Rau măng tây hay còn gọi là măng tây xanh có nguồn gốc từ Mỹ, phát triển ở các vùng ôn đới, cận nhiệt đới.
Đây là loài thực vật một lá mầm, thuộc bộ loa kèn, có thân, rễ sống dai, ưa nóng, ưa nước, mẫn cảm với thời tiết và thuốc hóa học. Măng tây đòi hỏi quy trình chăm sóc sạch, từ giống cho đến đất trồng. Ở nước ta, mô hình trồng măng tây xanh được triển khai thành công ở nhiều nơi, trong đó có hộ anh Hoàng Văn Mùi, xã Đông Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An.
Anh Mùi giới thiệu kỹ thuật trồng măng tây xanh
Vườn măng tây xanh của anh Mùi có diện tích 1,5 ha với khoảng hơn 13.000 gốc. Khi chúng tôi ghé thăm vườn thấy anh đang hì hục kéo máy bơm nước để tưới cây. Ở mỗi hàng đều cắm cọc tre và dây buộc cho cây, chúng tôi tỏ ra thắc mắc. Anh Mùi nói: Nhìn là biết cây măng tây mỏng manh lắm, rất dễ ngã rạp hàng loạt mỗi khi có gió lớn. Vì thế buộc để giữ cho cây thẳng, phát triển thuận lợi và tiếp nhận ánh nắng mặt trời. Là loài mẫn cảm với thuốc hóa học, nên mọi công đoạn như làm cỏ, tỉa cành... đều phải thực hiện bằng tay.
Theo anh, chi phí ban đầu để trồng 1 ha rau măng tây xanh khoảng 200 triệu. Từ khi trồng đến lúc thu hoạch mầm là 6 tháng. Nhưng năng suất cao từ năm thứ hai trở đi. Măng tây xanh có thể lưu gốc từ 7 - 15 năm (nếu chăm sóc tốt). Mầm lên khỏi mặt đất từ 20 - 30 cm là có thể thu hoạch. Mầm cây có màu xanh mướt, vị ngọt, mềm. 1 kg măng tây xanh loại 1 lên đến 100.000 đồng, loại 2 là 80.000 đồng.