| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc cấm nhập khẩu toàn bộ thủy hải sản sau khi Nhật Bản xả thải

Thứ Năm 24/08/2023 , 15:21 (GMT+7)

Sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý ra biển trưa 24/8, Bắc Kinh ra lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ thủy hải sản từ nước này.

So điệp nhập khẩu từ Nhật Bản được đo nồng độ phóng xạ tại chợ hải sản Noryangjin ở Seoul, Hàn Quốc hồi tháng 7/2023. Ảnh: Reuters.

So điệp nhập khẩu từ Nhật Bản được đo nồng độ phóng xạ tại chợ hải sản Noryangjin ở Seoul, Hàn Quốc hồi tháng 7/2023. Ảnh: Reuters.

Trong thông cáo ngày 24/8, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết nước này sẽ ngay lập tức ngừng nhập khẩu toàn bộ các sản phẩm thủy hải sản từ Nhật Bản.

Theo thông cáo, quyết định này nhằm ngăn chặn rủi ro ô nhiễm phóng xạ từ nước thải hạt nhân do Nhật xả ra và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tổng cục Hải quan cho biết quyết định này được đưa ra nhằm "phòng ngừa toàn diện các rủi ro về an toàn thực phẩm trước ô nhiễm phóng xạ do hoạt động xả nước thải hạt nhân từ nhà máy Fukushima ra biển".

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cho biết chính phủ Nhật Bản, bất chấp những quan ngại và sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế, đã đơn phương xả nước thải ô nhiễm từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Quan chức này cho biết cơ quan Hải quan Trung Quốc rất quan ngại về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ do hành động này gây ra đối với thực phẩm và nông sản Nhật Bản được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo các điều lệ có liên quan của Trung Quốc, cũng như các quy định trong Hiệp định Áp dụng các Biện pháp Vệ sinh an toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã quyết định thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm dịch đối với thực phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản.

Cơ quan này cũng khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ việc Nhật Bản xả nước thải ra biển và sẽ điều chỉnh các biện pháp quản lý liên quan dựa trên tình hình thực tế.

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất của Nhật Bản, đem về cho nước này 72 tỷ yên (496 triệu USD) trong năm 2022. 

"Biển là tài sản chung của toàn nhân loại, và việc xả nước thải hạt nhân ra biển là một hành động vô cùng ích kỷ và vô trách nhiệm, bỏ qua những lợi ích cộng đồng quốc tế", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong thông cáo ngày 24/8.

Trước đó, Trung Quốc đã ra lệnh cấm nhập khẩu thủy hải sản từ 10 tỉnh gồm Tokyo, Fukushima, Chiba, Tochigi, Ibaraki, Gunma, Miyagi, Niigata, Nagano và Saitama từ tháng 7/2023. Hôm 23/8, Chính phủ Hong Kong cũng công bố lệnh cấm tương tự. Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc còn nhập khẩu thủy hải sản từ Ecuador, Nga và Canada.

Hồi tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị ảnh hưởng. Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý khoảng 1.000 bể thép chứa 1,34 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.

Năm 2021, chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý ra biển. Bất chấp những phản đối của cộng đồng quốc tế và người dân trong nước, trưa 24/8, Nhật Bản đã bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý ra biển. 

TEPCO thông báo sẽ thải tổng cộng 7.800 tấn nước ra biển trong 17 ngày tới, liên tục 24h/ngày kể từ hôm nay. Đây là đợt xả thải đầu tiên trong 4 lần xả được lên kế hoạch trong năm tài chính 2023 (từ nay đến tháng 3/2024), dự kiến xả 31.200 tấn nước thải.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.