Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ cấm nhập khẩu thủy sản vô thời hạn từ 10 tỉnh của Nhật Bản gồm Tokyo, Fukushima, Chiba, Tochigi, Ibaraki, Gunma, Miyagi, Niigata, Nagano và Saitama từ ngày 24/8 và tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản từ ngày 23/8.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ xả nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima từ ngày 24/8.
Cụ thể, tất cả các sản phẩm thủy sản sống, đông lạnh, làm lạnh, sấy khô hoặc bảo quản bằng cách khác, muối và rong biển sống hoặc chế biến từ những nơi trên sẽ bị cấm nhập khẩu vào Hong Kong.
Trưởng đặc khu Lý Gia Siêu đã chỉ thị Cơ quan Môi trường và Sinh thái và các bộ phận liên quan ngay lập tức triển khai các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, nhấn mạnh rằng an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng là ưu tiên hàng đầu của chính quyền đặc khu.
Cơ quan Môi trường và Sinh thái Tse Chin-wan cho biết các biện pháp phòng ngừa là cần thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm vì Tokyo chưa đưa ra câu trả lời thỏa đáng về cách loại bỏ những rủi ro do kế hoạch xả thải gây ra.
"Chúng tôi đang thực hiện một cách tiếp cận thận trọng hơn để đảm bảo với người Hong Kong rằng tất cả hàng nhập khẩu của Nhật Bản đều an toàn và mọi người có thể yên tâm tiêu thụ chúng," Tse nói sau khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo việc xả nước sẽ bắt đầu vào ngày 24/8.
Tokyo dự định xả 1,32 triệu tấn nước phóng xạ đã qua xử lý trong vòng 30 ngày. Điều này làm dấy lên lo ngại về các tác động lâu dài đối với các loại sinh vật biển.
Trước đó, Trung tâm An toàn thực phẩm Hong Kong cũng cho biết đã tăng toàn diện phạm vi kiểm nghiệm đối với thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản kể từ giữa tháng 6.
Từ ngày 12 - 25/7, Trung tâm An toàn thực phẩm đã kiểm nghiệm tổng cộng 6.020 mẫu thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, trong đó khoảng 3.506 mẫu là thủy sản và các sản phẩm liên quan, rong biển, muối biển. Mức phát hiện nhiễm phóng xạ của tất cả các mẫu không vượt quá giới hạn.
Hong Kong là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Nhật Bản, chỉ đứng sau Trung Quốc. Năm 2022, đặc khu hành chính này đã nhập khẩu từ Nhật Bản lượng thủy sản trị giá 536 triệu USD, chiếm hơn 20% tổng xuất khẩu thủy sản của Tokyo.
Phản ứng trước thông báo trên, nhiều cửa hàng và nhà hàng tại Hong Kong cho biết họ sẽ giảm nhập về các loại thủy sản từ Nhật.
Ryan Sun, nhân viên kế toán 25 tuổi, cho biết anh và gia đình quyết định chi 700 đô la Hong Kong (89 USD) để dùng bữa tại một nhà hàng sushi ở Vịnh Đồng La, khu trung tâm Hong Kong, sau khi biết tin này.
“Chúng tôi có thể ngừng ăn hải sản nhật trong 1 - 2 tháng tới để theo dõi các báo cáo thử nghiệm có an toàn hay không. Chúng tôi hy vọng rằng kết quả sẽ ổn vì chúng tôi thương xuyên ăn đồ Nhật vài lần một tuần”, Sun nói.
Giới kinh doanh dịch vụ nhà hàng cho biết họ lo ngại niềm tin của người tiêu dùng với hải sản Nhật sẽ phải mất nhiều tháng mới có thể phục hồi.
Lee Choi-wah, Chủ tịch Phòng Thương nhân Hải sản Hong Kong cho biết: “Chúng tôi lo ngại rằng người Hong Kong sẽ ngừng mua hải sản. Với các biện pháp kiểm tra chặt chẽ hơn, chúng tôi hy vọng chính phủ có thể thuyết phục người tiêu dùng rằng thực phẩm được phép vào Hong Kong đều an toàn để tiêu thụ.”
Alvin Lam Chin-cheung, chủ nhà hàng Nhật Hirou Tsuki ở khu San Po Kong, dự đoán ông sẽ phải chi nhiều hơn cho các nhà cung cấp hải sản, khi giá nhập vào vừa mới tăng 10% hồi tháng trước.
“Giá nhập khẩu sẽ tăng hơn nữa sau khi lệnh cấm có hiệu lực do nguồn cung ít đi”, ông Lam nói. “Tôi có thể sẽ phải chuyển sang nhập hải sản trong nước hoặc thậm chí từ châu Âu và nâng giá bán lên”.
Tập đoàn Maxim, sở hữu các nhà hàng Nhật Bản nổi tiếng bao gồm Genki Sushi, Sen-Ryu và Uo-Show, cho biết họ không sử dụng các nguyên liệu bị cấm nhập khẩu. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình, duy trì liên lạc với chính quyền địa phương và tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn do Trung tâm An toàn Thực phẩm đưa ra,” tập đoàn này cho biết.
Trả lời báo chí hôm 22/8, lãnh đạo cơ quan Môi trường và Sinh thái Tse Chin-wan không công bố bất kỳ khoản trợ cấp hoặc viện trợ nào cho các doanh nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, nhưng cho biết các nhà chức trách sẽ giúp họ tìm nguồn nhập khẩu thay thế.