phủ rơm ra lên mặt luống sau đó dùng ô doa để tưới luống cho đất đủ ẩm. Cây giống xuất vườn phải có chiều cao từ 17 - 20 cm, cây khỏe mạnh, không sâu bệnh, có 13 - 15 lá.

Trồng dây thìa canh phải chọn vùng đất cao, thoát nước tốt, đất càng mùn và tơi xốp càng tốt cho cây, độ pH từ 5 - 6,5. Khi làm đất phải cày sâu, phơi ải để diệt trừ sâu bệnh hại, luống cao 30 - 35 cm, chiều rộng luống phụ thuộc vào giàn che.

Vật liệu làm giàn treo là tre, nứa, luồng có đường kính 3 - 4 cm, chiều dài khoảng 1,6 - 1,8 m vót nhọn một đầu để cắm xuống đất. Các thanh tre, nứa chéo nhau tạo hình chữ A.

Khi trồng cây, dùng cuốc tạo hố, hố trồng cách vị trí rạch phân bón khoảng 10 cm. Với luống làm bằng giàn tre nứa, trồng 2 hàng/luống, hàng cách hàng 1 m, cây cách cây 30 - 40 cm.

Đối với luống làm bằng thép B40, trồng 1 hàng/luống, cây cách cây 20 cm. Mỗi hố đặt một cây rồi lấp đất quanh bầu. Mật độ trồng là 1.100 cây/sào Bắc bộ.

Dây thìa canh có có tên khoa học là Gymnema sylvestre, là loại cây dây leo, thân gỗ được sử dụng làm thuốc hơn 2.000 năm nay tại Ấn Độ. Có mặt ở nhiều nước như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan… là một trong những cây thuốc quý đang được sử dụng điều trị bệnh tiểu đường rất có hiệu quả.
Ở nước ta, dây thìa canh chủ yếu vẫn được khai thác tự nhiên, việc trồng loài cây này còn chưa được chú ý nhiều.
Cty TNHH Nam Dược đã phối hợp với Tổ chức HELVETAS Swiss Intercooperation Việt Nam tiến hành biên soạn cuốn “Sổ tay hướng dẫn Quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế và bảo quản dây thìa canh theo tiêu chuẩn GACP - WHO”.

Sau khi trồng, dùng rơm rạ phủ kín quanh gốc và toàn mặt luống để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Tưới đẫm nước vào gốc giữ ẩm. Khi cây cao 35 - 40 cm, tiến hành bấm ngọn cho cây ra nhiều nhánh ngay từ gốc.

Trước khi trồng từ 7 - 10 ngày, bót lót bằng phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ kết hợp supe lân với trọng lượng từ 900 - 1.000 kg phân chuồng hoai mục với 15 kg supe lân cho 1 sào.

Từ khi trồng đến khi thu hoạch lần đầu phải bón thúc 3 lần vào 3 giai đoạn: 1 tuần sau khi trồng, sau lần thứ nhất 10 ngày, khi cây leo 2/3 giàn. Ngoài ra sau mỗi lần thu hoạch cũng cần phải bón thúc định kỳ.

Bệnh phổ biến nhất của dây thìa canh là rệp sáp và muội đen nên phải thường xuyên theo dõi sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ.

Nhanh thu hoạch

Đối với dây thìa canh, từ khi trồng đến khi thu hoạch mất khoảng 6 - 8 tháng, trồng 1 lần có thể thu hoạch trên 10 năm. Một năm có thể thu hoạch từ 4 - 5 lần, từ tháng 4 - 12, cứ 2 tháng thu 1 lần.

Hiện nay toàn xã có tổng diện tích trồng dây thìa canh là 8 ha. Xã Hải Lộc đã hình thành vùng trồng dây thìa canh theo tiêu chuẩn thế giới GACP - WHO tại xóm 3 nhằm bảo đảm tốt quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến dược liệu.

Tại mô hình trồng tập trung này, Cty Nam Dược hỗ trợ tiền giống, có hệ thống mương máng và hàng rào bảo vệ. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên trực tiếp xuống địa phương để kiểm tra, đôn đốc.

“Về sản lượng thu hoạch, dây thìa canh cho 1 - 1,2 tạ/sào/lần thu hái, với giá cả ổn định 35.000 đ/kg, được Cty Nam Dược thu mua toàn bộ. Đây là loại cây dễ trồng, ngoài cung cấp cho Cty Nam Dược để phục vụ nhu cầu SX thuốc và thực phẩm chức năng, gia đình còn bán giống cây và sản phẩm dây thìa canh phơi khô cho những người có nhu cầu, so với trồng lúa thì thu nhập cao gấp 6 - 8 lần”, ông Lâm chia sẻ.

Xem thêm
Nhộn nhịp mùa săn ong mật giống

NGHỆ AN Săn ong giống không chỉ là công việc khởi đầu gắn với nghề nuôi ong rừng lấy mật, mà còn là thú chơi hấp dẫn, đem lại thu nhập cho nhiều người dân.

Buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vô cùng phức tạp, Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêm

Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh biên giới Tây Nam quyết liệt ngăn chặn buôn lậu lợn và sản phẩm động vật trái phép, nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi.

Làng hoa giấy Phù Đổng vươn lên từ nỗi lo ô nhiễm

HÀ NỘI Từng một thời, người dân xã Phù Đổng chìm trong nỗi lo ô nhiễm môi trường vì số hộ nuôi bò sữa cứ lớn mãi ra, chạm vào hệ thống kênh thoát nước.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.