| Hotline: 0983.970.780

Trồng sầu riêng thu hoạch vụ đầu đã sắm được Camry

Thứ Tư 01/02/2023 , 07:49 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Đã từng tiếp xúc với rất nhiều nông dân ở 3 miền đất nước, đây là lần đầu tôi gặp anh nông dân không chỉ làm giỏi mà còn rất hài hước, dí dỏm.

Xin trích đoạn trò chuyện (nguyên văn) giữa phóng viên và anh nông dân, trưởng thôn Phạm Quốc Thanh, sinh năm 1973, chủ nhân của vườn sầu riêng canh tác hữu cơ ở ấp 6, xã Lộc Hoà, huyện Lộc Ninh (Bình Phước): - Bác năm nay nhiêu rồi? - Mới 50, gọi bác già quá đi (cười). - Thật á, nhìn bác có vẻ lớn tuổi? - Nông dân mà, vất vả nên già trước tuổi. - Nghe nói ngay vụ sầu riêng đầu tiên anh đã trúng tiền tỷ? - Ờ, đủ tiền sắm con Camry chở người yêu đi chơi (cười)...

DSC01029

Anh Phạm Quốc Thanh ngồi tếu táo một lúc lâu mới quay lại "nghiêm túc" nói chuyện. Ảnh: Phúc Lập.

Làm hữu cơ từ khi…chưa biết hữu cơ là gì

Tôi đến vườn sầu riêng của anh Phạm Quốc Thanh qua giới thiệu của Hội Nông dân xã Lộc Hoà, huyện Lộc Ninh. “Vườn sầu riêng này mới trồng 7 năm và thu hoạch vụ đầu tiên thôi. Nhưng chủ vườn là người làm giỏi. Vườn sầu riêng này được đầu tư bài theo hướng hữu cơ ngay từ đầu. Vì thế, ngay vụ sầu riêng đầu tiên đã thắng.

Đây cũng là mô hình sầu riêng đầu tư hướng đến mục tiêu được cấp mã số vùng trồng xuất đi Trung Quốc trong năm 2023”, đó là lời giới thiệu của ông Đậu Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa về anh nông dân Phạm Quốc Thanh.

Thời điểm tôi đến, vườn sầu riêng của anh Thanh đã thu hoạch xong. Dù không có hình ảnh những trái sầu riêng to, nhưng tôi vẫn phải xuýt xoa vì những chùm trái sầu riêng non, chưa có gai, lúc lỉu trên cây. Đây là một trong những vườn sầu riêng đẹp tôi từng gặp.

“Nghe nói vườn sầu riêng anh làm quy trình hữu cơ, nhưng lại thấy có bao bì phân hoá học ở đây?”, tôi thắc mắc. Anh Thanh bảo: “Tôi làm quy trình hướng hữu cơ mà. Ở đây có lợi thế là hơn 60% hộ dân trong ấp có chuồng trại chăn nuôi dê, gà cũng nhiều, lượng phân nhiều không dùng hết. Cho nên, chả việc gì mình phải tống phân hoá học xuống.

DSC00980

Gốc cây sầu riêng 7 năm nhưng to như 10 năm tuổi. Dù đã được tỉa bớt, nhưng trên cây vẫn có hàng trăm trái non. Ảnh: Phúc Lập.

Là con nhà nông, mấy chục năm làm vườn, tôi hiểu đất như hiểu con người mình. Lúc người ta còn chưa hiểu hữu cơ là gì thì tôi đã ít dùng phân hoá học rồi. Lúc đó tôi cũng chả giải thích được thế nào là hữu cơ, nhưng hiểu tác hại của phân, thuốc hoá học, nên chủ trương dùng phân chuồng, phân xanh cho cây trồng. Sau này nhờ được tập huấn, tìm hiểu thêm từ các mô hình, mới hiểu rõ thế nào là hữu cơ".

Anh Thanh kể tiếp: "Trước khi đầu tư mô hình này, tôi đã đi tham quan nhiều nhà vườn trồng sầu riêng theo cách truyền thống. Họ sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học là chính. Ban đầu thấy cây hồi phục nhanh, sâu bệnh cũng ít, nhưng chỉ được vài năm đầu, sau đó cây xuống sức dần, sức đề kháng sâu bệnh rất kém, đất ngày càng kém chất, múi không ngon, bán rất rẻ. Còn cái bao phân hoá học kia là loại phân dưỡng trái của Đức, chỉ sử dụng 1 lần lúc trái 1 tháng tuổi, nếu không, trái rụng sạch. Làm quy trình hữu cơ, cây bền lắm. Cho dù không tưới, chẳng thuốc men gì trong vòng 3 tháng, cây vẫn không ảnh hưởng gì".

DSC01009

Anh Phạm Quốc Thanh: "Nếu để cây nuôi trái đúng lực, mỗi gốc thu khoảng 3 tạ trái". Ảnh: Phúc Lập.

- “Như vậy vườn sầu riêng của anh đâu phải hữu cơ?”, tôi thắc mắc.

“Mô hình ngay từ đầu đã thiết kế quy trình chăm sóc hữu cơ. Nhưng tôi nói rồi, vẫn phải xen chút không phải hữu cơ vào. Ngay cả thuốc trừ sâu cũng vậy, sản phẩm chủ lực thuốc sinh học, nhưng lâu lâu vẫn phải xen một đợt thuốc “đặc trị”, vì thuốc sinh học không diệt hết các loại sâu, chưa kể một số loại sâu trên cây sầu riêng rất dễ nhờn thuốc. Các sản phẩm tôi dùng được sản xuất cho cây ăn trái, nhập khẩu châu Âu hẳn hoi. Nhưng tôi dùng bài bản, khoa học chứ không phải dùng bừa bãi, lạm dụng”, anh Thanh thú thực.

“Chăm sóc theo quy trình hữu cơ không chỉ giúp cây phát triển bền vững, khoẻ mạnh, trái thơm ngon, mà đất cũng được bảo vệ, tăng cường độ phì nhiêu. Không phải tự nhiên mà ngay vụ đầu tiên thương lái họ đã đến bỏ tiền tỷ ra bao tiêu cả vườn sầu riêng của tôi. Họ không thua gì chuyên gia đâu, chỉ cần vào nhìn cây, nhìn đất là biết mình chăm sóc kiểu gì”, anh Phạm Quốc Thanh nói.

Đã trồng là phải xuất khẩu

Anh Thanh có tổng cộng 25ha đất, trong đó có 6ha sầu riêng, được chia thành nhiều lô. Riêng lô 7 năm tuổi thu hoạch vụ đầu có diện tích 1,2ha, trồng 192 cây sầu riêng Monthong Thái Lan. 4,8ha còn lại trồng sầu riêng Dona, gồm 1,8ha 1 tuổi và 3ha 3 tuổi. Ngoài ra, anh còn có 4ha trồng cây tầm vông và 15ha cao su.

DSC01020

Anh Phạm Quốc Thanh bảo: "Nếu tham, không tỉa trái đúng theo khả năng nuôi trái của cây, sẽ cho trái kém chất lượng, cây ngày càng yếu". Ảnh: Phúc Lập.

“Cây cao su bây giờ không có ăn, nên tôi dự kiến sẽ chuyển đổi sang sầu riêng. Nhưng chuyển từ từ chứ không làm ồ ạt, phải tính đến năng lực của mình, đầu ra sản phẩm. Tôi chia lô, chia tuổi sầu riêng cũng vì lý do này. Tuổi cây liên quan đến quy trình chăm sóc, nặng nhẹ khác nhau. Chăm cây này vất vả lắm. Ngoài ra, phải tính tới chuyện sản lượng đến vài trăm tấn 1 vụ mà không lo đầu ra thì thất bại trong tầm tay ngay”, anh Thanh phân tích.

- “Sao anh trồng sầu riêng Monthong mà không phải giống khác, ví dụ Ri6 chẳng hạn?”, tôi hỏi.

Anh nói: “Tôi nói rồi, làm gì thì làm, muốn thành công thì trước khi làm phải nghiên cứu kỹ. Giống Monthong chuyên cho xuất khẩu. Đóng container đưa sang đến Trung Quốc vẫn đảm bảo chất lượng, mẫu mã. Còn Ri6, nó là giống dùng trong nội địa, mau hư, chín vài ngày là múi mềm nhão, vỏ tự tách, không xuất khẩu được. Mục tiêu của tôi, từ trồng theo quy trình đến giống, là xuất khẩu. Chứ mỗi vụ thu cả trăm tấn, sao bán nội địa hết?”.

Do được trồng đúng kỹ thuật về quy cách, mật độ, chăm sóc bài bản với chất dinh dưỡng chính là phân dê trộn phân gà ủ hoai cùng chế phẩm sinh học, nên sau 7 năm, cây phát triển như 10 tuổi với thân mập, tán xoè rộng, che gần hết khoảng trống giữa các hàng ngang, dọc. Nếu anh Thanh không nói, ít ai nghĩ cây mới thu hoạch 1 vụ đầu tiên.

DSC01017

Anh Thanh cho biết, mục tiêu trồng sầu riêng của anh là hướng đến xuất khẩu. Ảnh: Phúc Lập.

“Nhờ chăm sóc hữu cơ nên cây khoẻ lắm. Mỗi cây ra hàng ngàn trái, nhìn “khủng” luôn. Nhưng tôi căn cứ vào sức của cây, chỉ giữ lại từ 100 - 120 trái đẹp, còn lại hái bỏ. Bình quân mỗi trái nặng từ 3 - 5kg, nếu chăm tốt mỗi cây đạt khoảng 3 tạ trái. Vụ đầu tiên tôi nuôi ít trái để dưỡng cây, nên sản lượng chỉ đạt hơn 30 tấn, bán xô cả vườn giá 53 ngàn đồng/kg, vừa đủ tiền sắm chiếc xe Camry gần tỷ rưỡi. Năm nay, gần 200 cây sầu riêng này dự kiến thu khoảng 60 tấn trái”, anh Thanh chia sẻ.

- “Vợ không có, lại suốt ngày làm bạn với cây cỏ, phân gio, anh sắm xế sang làm gì?”, tôi cười. Lúc này, ông Thanh nháy mắt cười, hất đầu về phía người phụ nữ đang lúi húi trong vườn, đáp: “Tếu cho vui thôi. Người yêu đó có cưới xin hẳn hoi, 2 con lớn, học xong đại học rồi”.

Tôi ghẹo anh: “Nghe nói anh nhiều đất nhất Lộc Hoà, mà 2 con đều học đại học, sau này vườn cây ai chăm?” Anh cười: “Vẫn làm chứ. Nhưng chúng nó sẽ làm khác mình, không phải mò mẫm trong vườn, mà ngồi tại nhà, mặc sơ mi đóng thùng, điều khiển quy trình chăm sóc trên máy tính, vào vườn bằng Camry”.

“Vườn đầu tư hiện đại thế này mà không có hệ thống tưới điện tử, điều khiển từ xa?”, tôi hỏi. Anh Thanh đáp: “Hệ thống tưới của tôi là cơ học, từ đóng cầu dao tưới. Nhưng vì béc bơm, đầu vòi phun nằm dưới tán cây, thường có nhiều loại côn trùng bám vào, thậm chí chui vào trong gây tắc. Mình ở nhà bấm 1 cái nó chạy, nhưng nếu có béc nào bị tắc thì mình cũng phải chạy vào.

DSC01036

Sản phẩm phân bón hỗ trợ dưỡng trái sầu riêng được dùng 1 lần sau khi trái 1 tháng tuổi. Ảnh: Phúc Lập.

Cây sầu riêng có đặc tính riêng, nếu chỉ tưới gốc thì sẽ phát triển đọt, tức là chiều cao. Còn tưới rộng thì thì phát triển nhánh. Mình phải căn cứ mật độ và sự phát triển của cây để tưới làm sao cho cây phát triển đều. Nếu thưa thì cho phát triển tán, dày thì cho lên cao. Vì thế, phải thường xuyên vào vườn để vừa kiểm tra béc bị tắc, vừa điều tiết hệ thống tưới để cây phát triển đều. Đó là lý do tại sao tôi không dùng hệ thống tưới tự động, điều khiển từ xa”.

“Cuối năm 2022, mô hình sầu riêng của anh Thanh đã nằm trong danh sách của tỉnh Bình Phước để hoàn thiện hồ sơ đăng ký cấp mã số vùng trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Xã đang có kế hoạch thành lập HTX sầu riêng hướng hữu cơ, anh Thanh sẽ là người đứng đầu”, ông Đậu Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thuận cho biết.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.