Hơn một năm sau khi công bố bản kế hoạch xây dựng các tuyến đường trung chuyển nối Đài Loan và Trung Quốc đại lục, Bắc Kinh vừa hé lộ các bản thiết kế chi tiết về một tuyến đường cao tốc đến thẳng Đài Bắc.
Trước đó, vào ngày 24 tháng 2 năm 2021, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố "Kế hoạch xây dựng Mạng lưới Giao thông Toàn diện Quốc gia", bao gồm một tuyến đường cao tốc và đường sắt tốc độ cao, xuất phát từ thành phố thủ phủ Phúc Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến (đông nam Trung Quốc) nối với thành phố Đài Bắc ở hòn đảo Đài Loan. Đề án giao thông này được lên kế hoạch hoàn thành và vận hành toàn bộ mạng lưới là năm 2035.
Đến ngày 12 tháng 7 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc tiếp tục công bố một kế hoạch tương tự có tên "Kế hoạch Mạng lưới Đường cao tốc Quốc gia".
Theo đó, quy mô tổng thể mạng lưới quốc lộ vào khoảng 461.000 km, bao gồm mạng lưới quốc lộ và mạng lưới đường bộ quốc gia. Trong số này, các tuyến đường cao tốc sẽ bao gồm khoảng 162.000 km và 299.000 km đường quốc lộ.
Kế hoạch này nhằm mục đích xây dựng "mạng lưới đường quốc gia hiện đại, chất lượng cao với phạm vi bao phủ rộng khắp, chức năng hoàn chỉnh, hiệu quả cao, thông minh và xanh với độ an toàn và tin cậy" vào năm 2035.
Đặc biệt kế hoạch này cũng đề cập đến một dự án đường cao tốc chạy từ Phúc Châu đến Đài Bắc và được phân loại là phần của huyết mạch chính từ Bắc Kinh đến Đài Bắc, được chỉ định là "G3".
Ngoài ra, các kế hoạch cho mạng lưới đường bộ còn bao gồm hai tuyến đường khác, "G1533" và "G1534" nối từ thành phố Tuyền Châu, phía nam tỉnh Phúc Kiến với Kim Môn của Đài Loan và tuyến sau nối Hạ Môn, phía đông nam tỉnh Phúc Kiến với Kim Môn.
Hiện khoảng cách ngắn nhất giữa Trung Quốc đại lục và eo biển Đài Loan là 68 hải lý hoặc tương đương 126 km. Điểm gần nhất ở Trung Quốc là đảo Pingtan ở Phúc Châu, trong khi điểm gần nhất ở Đài Loan là cảng đánh cá Nanliao ở thành phố Tân Trúc.
Hiện tại, hành trình nhanh nhất bằng đường biển giữa hai địa điểm này mất khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ.
Ngay sau khi công bố kế hoạch trên, giới quan sát nhìn nhận là nó “không có khả năng được đón nhận ở Đài Loan” vì dự án trước đó bị gắn mác “tuyên truyền” và được ví như một "tiểu thuyết khoa học viễn tưởng". Lý do là ngoài chi phí lớn và các vấn đề hậu cần đồ sộ, hoành tráng, một dự án giao thông như vậy cần phải có sự chấp thuận của chính quyền eo biển Đài Loan. Và điều này rất khó xảy ra do các tuyến đường như vậy sẽ có tác động đến chủ quyền và an ninh.
Trong diễn biến liên quan đến căng thẳng leo thang giữa đại lục và eo biển, hôm nay tàu chiến Trung Quốc và Đài Loan tiếp tục bám sát nhau trên biển, trước khi Bắc Kinh dự kiến sẽ kết thúc 4 ngày tập trận lớn chưa từng có quanh hòn đảo.
Theo hãng tin Reuters, có khoảng 10 tàu chiến của quân đội mỗi bên đã di chuyển sát nhau tại eo biển Đài Loan và một số tàu của Trung Quốc đại lục đã vượt qua đường trung tuyến - vùng đệm không chính thức phân chia hai phía.
Trong một tuyên bố, cơ quan phòng vệ đảo Đài Loan cho biết nhiều tàu chiến, máy bay và drone của Trung Quốc đã mô phỏng đòn tấn công vào hòn đảo cùng với lực lượng hải quân của họ. Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết đã điều động máy bay và tàu để ứng phó “phù hợp”.
“Cả hai phía đều thể hiện sự kiềm chế”, cùng chơi trò “mèo vờn chuột” để mô tả diễn biến trên biển. “Một phía định vượt qua, phía bên kia ngáng đường, buộc đối phương di chuyển tới vị trí bất lợi và cuối cùng phải quay trở lại”, theo mô tả của Reuters.
Quân đội Trung Quốc tổ chức đợt tập trận lớn lần này để phản đối chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 2/8.