| Hotline: 0983.970.780

Trồng lúa sạch theo chuẩn quốc tế

Thứ Tư 04/04/2018 , 08:01 (GMT+7)

Từ làm lúa theo mô hình cánh đồng lớn do Tập đoàn Lộc Trời triển khai, nhiều nông dân ở Tân Hiệp (Kiên Giang) đã chuyển sang sản xuất lúa gạo bền vững theo chuẩn quốc tế (SRP – Sustainable Rice Platform) đạt hiệu quả cao.

SRP không chỉ giúp nông dân quản lý tốt đồng ruộng, sử dụng tài nguyên thiên nhiện hợp lý, mà còn yên tâm về đầu ra, bảo đảm sức khỏe...

Dẫn chúng tôi ra xem gần 3 ha lúa đông xuân 2017-2018 trồng giống Jasmine 85 theo mô hình SPR đã gần đến ngày thu hoạch, anh Nguyễn Thủy Triều (ở ấp kênh 5B, xã Tân An, Tân Hiệp, Kiên Giang) cười mãn nguyện: “Vụ này cầm chắc là thắng lợi, lúa trúng mùa, lại trúng giá, thêm một mùa lúa lãi lớn nữa đây”.

09-04-01_1_nh_trieu_mn_nguyen_vu_lu_ny_cm_chc_l_thng_loi_lu_trung_mu_li_trung_gi_them_mot_mu_lu_li_lon_nu_dy_1
Anh Triều mãn nguyện, vụ lúa này trúng mùa, trúng giá (ảnh: Đ.T.C)

Anh Triều là một trong hàng chục nông dân của ấp đang làm lúa theo tiêu chuẩn quốc tế do Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) đặt hàng.

“Từ năm 2012, tôi và những hộ nông dân khác ở đây bắt đầu tham gia làm lúa theo mô hình cánh đồng lớn, thay đổi dần tập quán cũ, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đến vụ hè thu 2015 chuyển sang làm lúa theo mô hình SRP, giờ mọi thứ đã thành thạo rồi”, anh Triều nhớ lại.

Theo anh Triều, mô hình SRP đòi hỏi nông dân phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt nhưng cũng không đến mức quá khó để thực hiện. Vì trước khi tham gia nông dân đã được tập huấn kỹ về quy trình canh tác, cả tập trung trong hội trường lẫn thực tế đồng ruộng. Rồi trong suốt mùa vụ, các kỹ sư của dự án luôn theo sát với nông dân, cùng thăm đồng, hướng dẫn kỹ thuật rất cụ thể.

Chẳng hạn như sâu, bệnh, chỉ khi nào các kỹ sư thấy tới ngưỡng phòng trừ mới được phun xịt thuốc. Còn trước đây làm theo tập quán cũ, cứ tới đợt là vác bình xịt ra phun phòng ngừa trước, dễ phá hỏng hệ sinh thái đồng ruộng.

Mặc dù hiện nay công việc phun xịt thuốc đã được thực hiện bằng máy phun dàn, nông dân chỉ đứng trên xuồng điều kiển, hạn chế tối đa việc tiếp xúc, thế nhưng quy trình bắt buộc phải mang đầy đủ bảo hộ (được cấp) mới được làm.

Ông Đinh Minh Trí, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ấp kênh 5A cho biết, mô hình SPR đã được nông dân trong ấp tham gia qua mấy vụ, với tổng diện tích mỗi vụ khoảng 70 ha, đạt được nhiều hiệu quả thiết thực.

Tham gia mô hình này, nông dân được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc BVTV đều do Tập đoàn Lộc Trời cung cấp, tới khi thu hoạch bán lúa mới trừ lại, nên không phải lo vốn đầu tư ban đầu.

Khi thu hoạch, nông dân chỉ việc kêu mắt cắt, kéo lúa về đến nhà, còn khâu bốc vác, vận chuyển về nhà máy phía Tập đoàn Lộc Trời chịu hết. Bà con chỉ cần xác nhận số lượng giao cho nhà máy thông qua hệ thống cân điện tử, rất chính xác, sau đó là chờ nhận tiền, với sổ sách ghi chép cận thận, lời lãi bao nhiêu biết được ngay.

Còn về giá thu mua, theo anh Triều, hợp đồng là giá thị trường theo loại giống tại thời điểm thu hoạch + thêm 150 đồng/kg nên nông dân trong vùng dự án bao giờ cũng bán giá cao hơn bên ngoài.

Theo đó, trước khi thu hoạch khoảng 7-10 ngày, phía Tập đoàn Lộc Trời sẽ cho cán bộ xuống họp dân để chốt giá thu mua, vì vậy nông dân rất yên tâm về giá cả cũng như đầu ra của lúa hàng hóa.

Ông Võ Thanh Phong, Trưởng nhóm SRP của Tập đoàn Lộc Trời tại ấp kênh 5B cho biết, để tham gia dự án, nông dân được lựa chọn là những người trồng lúa giỏi tại địa phương, sẽ được tập huấn về bộ tiêu chuẩn trồng lúa theo SRP gồm 8 vấn đề, gồm: Quản lý đồng ruộng, trước khi gieo trồng, sử dụng nước, quản lý dinh dưỡng, quản lý sâu bệnh, thu hoạch và sau thu hoạch, sức khỏe và an toàn lao động, quyền lao động.

SRP là một liên minh đa đối tác toàn cầu, đồng triệu tập bởi Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc (UNEP) và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) vào năm 2011, bao gồm 29 tổ chức có liên quan, gồm cả các bên trong khu vực nhà nước và tư nhân, các viện nghiên cứu, các tổ chức tài chính và phi chính phủ.

Mục tiêu của SRP là giảm thiểu tác động môi trường vào sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, đồng thời củng cố thu nhập cho hộ nhà nông nhỏ, góp phần vào an ninh lương thực.

 

Xem thêm
Làng bánh lá răng bừa nức tiếng xứ Thanh

Toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa, sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền…

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TN-MT đề xuất công khai tên người bỏ cọc trúng giá đất

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề xuất công khai tên các trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.