| Hotline: 0983.970.780

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

Thứ Ba 05/11/2024 , 07:00 (GMT+7)

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Mô hình trồng sâm của Công ty Cổ phần đầu tư PALEX Việt Nam ở xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải đã có những thành công bước đầu. Ảnh: Thanh Tiến.

Mô hình trồng sâm của Công ty Cổ phần đầu tư PALEX Việt Nam ở xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải đã có những thành công bước đầu. Ảnh: Thanh Tiến.

Xã Kim Nọi (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) có điều kiện khí hậu ôn đới, mùa đông lạnh, mùa hè mát mẻ, địa hình đồi núi với độ cao trên từ 1.000m so với mực nước biển, tạo ra môi trường lý tưởng cho cây sâm sinh trưởng, phát triển. Năm 2019, Công ty Cổ phần đầu tư PALEX Việt Nam đã đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng trang trại trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu rộng 6ha ở khu vực đồi dốc ở xã Kim Nọi.

Củ sâm là phần quý nhất và có giá trị cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Củ sâm là phần quý nhất và có giá trị cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Sâm Ngọc Linh thường phân bố ở độ cao từ 1.500m trở lên, dưới tán rừng nguyên sinh, đất có đủ độ mùn, xốp, giàu dinh dưỡng, độ che phủ đạt từ 70 – 90%. Để tạo môi trường phù hợp, Công ty đã đầu tư khu vườn sâm một cách bài bản với hệ thống rào lưới xung quanh để ngăn gia súc. Toàn bộ khu vực được làm giàn, phía trên được che bằng lưới đen để giảm ánh nắng mặt trời.

Cây sâm và các cây dược liệu trồng ở đây đều là cây ưa bóng, ưa ẩm nhưng không chịu úng. Vì vậy, khu vực trồng được xây bể dự trữ nước và duy trì chế độ tưới ẩm thường xuyên, giữa các luống được đào rãnh để thoát nước trong mùa mưa.

Đến nay, sau hơn 5 năm trồng thử nghiệm tại đây, Công ty Cổ phần đầu tư PALEX Việt Nam đã trồng được nhiều loài sâm quý và cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, sâm Vũ Diệp, tam thất, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa...

Một số loài sâm quý phát triển tốt, Công ty đã sản xuất được giống để bán ra thị trường. Ảnh: Thanh Tiến.

Một số loài sâm quý phát triển tốt, Công ty đã sản xuất được giống để bán ra thị trường. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Công ty cho biết, Mù Cang Chải có quỹ đất còn tương đối lớn, nguồn nhân công dồi dào nên dư địa phát triển cây dược liệu rất tốt. Trong khi đó, thị trường sâm Ngọc Linh mới chỉ manh nha, sản lượng chưa đủ để phục vụ nhu cầu người dùng. Sau này, sẽ có nhiều sản phẩm cần sử dụng nguyên liệu từ sâm, thậm chí phục vụ xuất khẩu nên thị trường và tiềm năng phát triển rất lớn.

Các loài sâm và cây dược liệu quý có nguồn gốc từ rừng sâu nên ưa bóng, ưa ẩm nên việc lựa chọn địa điểm trồng khá khó khăn. Bên cạnh đó, đất trồng yêu cầu giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt và độ pH phù hợp. Quy trình trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao, thời gian đợi thu hoạch kéo dài, vì vậy cần kiên nhẫn và có kỹ thuật chăm sóc tốt trong nhiều năm.

“Nếu được quy hoạch tốt, Mù Cang Chải có thể trở thành trung tâm cây dược liệu, không chỉ trồng sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu mà còn nhiều loài dược liệu khác”, ông Nguyễn Đức Thuận cho biết.

Các loài sâm được trồng tại mô hình cho thấy phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng núi cao của huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Các loài sâm được trồng tại mô hình cho thấy phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng núi cao của huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Thanh Tiến.

Đến nay, trang trại sâm và cây dược liệu của Công ty Cổ phần đầu tư PALEX Việt Nam đã bắt đầu cho ra những sản phẩm thương mại. Tùy theo độ tuổi của sâm, đã có những củ sâm bán với giá từ 15 - 20 triệu đồng/kg. Tại đây còn tạo việc làm cho 10 - 15 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Từ năm 2023 đến nay, Công ty đã tận dụng lá sâm để sản xuất một số loại trà sâm bán cho người tiêu dùng và nhận được phản hồi tích cực. Công ty cũng đã tự sản xuất và bán các giống sâm, giống cây dược liệu ra thị trường với số lượng lớn. Theo đánh giá, các loài sâm được trồng tại mô hình này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, có thể nhân rộng thành mô hình kinh tế giúp xóa đói giảm nghèo trong tương lai.

Công ty hiện đang hợp tác với Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) để phát triển và bảo tồn các loài sâm quý. Đây cũng là giải pháp hiệu quả để xây dựng một quy trình, chuyển giao kỹ thuật cho người dân sau này.

Chính quyền huyện Mù Cang Chải hi vọng cây sâm và một số cây dược liệu quý có thể nhân rộng, tạo sinh kế cho các hộ dân sống gắn bó với rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Chính quyền huyện Mù Cang Chải hi vọng cây sâm và một số cây dược liệu quý có thể nhân rộng, tạo sinh kế cho các hộ dân sống gắn bó với rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Hờ A Hứ, Chủ tịch UBND xã Kim Nọi chia sẻ, Công ty Cổ phần đầu tư PALEX đã trồng thành công sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu trên địa bàn xã chứng minh đất đai, khí hậu ở đây phù hợp. Trong thời gian tới, xã mong muốn các doanh nghiệp, HTX tiếp tục đầu tư các mô hình trồng cây dược liệu, đặc biệt là các loài cây dược liệu dưới tán rừng để hướng dẫn và chuyển giao giống, kỹ thuật cho bà con, từ đó tạo sinh kế bền vững cho người dân sống với rừng.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.