| Hotline: 0983.970.780

Trồng rau VietGAP tự quản lý nhau

Thứ Ba 01/03/2016 , 07:15 (GMT+7)

Cây rau đã mang đến no ấm cho mỗi gia đình, đã cho con em của người dân ở đây có điều kiện bước vào giảng đường đại học...

Năm nay, giá rau xanh tăng cao nhất trong 10 năm qua, nhờ đó người trồng rau sạch ở khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định), trúng to. Đặc biệt, những hộ trồng rau VietGAP ở đây đặt ra cơ chế tự quản lý nhau trong quá trình SX để giữ uy tín với thị trường.

Không phí 1 tấc đất

Vùng đất Thuận Nghĩa nằm dọc bờ sông Kôn, do đó được phù sa bồi đắp hàng năm, trở thành vùng “đất hứa” cho các loại rau xanh. Tận dụng lợi thế đó, hàng chục năm qua người dân ở đây đã biến Thuận Nghĩa thành vùng chuyên canh rau sạch. Cây rau đã mang đến no ấm cho mỗi gia đình, đã cho con em của người dân ở đây có điều kiện bước vào giảng đường đại học.

Bà Huỳnh Thị Thủy (47 tuổi) ở khối Thuận Nghĩa, tâm tư: “Tui làm ra đã là đời tứ ba trong gia đình tiếp nối nghề trồng rau. Người dân ở đây ít ai bỏ đất đi làm ăn nơi khác, ai nấy đều bám đất, bám làng, bởi nghề trồng rau cho thu nhập chẳng kém nghề nào khác. Nhà nào không có đất thì bỏ tiền ra thuê đất, giữ nghề”.

“Mỗi ngày làng rau xuất bán gần 500kg rau cho Co.opmart Quy Nhơn và thương lái khắp nơi. Người dân luôn có ý thức giữ gìn uy tín, nếu ai làm sai phương pháp, quy trình thì liền bị phản ánh. Nhờ vậy làng rau sạch Thuận Nghĩa luôn có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng”, ông Quách Văn Cầu cho hay.

Theo bà Thủy, hiện nay nhiều hộ nông dân có lao động nhưng nhưng không có đất thì thuê lại từ các hộ người già, neo đơn tại địa phương để trồng rau. Riêng gia đình bà mỗi năm phải bỏ ra 13 triệu đồng thuê 3 sào đất để trồng ngò, khổ qua, dưa leo, cải…

“Năm nay, giá rau tăng cao, là lần tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây nên người trồng rau đều có lãi lớn. Đặc biệt dịp Tết vừa qua, không có rau mà bán cho thương lái. Gia đình tui chủ yếu SX rau VietGAP nên giá bán cao hơn các loại rau thường. Mỗi năm gia đình tui thu nhập từ rau được khoảng 50 triệu đồng, đủ tiền nuôi 2 đứa con ăn học, dành dụm nhiều năm cũng có dư để cất được cái nhà mới”, bà Thủy chia sẻ.

Rau VietGAP bứt phá

“Trồng rau VietGAP không khó, nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao và áp dụng quy trình bón phân, sử dụng thuốc sinh học hợp lý. Trên 3 sào đất tui trồng luân canh, mỗi năm được 8 - 9 vụ cúc, cải, hành. Nếu như giá cúc, cải trồng theo phương thức truyền thống chỉ 3.500 đ/bó thì cải VietGAP của tui bán được 4.000 đ/bó. Đầu ra thì bát ngát, thương lái luôn “phục” sẵn để thu mua, trong khi đó thời gian canh tác cũng như nhau. Tui nghĩ mình đang đi đúng hướng”, anh Nguyễn Quốc Thành (40 tuổi) ở khối Thuận Nghĩa chia sẻ.

Xác định nghề của mình lệ thuộc nhiều vào chữ tín, nên người trồng rau ở Thuận Nghĩa luôn có trách nhiệm với người tiêu dùng, họ tự giám sát lẫn nhau trong quá trình SX. Liều lượng, thời gian dùng thuốc, phân bón… phải đúng chu kỳ, đúng quy trình để đảm bảo chất lượng rau sạch.

Theo ông Quách Văn Cầu, Chủ nhiệm HTXNN Thuận Nghĩa, trên địa bàn HTX có 414 hộ dân thì có đến 366 hộ tham gia trồng rau. Thu nhập bình quân mỗi hộ trồng rau ở đây đạt khoảng 50 triệu đồng/năm. Với diện tích 36ha, người dân vùng rau Thuận Nghĩa xuất bán 5 - 10 tấn rau sạch mỗi ngày ra thị trường. Từ năm 2010, người dân ở đây bắt đầu trồng rau theo phương thức VietGAP với 65 hộ dân tham gia.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.