| Hotline: 0983.970.780

Trồng hoa ly trên đèo Sa Mù

Thứ Ba 14/03/2017 , 09:40 (GMT+7)

Tháng 9/2016, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định phê duyệt triển khai đề tài xây dựng mô hình trồng hoa ly thương phẩm tại Hướng Phùng, nơi có đèo Sa Mù...

08-23-47_ly-s-mu
Hoa ly được trồng trên đèo Sa Mù, phía bắc huyện Hướng Hóa
 

Đèo Sa Mù có độ cao 1.000m, dài 20km nằm trên đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận Bắc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, là nơi có khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng để trồng đại trà hoa ly thương phẩm quanh năm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp nguồn hoa tươi quanh năm cho thị trường.
 

Hoa lên đèo

Trước hàng ngàn cây hoa ly với 2 sắc màu vàng, hồng, cánh dày, thân cao khoe sắc được trồng trong nhà lưới trên đỉnh Sa Mù, đôi vợ chồng trẻ Hồ Văn Thái, bản Doa Cũ, xã Hướng Phùng đã không giấu được sự ngỡ ngàng, xuýt xoa vì lần đầu tiên nhìn thấy hoa ly khoe sắc. Thái nói đây là loài hoa đắt tiền, ai ngờ trên đèo Sa Mù lại trồng được. Bà con ai cũng mừng cái bụng, hy vọng từ đây có thể chuyển đổi sang cây trồng này để tăng thêm thu nhập.

Tháng 9/2016, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định phê duyệt triển khai đề tài xây dựng mô hình trồng hoa ly thương phẩm tại Hướng Phùng, nơi có đèo Sa Mù, do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tỉnh Quảng Trị chủ trì. Thời gian thực hiện trong 12 tháng. Rất nhiều người hy vọng đây là cơ hội cho đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô chuyển đổi cây trồng, làm giàu trên vùng núi có nền khí hậu mang sắc thái á nhiệt đới này.

Anh Lê Mậu Bình, thành viên của Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ, phụ trách mô hình trồng hoa ly ở đèo Sa Mù cho biết hoa ly là cây chịu rét khá, chịu nóng kém, ưa khí hậu mát ẩm, nhiệt độ thích hợp ban ngày là 20 - 25oC, ban đêm là 12 - 15oC. Thổ nhưỡng và khí hậu ở khu vực đèo sa Mù, phía Bắc huyện Hướng Hóa rất phù hợp trồng hoa ly. Qua 2 vụ trồng hoa ly Sorbonne và Concador cho kết quả hoa sinh trưởng tốt, thân to, cây khỏe, lá xanh hơn, màu sắc hoa tươi và độ bền hơn hẳn hoa ly các địa phương ở vùng đồng bằng Quảng Trị trồng như Gio Linh, Đông Hà.

Theo ông Bình, mục tiêu của trung tâm là xây dựng mô hình trồng hoa ly thương phẩm ứng dụng công nghệ cao. Sau khi có kết quả, trung tâm phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân vùng Bắc Hướng Hóa trồng hoa ly.

Ông Đào Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Quảng Trị cho rằng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại vùng bắc Hướng Hóa thì không chỉ hoa ly thương phẩm mà còn nhiều loài hoa khác rất phù hợp. Đó là hoa tuy líp, hoa lan hồ điệp... đều là những loài hoa được người tiêu dùng ưa thích và có hiệu quả kinh tế cao... Có thể nói rằng, thí điểm trồng hoa ly là bước nhấn chinh phục đỉnh Sa Mù để tiến tới mở toang cánh cửa lợi thế nông nghiệp của vùng bắc Hướng Hóa.

Quá trình thực hiện mô hình, trung tâm cử 4 cán bộ đi đào tạo kỹ thuật trồng hoa ly tại Lâm Đồng để về triển khai. Các kỹ thuật viên thường trực tại vùng Bắc Hướng Hóa làm nòng cốt xây dựng, phát triển mô hình. Cán bộ phụ trách mô hình có trách nhiệm theo dõi, thu thập, xử lý số liệu trong quá trình áp dụng quy trình sản xuất. Từ đó đánh giá hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả kinh tế của mô hình, hoàn thiện và làm chủ quy trình trồng, chăm sóc, điều tiết quá trình sinh trưởng, phát triển hoa ly thương phẩm phù hợp vùng Bắc Hướng Hóa.
 

Chuyển giao công nghệ cho người dân

Mới đây, trung tâm đã tập huấn, chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch hoa ly cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Thủy ở thôn Tân Pun, xã Hướng Phùng cho biết rất vui vì được tham gia tập huấn tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa ly thương phẩm do Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh tổ chức. Thời gian tới, ông sẽ đầu tư trồng hoa ly thương phẩm để nâng cao thu nhập cho gia đình.

Khi phân tích lợi thể trồng hoa ly ở đèo sa Mù, ông Võ Thanh, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cho biết đèo Sa Mù, xã Hướng Phùng đều nằm trên đường Hồ Chí Minh, có hệ thống giao thông thuận tiện nên việc cung ứng sản phẩm, trong đó có hoa ly cho thị trường hàng ngày dễ dàng.

Có thể tổ chức bán buôn, bán lẻ ngay tại vườn sản xuất. Tổ chức mạng lưới lưu thông và tiêu thụ sản phẩm tại các cơ sở kinh doanh hoa trong tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra còn có thể hợp tác với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, chào bán sản phẩm.

Thu nhập cao cho người dân vùng khó

Ông Lê Mậu Bình, thành viên của Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ, cho biết nếu người dân ở vùng Bắc Hướng Hóa đầu tư trồng hoa ly thương phẩm sẽ có được nguồn thu nhập khá cao.

Bình quân mỗi chậu hoa ly có 5 cành. Thời gian từ khi trồng cho đến thu hoạch là 3 tháng. Người trồng đầu tư khoảng 150 ngàn đồng/chậu, khi bán ra thị trường có giá từ 300 - 350 ngàn đồng/chậu. Mỗi vụ đầu tư khoảng từ 500 - 100 chậu hoa ly thì có lãi từ 7,5 - 15 triệu đồng.

Đây sẽ là nguồn thu nhập khá cao đối với người dân vùng khó. Bài toán kinh tế cho cho kết quả trồng hoa ly cho thu nhập cao hơn rất nhiều lần so với trồng các loại cây khác trên cùng diện tích đất.

 

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nuôi lợn nông hộ có thêm phao nhờ vacxin ASF: Kết quả thực tiễn sẽ thuyết phục nông dân sử dụng vacxin

'Khi người nuôi lợn thấy vacxin AVAC ASF LIVE bảo hộ tốt, bản thân họ sẽ chủ động truyền kinh nghiệm đến những người xung quanh', TS Nguyễn Văn Điệp chia sẻ.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.