| Hotline: 0983.970.780

Trồng nấm rơm bốn mùa

Thứ Hai 20/07/2020 , 09:31 (GMT+7)

Ở ĐBSCL, sau mùa lúa rơm rạ dồi dào vô tận. Nấm rơm trồng được quanh năm, nông dân không có nhiều đất canh tác vẫn có thể trồng nấm hái ra tiền.

Nấm rơm tạo thêm thu hoạch cho nhà nông sau vụ lúa. Ảnh: TL.

Nấm rơm tạo thêm thu hoạch cho nhà nông sau vụ lúa. Ảnh: TL.

Ông Năm Nghi (Phan Bá Nghi), Công ty CP Nấm Thần Nông (Ô Môn, TP Cần Thơ) như một “nhân chứng” sống động theo nghề làm nấm rơm trên 30 năm. Thật ra ông giỏi sản xuất kinh doanh meo nấm, song những năm gần đây ông làm thêm trồng nấm thương phẩm.

Ông theo đuổi đến cùng kỹ thuật trồng nấm trong nhà. Bởi theo ông, trồng nấm trong nhà giải quyết được đốt đồng, phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, nhất là kiểm soát được bệnh nấm mà không cần dùng thuốc hóa học để có nấm sạch cho người ăn tin dùng.

Ông Năm diễn giải: Muốn trồng nấm rơm đạt được năng suất và hiệu quả kinh tế đòi hỏi nhiều điều kiện. Điều kiện khách quan bao gồm: thời tiết, khí hậu yếu tố mùa vụ, thị trường tiêu thụ, nguồn meo giống chất lượng cao… Còn điều kiện chủ quan như: sự hiểu biết về đổi tương nuôi trồng (kiến thức), kỹ năng trồng, chăm sóc và vệ sinh phòng bệnh, nguồn vốn, khả năng về tổ chức sản xuất...

Nông dân trồng nấm rơm ngoài trời, trước sân nhà ở Hậu Giang. Ảnh: TL.

Nông dân trồng nấm rơm ngoài trời, trước sân nhà ở Hậu Giang. Ảnh: TL.

Nhưng trên hết, điều quyết định thành công vẫn là yếu tố chủ quan của người trồng nấm. Trong đó, người trồng nấm cần trang bị và bổ sung thường xuyên kiến thức và rèn luyện kỹ năng để tác động lên đối tượng nuôi trồng nhằm không ngừng tăng năng suất và đạt hiệu quả cao.

Ở các tỉnh phía Nam, trong nhiều thập niên qua phong trào trồng nấm rơm phát triển. Đa số nông dân rút được nhiều kinh nghiệm quý báu về kỹ thuật trồng nấm trên đồng ruộng (trồng ngoài trời) đạt kết quả hết sức khả quan về năng suất, góp phần giúp sản lượng nấm tăng lên hàng năm, thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ nội địa và một phần không nhỏ được xuất khẩu.

Trồng nấm rơm trong nhà. Ảnh: HĐ.

Trồng nấm rơm trong nhà. Ảnh: HĐ.

Những năm gần đây Công ty CP Nấm Thần Nông áp dụng kỹ thuật mới, có chuyển giao hướng dẫn cho nông dân các tỉnh trong vùng trồng nấm trong nhà tiêu chuẩn (tiên tiến). Kích thước nhà trồng nấm dài 12m x rộng 4m, vách cao 2m, đỉnh nhà 2,7m bố trí 2 dãy kệ, mỗi kệ 3 tầng. Chất được 150 túi compost, với thời gian 15 - 17 ngày là thu hoạch dứt điểm. Bình quân mỗi năm thực hiện trồng từ 7 - 8 vụ.

Để trồng lại vụ tiếp theo thì phơi nhà, xử lý bằng xà phòng và clorin trong vòng 10-15 ngày. Với trọng lượng mỗi túi compost 18kg đã được cấy meo giống, sau khi mua về khoảng 5 - 7 ngày sẽ cho thu hoạch nấm rơm. Bình quân mỗi túi cho năng suất từ 1,2 - 1,5kg. 

Mô hình trồng nấm rơm cải tiến bằng compost trong nhà sẽ khắc phục được điều kiện bất lợi của thời tiết như nắng nóng, mưa bão kéo dài, dễ thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời gắn kết được với cơ sở để bao tiêu sản phẩm. 

Tuy nhiên cần lưu ý có những đặc điểm sau: Xử lý nguyên liệu (ủ rơm) trong thiết bị chuyên dùng được cơ giới hóa. Rơm sau khi được xử lý hoàn toàn sạch mầm bệnh có nhiều dinh dưỡng phù hợp cho sự phát triển của nấm. 

Mô hình nhà trồng nấm rơm tại Cty CP Thần Nông (Cần Thơ). Ảnh: HĐ.

Mô hình nhà trồng nấm rơm tại Cty CP Thần Nông (Cần Thơ). Ảnh: HĐ.

Rơm ủ (compost) sau đó được cấy giống; nuôi ủ tơ, phối trộn với chất bổ sung. Sau đó, xếp rơm ủ lên giàn kệ trong những nhà trồng được thiết kế theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, bảo đảm các yếu tố môi trường phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của nấm. 

Nhà nấm có thế kế hệ thống thông gió cưỡng bức: Không khí bên ngoài qua bộ phận xử lý không khí (điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm) rồi mới đưa vào nhà trồng. 

Trồng nấm rơm trong nhà tùy theo quy mô và mức độ cơ giới hóa, tự động hóa có thể đầu tư từ thấp lên cao.

Trồng nấm trong nhà đòi hỏi chi phí đầu tư cao hơn nhiều so với trồng nấm ngoài trời. Tuy nhiên trồng nấm trong nhà có các lợi ích như sau: Năng suất tăng gấp 2 - 3 lần so với trồng ngoài trời. Cụ thể trồng ngoài trời năng suất 7 - 10% (trọng lượng nấm tươi/trọng lượng rơm khô), trồng trong nhà có thể đạt 25 - 30% và có thể cao hơn nữa nếu đầu tư đúng mức. 

Trồng nấm trong nhà có chi phí thấp do nguyên liệu và công thu hái ít hơn nên lợi nhuận cao hơn. Điều kiện lao động được cải thiện. Do được trang bị các dụng cụ thiết bị phù hợp, người trồng nấm có thể được đào tạo trong thời gian ngắn cũng nắm bắt được kỹ thuật nuôi trồng, không đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian để có kỹ năng như trồng nấm ngoài trời. Nấm có chất lượng cao hơn. Nấm rơm trồng trong nhà có thể hoàn toàn đạt tiêu chuẩn “nấm sạch”, thỏa mãn ngay cả những yêu cầu khắt khe về chất lượng của người tiêu dùng và giá bán nấm cao hơn.

Nên sử dụng meo giống có chất tượng tại các cơ sở sản xuất meo giống nấm rơm có thương hiệu nổi tiếng và có uy tín lâu năm trên thương trường. Không nên dùng meo giống của các lò meo nhỏ, chưa có tên tuổi dù giá rẻ. Còn nếu muốn đưa một loại meo giống mới vào sản xuất phải trồng khảo nghiệm đối chứng. Không nên trộn meo giống có chất lượng cao đang được sử dụng với meo giống khác.

Sau mỗi đợt trồng nên dọn sạch trại. Dỡ hết mái che, phơi nắng, xịt thuốc sát trùng (những thuốc BVTV trong danh mục được phép sử dụng) và tạm nghỉ sản xuất một thời gian từ 15-30 ngày trước khi trồng đợt tiếp theo. Phần rơm hoặc bã compost sau khi trồng cần dọn bỏ sạch sẽ. Đốt bỏ rác và diệt côn trùng.

Ông Năm Nghi hướng dẫn: Phòng bệnh là phương pháp tốt nhất bảo đảm sản xuất có hiệu quả mà không cần dùng đến các chất hóa học (chất chống dịch bệnh). Bở theo ông vì lạm dụng thuốc không đúng cách chẳng những không có tác dụng mà còn có thể tiêu diệt luôn nấm trồng.

Đối với nấm rơm thời gian từ khi ra nấm (hình thành đầu đinh ghim) đến khi thu hoạch chỉ từ 4-5 ngày nên không có một hóa chất trị bệnh nào có đủ thời gian phân hủy mà không để tại dư lượng trong quả thể nấm. Điều này chắc chắn gây độc hại cho con người.

Để phòng bệnh hữu hiệu cần phải thực hiện như: Bố trí mặt bằng khu vực trồng năm hợp lý. Nơi trồng nấm phải xa các nguồn ô nhiễm như bãi rác, trại chăn nuôi... Vệ sinh thường xuyên nơi trồng nấm. 

Áp dụng đúng theo qui trình kỹ thuật sản xuất (từ khâu ủ rơm đến trồng, chăm sóc và thu hoạch). Bảo đảm các điều kiện môi trường thuận lợi cho nấm sinh trường và phát triển. 

Sản phẩm nấm rơm sạch, trồng trong nhà - Ảnh: HĐ

Sản phẩm nấm rơm sạch, trồng trong nhà - Ảnh:

Theo các nhà khoa học, hằng năm lượng rơm ra nước ta có khoảng 40-45 triệu tấn. Hiện nay trồng nấm rơm trong nhà như một giải pháp kỹ thuật mới được nông dân một số tỉnh vùng ĐBSCL tham quan mô hình và áp dụng.

Công ty CP Nấm Thần Nông, có cung cấp compost trồng nấm giá 33.000 đồng (18 kg) ra được 1,2 kg nấm (8-15 ngày thu hoạch). Công ty trồng trong vụ ĐX cung cấp ra thị trường tối đa khoảng 1 tấn/ngày.

Nếu căn cứ theo lượng giống meo cung cấp sản lượng nông dân sản xuất bên ngoài đạt 65 – 80 tấn nấm/ngày. Giá meo nấm 2.500 đồng/bịch. Một bịch rưỡi meo giống trồng cho ra 800 gram nấm tươi. Một cuộn rơm 12kg cho ra 1-1,5 kg nấm (giá thành 35.000 – 40.000 đồng), lợi nhuận 50% trong 2 tháng. Với mức lợi nhuận của nấm rơm được xem là hấp dẫn nhất vì ngắn ngày, không đòi hỏi chuyên môn, vốn nhẹ.

Ở ĐBSCL nấm rơm sạch có giá 70.000 đồng/kg. Nấm trồng ngoài ruộng 35.000 – 40.000 đồng/kg. Sau đợt dịch tả heo Châu Phi và dịch bệnh Covid-19 sản phẩm nấm rơm không bị ảnh hưởng.

Trồng nấm rơm được xem như làm nông nghiệp hợp với nhà nghèo nên càng ít bị ảnh hưởng hơn. Nấm sạch trong tương lai sẽ tăng do là nguồn thực phẩm thiết yếu. Nấm rơm được xem như nguồn “rau thịt” dùng trong bữa ăn dinh dưỡng.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.