| Hotline: 0983.970.780

Trồng lúa sinh thái 'hái' thêm tiền: [Bài 2] Cánh đồng giảm phát thải chờ mùa vàng

Thứ Sáu 23/08/2024 , 09:48 (GMT+7)

Sóc Trăng Cánh đồng giảm phát thải thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở tỉnh Sóc Trăng đang cận kề ngày thu hoạch, nông dân hồi hộp chờ đợi kết quả.

Các thành viên HTX nông nghiệp Hưng Lợi tích cực thăm đồng, chờ đón kết quả thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Các thành viên HTX nông nghiệp Hưng Lợi tích cực thăm đồng, chờ đón kết quả thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Những ngày này, 46 xã viên HTX Nông nghiệp Hưng Lợi ở xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng tham gia thí điểm mô hình canh tác giảm phát thải theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đang tích cực chăm sóc cho 50ha lúa ST25.

Thông qua việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, với nhiều phương thức như: sạ hàng, hàng biên, vùi phân và không vùi phân để đối chiếu hiệu quả.

Trước đó, để đảm bảo các tiêu chí đề án đưa ra, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) đã triển khai tập huấn rất kỹ cho các xã viên về quy trình canh tác, phương thức sử dụng phân bón theo nguyên tắc quản lý dinh dưỡng cho vùng chuyên biệt và quản lý dịch hại theo nguyên tắc 4 đúng.

Cộng với nền tảng sẵn có trong việc áp dụng các gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, việc quản lý liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hướng giảm phát thải trong mô hình nhìn chung không khó khăn với các thành viên.

Theo cách làm truyền thống, mỗi hecta, xã viên HTX nông nghiệp Hưng Lợi gieo sạ từ 120 - 150kg lúa giống. Thế nhưng, khi thực hiện theo quy trình giảm phát thải mà đề án đưa ra, lượng giống giảm chỉ còn 60kg.

Nông dân Phạm Hoàng Trân, thành viên HTX cho biết, nhờ kết hợp đồng bộ: sạ thưa, giảm giống, bón vùi phân, đúng thời điểm khi cây lúa cần, đến nay tuy chưa có kết quả đánh giá chính xác, nhưng so sánh sơ bộ với vụ trước, lượng phân bón giảm khoảng 30%.

Bên cạnh đó, trước đây, trong quá trình canh tác ruộng bị ngập nước lâu, khiến lượng khí metan sinh ra càng nhiều. Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải thông qua việc quản lý nước, bà con xã viên được hỗ trợ lắp đặt 3 thiết bị cảm biến môi trường tại ruộng.

Các cảm biến được lắp đặt trên đồng ruộng thực hiện việc đo đạc mực nước, giúp nông dân dễ dàng quản lý, điều chỉnh cho phù hợp. Ảnh: Văn Vũ.

Các cảm biến được lắp đặt trên đồng ruộng thực hiện việc đo đạc mực nước, giúp nông dân dễ dàng quản lý, điều chỉnh cho phù hợp. Ảnh: Văn Vũ.

Các chỉ số về đo đạc mực nước tại ruộng sẽ được hiển thị rõ cho nông dân thông qua phần mềm được cài sẵn trên điện thoại thông minh. Từ những dữ liệu này, HTX sẽ kịp thời điều chỉnh mực nước ở ngưỡng thích hợp, giúp rễ lúa ăn sâu, cứng cây, giảm đổ ngã, sinh trưởng tốt và hạn chế thất thoát trong quá trình thu hoạch.

Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi cho biết thêm, mặc dù chưa có kết quả đánh giá chính xác về mặt sản lượng và lợi nhuận, tuy nhiên về cảm quan, chỉ số phát thải của mô hình đã được giảm thiểu đáng kể.

Bên cạnh đó, HTX có điều kiện thuận lợi, khi trang bị đầy đủ cơ giới hóa trong canh tác lúa, từ khâu làm đất, đến sau thu hoạch. Nhờ đó, hoạt động sản xuất và kinh doanh khi thực hiện mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao dễ dàng hơn.

Ông Hùng dự kiến sau khi thu hoạch, lượng rơm tại ruộng cũng sẽ được xã viên tận dụng cho nhiều mục đích khác nhau như: ủ làm phân hữu cơ, bón lại cho lúa; làm thức ăn cho trâu, bò hoặc trồng nấm.

Đồng nghĩa, lượng rơm trên đồng sẽ được tận dụng tối đa, thay vì xử lý theo cách thức truyền thống trước kia là đốt bỏ, tăng phát thải ra môi trường.

Theo kế hoạch, tỉnh Sóc Trăng sẽ triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố trồng lúa, bao gồm: Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Kế Sách, Long Phú, Châu Thành, Trần Đề, thị xã Ngã Năm và thành phố Sóc Trăng.

Theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nông dân phải sử dụng giống xác nhận, gieo sạ không quá 70kg/ha. Ảnh: Kim Anh.

Theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nông dân phải sử dụng giống xác nhận, gieo sạ không quá 70kg/ha. Ảnh: Kim Anh.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, vùng chuyên canh lúa chất lượng cao đạt 38.500ha, với 78 hợp tác xã, tổ chức nông dân tham gia. Đến năm 2030, diện tích tham gia đề án đạt 72.000ha, trên 100 hợp tác xã, tổ chức nông dân tham gia.

Giải pháp trọng tâm được Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đề ra là rà soát, áp dụng và hoàn thiện các gói kỹ thuật, đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất và tập huấn nâng cao năng lực; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hoá; quan tâm xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.