Hệ quả tất yếu
Theo dữ liệu hải quan công bố hôm 23/9, sản lượng ngũ cốc nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 đã giảm mạnh. Điều này diễn ra một tháng sau khi Bắc Kinh thực hiện tăng thuế đối với các mặt hàng như đậu nành, cao lương và ngô từ Mỹ, một trong những nhà cung cấp chính cho thị trường Trung Quốc. Đây là nguồn cung thức ăn cho ngành công nghiệp gia súc, gia cầm rất lớn của Trung Quốc.
Báo cáo của Hải quan Trung Quốc cho biết, lượng cao lương nước này nhập hồi tháng 8 chỉ là 60.000 tấn, giảm 78,5% so với con số 259,892 tấn cùng kỳ năm trước. Tương tự, sản lượng ngô nhập khẩu của Trung Quốc tháng 8 cũng giảm 13,5%, chỉ còn 330.000 tấn so với 377,518 tấn so với tháng 8/2017. Sản lượng nhập khẩu lúa mì cũng giảm 51,6%, xuống 140.000 tấn. Trước đây, khoảng 1/3 lượng ngô và lúa mì nhập khẩu của Trung Quốc có nguồn gốc từ Mỹ.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), sản lượng các mặt hàng nhập khẩu trên giảm dù giá cả ở thị trường nước ngoài hạ. Đại diện một công ty kinh doanh cao lương cho biết, công ty không dám nhập khẩu khối lượng lớn do lo ngại các rủi ro về chính sách có thể xảy ra.
Cũng có những cá biệt như lượng thịt lợn nhập khẩu lại tăng 10,8% lên 92,587 tấn trong tháng 8 dù mặt hàng này của Mỹ cũng chịu tác động từ việc áp thuế và Mỹ cũng là nhà cung cấp chính. Tuy nhiên, xu hướng chung là hầu hết các mặt hàng đều giảm lượng nhập khẩu.
Cũng do tác động từ các biện pháp áp thuế của Mỹ, Reuters cho biết xu hướng các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc tháo chạy vẫn đang tiếp tục diễn ra. Mới nhất có thể kể đến các tập đoàn Mitsubishi Electric, Toshiba Machine Co hay Komatsu của Nhật Bản, SK Hynix, LG Electronic của Hàn Quốc hoặc nhiều công ty Đài Loan. Một số chính phủ như Đài Loan (Trung Quốc) hay Thái Lan đang khuyến khích doanh nghiệp rời hoạt động chế tạo khỏi Trung Quốc.
Hồi tháng 7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế 25% lên 50 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc. Trong tuần tới, vòng tròn áp thuế thứ 2 với mức 10% lên 200 tỉ USD hàng Trung Quốc sẽ có hiệu lực. Tỉ lệ thuế sẽ tăng lên 25% vào cuối năm nay. Ông Trump đồng thời đe doạ sẽ thực hiện vòng tròn thuế thứ 3, áp đặt thuế lên 26 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả. Căng thẳng giữa đôi bên chưa biết điểm dừng khi mới đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc huỷ kế hoạch đàm phán với Washington.
Đại diện Toshiba Machine Co cho biết, hãng sẽ chuyển một công đoạn sản xuất từ Trung Quốc sang Nhật Bản hoặc Thái Lan trong tháng 10. Mitsubishi Electronic cũng nói đang cơ sở sản xuất ở Đại Liên tới Nagoya (Nhật Bản).
Người Mỹ lo lắng
Các đòn đáp trả của Bắc Kinh cũng khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng. Nông dân các vùng nông nghiệp của Mỹ là một trong số này, khi sản lượng xuất khẩu sụt giảm.
AFP hôm qua cho biết, Hiệp hội Cảng của Mỹ quan ngại, họ sẽ thành bị thiệt hại nặng nhất trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2018, thống kê cho thấy lượng thép nhập khẩu đến cảng New Orleans đã giảm 350.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thép chính đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc nhưng ngoại trừ Hàn Quốc, thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều chịu mức thuế 25% do Tổng thống Donald Trump ban hành. Đại diện cảng New Orleans cho biết tạm thời vẫn chống chọi được nhưng về lâu dài, tình hình có thể sẽ rất khó khăn. “Chúng tôi đơn giản là không biết chuyện này kéo dài bao lâu”-đại diện New Orleans nói.
Giới phân tích dự báo, diễn biến thị trường thế giới tuần này sẽ trở nên phức tạp khi mức thuế mới do Mỹ áp đặt lên Trung Quốc chính thức có hiệu lực.