| Hotline: 0983.970.780

Trồng lạc theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu

Chủ Nhật 23/08/2020 , 07:00 (GMT+7)

Lạc trồng theo mô hình nông nghiệp thông minh ở Quảng Nam tiết kiệm nước tưới, phân bón, giảm tỷ lệ chết dây và mang lại hiệu quả cao hơn 30% so với truyền thống.

Vụ Hè Thu năm 2020, xã Tam Dân (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) được hợp phần 3, Dự án WB7 hỗ trợ sản xuất 10ha lạc theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) tại 2 thôn Dương Đàn và Khánh Tân.

Người dân xã Tam Dân (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) phấn khởi vì trồng lạc theo mô hình CSA cho năng suất cao. Ảnh: L.K.

Người dân xã Tam Dân (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) phấn khởi vì trồng lạc theo mô hình CSA cho năng suất cao. Ảnh: L.K.

Được biết, đây là vụ thứ 2 (trước đó vụ Đông Xuân (ĐX) 2019 – 2020) xã Tam Dân cũng được Dự án WB7 hỗ trợ thực hiện mô hình này. Người nông dân tham gia dự án được cấp lạc giống và công cụ gieo trỉa đồng thời tập huấn kỹ thuật để canh tác mô hình. Trong cả 2 vụ, hiệu quả thu được đều rất khả quan.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó ban Nông nghiệp xã Tam Dân cho biết, trong mỗi vụ mô hình sẽ canh tác các giống lạc khác nhau để thích ứng với tình hình thời tiết, khí hậu. Vụ ĐX mô hình sử dụng giống lạc L23 và vụ HT là giống L14. Mỗi sào (500m2) người dân sẽ được cấp 11kg giống.

“Trong vụ ĐX 2019 – 2020, bà con tham gia thực hiện mô hình lạc CSA ở địa phương rất phấn khởi vì lạc rất đạt năng suất. Theo thống kê của xã thì mỗi sào lạc theo mô hình này cho năng suất khoảng 1,5 tạ trong khi các ruộng lạc trồng theo phương pháp truyền thống chỉ đạt 1,1 tạ. Bên cạnh đó, thực hiện theo mô hình còn có nhiều lợi ích như tiết kiệm công, nước tưới, chi phí sản xuất”, ông Tân nói.

Theo ông Tân, sở dĩ có được những hiệu quả như vậy là có nhiều lý do như: mô hình sử dụng công cụ gieo trỉa nên làm nhanh hơn. Bình thường bà con phải mất 1 ngày mới gieo được 1ha nhưng có công cụ hỗ trợ chỉ mất nửa ngày.

Việc tưới nước trong mô hình cũng thực hiện luân phiên theo đợt, đúng thời điểm phát triển của cây chứ không tưới một cách tự phát nên tiết kiệm được một lượng nước tưới đáng kể. Theo đó, nước được tưới sơ qua đợt đầu tiên trước khi gieo trồng; đợt 2 sau khi bón phân 15 ngày, đến khi cây lạc đạt từ 25 - 27 ngày sẽ tưới đợt 3 đồng thời chú ý cung cấp nước đầy đủ trong giai đoạn cây kết quả.  

Ngoài ra, bà con được hướng dẫn tăng cường bón phân chuồng, hạn chế bón phân hóa học nên vừa giảm được chi phí đầu tư, vừa cải tạo được đất, giữ đất luôn tơi xốp; Cây lạc trong mô hình chăm sóc đúng quy trình, phát triển tốt và ít sâu bệnh gây hại nên hầu như không mất chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật.

Trong vụ HT 2020, hiện nay diện tích lạc canh tác theo mô hình của bà con đã bước vào thời kỳ thu hoạch. Mặc dù năm nay, thời tiết khô hạn kéo dài, nước cho sản xuất nông nghiệp khan hiếm nhưng nhờ thực hiện theo đúng kỹ thuật mà người dân đã khắc phục được khó khăn này. Không những thế, năng suất lạc thu được cũng rất cao.

Ông Dương Văn Thuần (thôn Khánh Tân, xã Tam Dân) cho biết, gia đình ông có 650m2 trồng lạc theo mô hình CSA, vừa qua ông khá bất ngờ khi năng suất thu được vượt trội. Những năm trước, nếu như với diện tích này ông chỉ thu được khoảng 1,7 tạ thì trồng theo mô hình cho năng suất lên đến 2,4 tạ.

“Lạc trồng theo mô hình tôi thấy được rất nhiều ưu điểm. Cây phát triển tốt, không hề có hiện tượng chết dây và rụi dây trước khi thu hoạch như trước đây bà con vẫn hay gặp với loại cây này. Nhờ đó mà năng suất tăng lên. Bên cạnh đó, giống lạc trong mô hình cũng có lượng dầu cao. Vừa rồi tôi gia đình tôi ép được 62kg dầu trong khi đó những vụ trồng truyền thống chỉ được 40kg”, ông Thuần nói.

Thấy được thực tế 2 mùa vụ vừa qua, ông Nguyễn Văn Tân, Phó ban Nông nghiệp xã Tam Dân cho biết thêm, trong những vụ tiếp theo, bà con muốn được dự án tiếp tục hỗ trợ để thực hiện theo mô hình. “Nếu không được hỗ trợ thì người dân muốn xin địa chỉ cung cấp giống lạc và hướng dẫn kỹ thuật canh tác để tăng hiệu quả sản xuất”, ông Tân nói.

Xem thêm
Xây chuỗi liên kết, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm dê, cừu

NINH THUẬN Việc xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi giúp người dân có đầu ra ổn định, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm dê, cừu Ninh Thuận trên thị trường.

Nuôi lợn nông hộ có thêm phao nhờ vacxin ASF: Nếu không đi đường mới chỉ còn cách dừng lại

PHÚ THỌ Nhiều hộ chăn nuôi lợn xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ ái ngại khi thấy anh Phạm Trung Hiếu tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi (ASF) cho toàn bộ đàn lợn của mình.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.