| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc âm thầm đổi chiến lược về biển Đông?

Thứ Sáu 21/07/2017 , 11:10 (GMT+7)

Đã tròn 1 năm sau phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế (PCA) về biển Đông ở La Haye (Hà Lan) rằng hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh về các quyền hàng hải và tài nguyên ở biển Đông đều không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phán quyết của PCA nói gì?

Các kết luận quan trọng nhất của phán quyết là, thứ nhất, “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không thể đại diện cho một tuyên bố hợp pháp về làm chủ các tài nguyên biển. Thứ hai, phán quyết kết luận rằng không có thực thể nào trong quần đảo Trường Sa, hay bãi cạn Scarborough, là "đảo đầy đủ". Phán quyết này đồng nghĩa là Trung Quốc không có quyền tuyên bố làm chủ các tài nguyên hải sản, dầu khí bên ngoài vùng 12 hải lý quanh bất kỳ thực thể nào thuộc quần đảo Trường Sa hoặc bãi Scarborough.

Phiên tòa xét xử vụ kiện biển Đông

Được cho là bước ngoặt quan trọng trong tranh chấp biển Đông, phán quyết trọng tài vẫn đang là trung tâm tranh luận tại châu Á-Thái Bình Dương cũng như tại phương Tây. 
 

Trung Quốc đã bớt trắng trợn?

Có bằng chứng cho thấy, bất chấp những tuyên bố to tát, chính quyền Trung Quốc đã phần nào thay đổi hành vi. Tháng 10/2016, ba tháng sau khi có phán quyết, Bắc Kinh cho phép các tàu thuyền Philippines và Việt Nam tiếp tục đánh cá tại bãi Scarborough, phía tây Philippines. Đáng chú ý hơn, Trung Quốc đã tránh khoan dầu khí ở những vị trí sai so với những ranh giới vô hình quy định trong Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Mặc dù phán quyết của tòa năm 2016 chỉ có tính ràng buộc đối với Trung Quốc và Philippines, hành vi của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng đã thay đổi. Lần cuối Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào một khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền là năm 2014. Vụ này đã kết thúc với sự bẽ mặt về chính trị, bạo động chống Trung Quốc đã xảy ra, và là một thất bại lớn đối với Bắc Kinh về ngoại giao khu vực. Kể từ đó, các giàn khoan Trung Quốc vẫn ở ngoài các vị trí gây tranh cãi.

Có những dấu hiệu rõ ràng từ cả lời nói lẫn hành động của Trung Quốc cho thấy, Bắc Kinh đã âm thầm thay đổi lập trường pháp lý tổng thể của họ đối với biển Đông.

Nhà nghiên cứu Úc Andrew Chubb lưu ý về một bài báo quan trọng ở Trung Quốc vào tháng 7/2016, nêu khái quát về quan điểm mới, do các nhà lý luận pháp lý của Trung Quốc viết. Quan điểm mới về tuyên bố của Trung Quốc gồm 3 phần: tuyên bố làm chủ tất cả các đảo đá và các bãi cạn bên trong đường lười bò; tuyên bố về "quyền lịch sử" đối với tất cả vùng biển bên trong những đường vẽ quanh các nhóm đảo gần "sát nhau" (nghĩa là các nhóm nhỏ các thực thể bên trong quần đảo Trường Sa); và tuyên bố làm chủ nhưng không độc quyền về đánh bắt cá ở những ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc.

Lập trường mới của Trung Quốc dường như thể hiện một bước đi quan trọng tiến đến tuân thủ UNCLOS, và như vậy cũng tuân thủ phán quyết. Điều có ý nghĩa nhất là nó loại bỏ những cơ sở để Trung Quốc phản đối các nước khác đánh cá và khoan dầu khí ở những vùng rộng lớn của biển Đông…
 

Nhiều nước phản đối

Những cường quốc hải quân ngoài khu vực này đặc biệt quan ngại bởi những tham vọng của Bắc Kinh có thể hạn chế các quyền hàng hải đã được quốc tế công nhận. Với Washington, các mối quan tâm chính tập trung vào các quốc gia đang được Mỹ bảo hộ an ninh là Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Philipinnes đã tăng cường bảo vệ các thực thể địa lý mà họ chiếm đóng trong suốt 10 năm qua, bất chấp hoạt động tiếp cận Trung Quốc gần đây của Tổng thống Duterte. Tại quần đảo Hoàng Sa, sự chiếm đóng và kiểm soát lâu dài của Trung Quốc đã hạn chế các quốc gia khác tiến hành các biện pháp thực địa để khẳng định yêu sách của mình. Nhưng điều này cũng chẳng ngăn cản được các đối thủ của Trung Quốc lên tiếng phản đối.

Ngày 14/7/2017, Indonesia đã đặt cho vùng biển quanh quần đảo Natuna của nước này nằm sát biển Đông, một cái tên Indonesia là “biển Bắc Natuna”. 

Phát biểu tại Ấn Độ ngày 18/7/2017, ngoại trưởng Úc Julie Bishop, đã lên tiếng: “Chúng tôi tiếp tục chống lại việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo, và quân sự hóa các thực thể đó ở biển Đông”

Nhật Bản cũng tăng cường sự hiện diện tại biển Đông, với việc điều chiến hạm lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là Izumo, thăm nhiều đối tác ASEAN trong chuyến hải hành ba tháng.

Hải quân Mỹ liên tiếp thực hiện 2 chuyến tuần tra “bảo vệ quyền tự do hàng hải” trên biển Đông, thách thức Trung Quốc khi cho chiến hạm tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các thực thể mà Bắc Kinh trấn giữ, cả ở Trường Sa lẫn Hoàng Sa. 

Biển Đông chưa yên

Dẫu sao thì phán quyết biển Đông đã là một thực tế, và dù không nhắc đến công khai, nhưng trong hành động của mình, Trung Quốc cũng phải ít nhiều tự kềm chế. Một bài viết trên báo The Independent (Singapore) đã ghi nhận: “Trong một chừng mực nào đó, Trung Quốc cũng đã bị kiềm chế, và tránh lớn tiếng thêm về vấn đề này, mà đồng ý tích cực hơn trong việc đàm phán một bộ Quy tắc ứng xử (COC) về biển Đông có tính ràng buộc pháp lý”.

Trung Quốc không bao giờ từ bỏ chủ trương bành trướng, nhất là khi đang nắm trong tay những con bài chủ, sau khi quân sự hóa các đảo trên biển Đông. 

Và sự yên lặng hiện nay trên vùng biển chiến lược này chỉ là một sự yên tĩnh ngoài mặt, mà bên dưới là những cơn sóng ngầm.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.