| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc khẳng định 'đủ sức chống chọi thách thức lương thực'

Thứ Sáu 20/05/2022 , 06:19 (GMT+7)

Chính sách kiểm soát dịch “zero-Covid” của Trung Quốc đã khiến giá thực phẩm tăng cao cùng với lạm phát, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn tỏ ra lạc quan trước những thách thức mới.

Giới chức Trung Quốc khẳng định với chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp, nước này đủ sức chống lại mọi rủi ro từ bên ngoài. Ảnh: VCG

Giới chức Trung Quốc khẳng định với chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp, nước này đủ sức chống lại mọi rủi ro từ bên ngoài. Ảnh: VCG

Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất tại quốc gia đông dân số nhất thế giới đều tăng hơn dự tính ​​trong tháng 4. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng trước đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do sự tăng vọt của giá năng lượng và rau quả.

Các chỉ số của tháng 4 cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/2021 và cao hơn nhiều so với mức lạm phát giá tiêu dùng 0,9% trung bình trong 18 tháng. Trong khi đó mục tiêu CPI chính thức của Trung Quốc cho cả năm 2022 là “khoảng 3%”.

Các nhà phân tích của hãng Goldman Sachs cho rằng, nguyên nhân chính đẩy giá thực phẩm tăng cao tại quốc gia 1,4 tỷ dân là do chi phí vận chuyển cũng như nhu cầu dự trữ lương thực- thực phẩm tăng từ chính sách kiểm soát nghiêm ngặt Covid-19. Theo đó kể từ tháng 3, Trung Quốc đại lục đã thắt chặt các hạn chế đi lại và áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực đông dân cư để ngăn chặn đợt bùng phát Covid tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020, đã khiến hoạt động sản xuất và giao thương bị đình đốn.

Vào tháng trước, giá rau xanh do khan hiếm đã tăng tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trái cây tươi cũng tăng 14,1% do khủng hoảng thiếu trầm trọng. Riêng giá thịt lợn, một yếu tố đóng góp chính vào CPI của Trung Quốc đã đột ngột tăng 1,5%- mức hiếm thấy so với nhiều tháng trước đó luôn ở mức âm 33,3%, kể từ sau khi nổ ra dịch tả lợn Châu Phi.

Ông Matteo Marchisio, chuyên gia Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế nhận định, xung đột Nga-Ukraine rõ ràng đã góp phần làm tăng giá lương thực và làm xấu đi tình hình an ninh lương thực toàn cầu. Và tác động cũng có thể xảy ra ở Trung Quốc, mặc dù nước này tiếp tục duy trì mức độ tự cung tự cấp lương thực và dự trữ ở mức cao, mặc dù cả Ukraine và Nga đều là những nguồn cung cấp nông sản và đầu vào quan trọng cho Trung Quốc.

Tuy nhiên theo ông Matteo, Trung Quốc sẽ không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa tức thời nào đối với an ninh lương thực bởi họ đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc đảm bảo an ninh lương thực, và không còn là một quốc gia "mất an ninh lương thực" nữa - ít nhất là kể từ đầu những năm 2000. Đồng thời, sản lượng lương thực đã tăng hơn gấp đôi trong bốn thập kỷ qua, cùng với chỉ số lương thực và thịt bình quân trên đầu người cũng đã được cải thiện đáng kể.

Theo tờ Global Times, Trung Quốc nuôi sống 1,4 tỷ người, khoảng 1/5 dân số thế giới, với chưa đầy 10% diện tích đất nông nghiệp trên thế giới. Trên thực tế, sản lượng lương thực của Trung Quốc đã ở mức rất cao trong nhiều năm liên tiếp vừa qua, nâng sản lượng lương thực bình quân đầu người cao hơn mức trung bình của thế giới. Ngoài ra dự trữ lương thực của nước này cũng cao hơn nhiều so với mức tối thiểu mà FAO khuyến nghị. Bắc Kinh cũng đã duy trì mức tự cung tự cấp lương thực tổng thể đạt 95% trong những năm qua, với mức tự cung tự cấp từ 97 đến 98% đối với ba loại cây trồng chính.

Trung Quốc hiện đặc biệt coi trọng vấn đề an ninh lương thực. Kể từ khi xảy ra xung đột Nga- Ukraine khiến giá lương thực và phân bón thế giới tăng cao, vấn đề nhạy cảm này đã từng được dư luận đặt dấu hỏi về năng sản xuất liệu có đủ an toàn không?

Nông dân tỉnh Chiết Giang chăm sóc mạ để gieo cấy vụ mùa mới. Ảnh: VCG

Nông dân tỉnh Chiết Giang chăm sóc mạ để gieo cấy vụ mùa mới. Ảnh: VCG

Hồi trung tuần tháng trước, Bắc Kinh đã lên tiếng trấn an người dân và các nhà quan sát quốc tế rằng nước này đủ sức cung cấp cái ăn cho gần 20% dân số thế giới, nhờ chính quyền trung ương sớm coi chính sách nông nghiệp- nông thôn là ưu tiên hàng đầu, với một hệ thống dự trữ quốc gia được thiết lập tốt cũng như cơ chế ứng phó khẩn cấp từ trên xuống dưới.

Ông Xu Poling, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết: Những diễn biến khó lường như xung đột, hạn hán và biến đổi khí hậu ở nhiều khu vực trên thế giới khả năng cao sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, đồng thời cảnh báo khủng hoảng nguồn cung có thể gây ra nhiều mối đe dọa hơn đối với các nước thu nhập thấp, ví dụ như các nước châu Phi.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Li Xinhai, thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc nhấn mạnh rằng, mối đe dọa trên không có khả năng đe dọa an ninh lương thực ở Trung Quốc. Theo ông Li, năm 2021, nhập khẩu đậu nành, lúa mì, ngô và lúa mạch của Trung Quốc từ Nga chỉ chiếm chưa đến 1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Dữ liệu hải quan cho thấy, ngô nhập khẩu từ Ukraine chiếm 29% tổng lượng nhập khẩu hàng năm, trong khi nhập khẩu lúa mạch ở mức 26%, và trong số các mặt hàng nhập khẩu này, đa số được sử dụng làm thức ăn gia súc.

Đặc biệt là nguồn lương thực tồn kho của nước này cũng ở mức cao, sẽ giúp đất nước đối phó với mọi rủi ro từ bên ngoài.

"Hiện lượng dự trữ lúa mì của Trung Quốc đang ở mức cao trong lịch sử, có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa trong hơn một năm", Sun Heng, nhà phân tích lúa mì tại Trung tâm Thông tin Ngũ cốc và dầu thực vật Quốc gia cho biết.

Các doanh nghiệp trong ngành cũng chia sẻ, Trung Quốc cũng đã tập trung dự trữ các mặt hàng chủ lực như ngô, cao lương và lúa mì trong hai năm qua - khi giá cả tương đối phải chăng - như một phần trong nỗ lực ưu tiên an ninh lương thực quốc gia.

Trước đó, hồi tháng 3, Bộ trưởng Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc Đường Nhân Kiện cho biết: "Bất kể hoàn cảnh bên ngoài có thay đổi như thế nào, chúng tôi vẫn có khả năng đảm bảo rằng hơn 1,4 tỷ người dân sẽ được ăn uống đúng giờ”.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu đảm bảo sản lượng ngũ cốc hàng năm ở mức trên 650 tỷ kg vào năm 2022. Năm 2021, sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc đạt mức cao mới 683 tỷ kg, với diện tích đất canh tác ngũ cốc đạt trên 117 triệu ha.

(CNBC; Chinadaily)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.