Nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tổn thất lớn hơn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ? |
Nhiều phân tích cho thấy, Tổng thống Donald Trump hoàn toàn có cơ sở để chờ đợi vào một chiến thắng trước đối thủ lớn nhất của Mỹ.
Bắc Kinh có thể trở thành kẻ thất bại vĩ đại, cho dù cuộc đối đầu về thương mại giữa đôi bên chắc chắn khiến cả hai đều chịu thiệt hại, đặc biệt khi căng thẳng vượt ra ngoài vấn đề thương mại. Trên thực tế, điều này đã có dấu hiệu xảy ra cả ở lĩnh vực quân sự, an ninh và ngoại giao. Nhiều nguồn tin mới đây cho biết, có khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ huỷ cuộc họp ngoại giao và an ninh vào tháng tới.
Chinadaily hôm qua cho biết, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh không thách thức cũng như hướng tới thay thế vị trí lãnh đạo của Mỹ trên thế giới. Đây liệu có phải dấu hiệu sự lùi bước của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ đang leo thang? Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm qua đã có bài phân tích cho rằng, về lâu dài cuộc chiến thương mại sẽ khiến Trung Quốc bị “đau” nhiều hơn, so với Mỹ.
Trước hết, kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Năm 2017, Trung Quốc đã xuất sang Mỹ hơn 500 tỉ USD hàng hoá. Ở chiều ngược lại, Mỹ chỉ xuất khẩu 130 tỉ USD hàng hoá vào Trung Quốc. Quan hệ thương mại với Mỹ đem lại lợi ích cho Trung Quốc nhiều hơn so với đối thủ. Theo số liệu Sách trắng Trung Quốc mới công bố, xuất khẩu vào Mỹ chiếm 19% tổng xuất khẩu của nước này, trong khi xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ chiếm 8% tổng xuất khẩu của Mỹ. Hiện tại, thương mại chiếm 20% GDP Trung Quốc, với Mỹ chỉ là 14%. Các lý thuyết kinh tế cho thấy, cuộc chiến thương mại sẽ khiến các nước xuất khẩu bị tổn thương nhiều hơn so với các nước nhập khẩu.
Một vấn đề khác, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn hiện đang phục vụ cho lợi ích lớn nhất của Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc phát triển bùng nổ trong 4 thập niên vừa qua dựa trên vai trò trung tâm sản xuất của thế giới. Sự kéo dài cuộc đối đầu với Mỹ sẽ khiến cho các công ty cả trong và ngoài nước ở Trung Quốc phải đa dạng hoá sản xuất, đồng thời dịch chuyển sang các quốc gia khác an toàn hơn, như Việt Nam, Mexico, Malaysia, hay Indonesia. Điều này trên thực tế đang diễn ra với xu hướng ngày càng mạnh. Các công ty Trung Quốc vốn mua sản phẩm công nghệ từ Mỹ cũng sẽ phải chuyển tới nơi khác để tránh thuế.
Chiến tranh thương mại đồng thời khiến cho các nhà đầu tư phải hãm lại. Theo SCMP, hiện tại các nhà đầu tư nước ngoài đang “góp” cho kinh tế Trung Quốc khoảng 2,5 nghìn tỉ NDT (363,8 tỉ USD), tương đương 3.1% GDP danh nghĩa. Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng là ba đầu máy của nền kinh tế Trung Quốc. Về trung hạn, các số liệu thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chịu tác động mạnh hơn so với Mỹ, dù cả hai đều chịu thiệt hại vì các đòn “ăn miếng, trả miếng” lẫn nhau thời gian vừa qua. Ông Donald Trump như các tuyên bố vừa qua, đang để ngỏ khả năng không chỉ giới hạn đối đầu về thương mại song phương với Trung Quốc mà còn mở rộng ra cả lĩnh vực đầu tư và trao đổi công nghệ.
Là một doanh nhân, ông Trump chắc chắn không chấp nhận cảnh Mỹ nhận phần ít trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc là một trong những mục tiêu ông Trump đặt ra trong cuộc đua Tổng thống năm 2016, nhưng có lẽ những gì ông và Washington hướng tới lúc này còn cao hơn cả vấn đề thương mại.