| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp 'soi kỹ' rệp sáp trên trái cây xuất khẩu

Thứ Ba 17/08/2021 , 10:30 (GMT+7)

Khoảng 6 - 7 năm về trước, các lô trái cây Việt Nam xuất khẩu từng bị Trung Quốc cảnh báo nhiễm rệp sáp. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu kiểm soát rất chặt.

Trung Quốc kiểm dịch gắt gao hơn

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chỉ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho hay: Hiện giá thanh long thu mua cho bà con đã tăng lên ở ức 7.000 - 10.000 đ/kg (so với mức chỉ 2.000 - 3.000 đ/kg giai đoạn đầu ách tắc do dịch bệnh Covid-19). Tuy nhiên, việc xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn còn khó khăn, nhỏ giọt do khâu vận chuyển tiêu thụ xuất khẩu.

Rệp sáp gây hại trên lá, quả thanh long. Ảnh: Cục BVTV.

Rệp sáp gây hại trên lá, quả thanh long. Ảnh: Cục BVTV.

Về rệp sáp gây hại trên cây thanh long, ông Trịnh cho biết đây không phải là đối tượng khiến người dân quá lo lắng vì mức độ gây hại đa số chỉ cục bộ, không khó phòng trừ. Tuy nhiên, việc kiểm dịch nói chung (trong đó có rệp sáp) đối với trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ngày ngày càng gắt gao, chặt chẽ hơn. 

Các doanh nghiệp xuất khẩu theo đó hiện nay cũng kiểm soát đối tượng sinh vật gây hại rất nghiêm ngặt. “Việc kiểm soát rệp sáp hầu như đã được xử lý sạch sẽ trong giai đoạn từ trái non. Sau thu hoạch, còn khâu rửa xử lý nữa nên nguy cơ nhiễm rệp sáp trong các lô thanh long xuất khẩu luôn được kiểm soát rất tốt", ông Trịnh nói.

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang cho hay: Khoảng 6 - 7 năm về trước, các ngành chức năng của Trung Quốc cũng từng cảnh báo con rệp sáp rất nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đều rất cẩn trọng với sinh vật này.

Hiện nay, rệp sáp nói chung ở vườn cây ăn quả vẫn thường có, nhưng hầu hết đã bị xử lý. Rệp sáp thường hay xuất hiện nhất đa số trên cây nhãn. Tuy nhiên, đa phần người dân sẽ xử lý triệt để loại côn trùng này ngay ở gia đoạn đầu của trái.

Nếu chúng vẫn còn xuất hiện khi thu hoạch thì cũng bị loại kỹ càng ở khâu sơ chế, đóng gói. Các cơ sở sơ chế đóng gói, xuất khẩu nhãn, thanh long cũng đều sẽ rửa sạch kỹ càng đối với các quả bị nhiễm rệp sáp. 

Nông dân kiểm tra rệp sáp trên trái nhãn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân kiểm tra rệp sáp trên trái nhãn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Đoàn Văn Sang, Tổng Giám đốc công ty TNHH Sản xuất, Chế biến nông sản Cát Tường ở xã Đạo Thạnh (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) cho rằng: Bên cạnh nhãn, rệp áp cũng xuất hiện trên trái chôm chôm. Hiện nay, quy định kiểm dịch tại các thị trường nhập khẩu đều rất gắt gao, kể cả Trung Quốc. Do đó, cần phải rất cẩn thận với sinh vật này. Nhất là xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu chứ không chỉ Trung Quốc.

Nếu phát hiện rệp sáp cũng như các đối tượng sinh vật thuộc diện kiểm dịch, lô hàng sẽ bị huỷ. Vì thế trong kiểm dịch tại chỗ, chúng tôi phải làm triệt để. Có những những lô hàng có rệp là phải kiểm tra lại từng trái.

"Theo tôi, quy trình canh tác ngoài đồng rất quan trọng. Riêng xuất khẩu đi Mỹ, Châu Âu thì phải có biện pháp loại trừ ngay từ ngoài đồng. Còn về nhà máy mới xử lý thì đó là chuyện đã rồi, nhưng phải rửa thật sạch, kiểm tra kỹ lưỡng”, ông Đoàn Văn Sang chia sẻ.

Không khó phòng trừ

Theo ông Lê Quốc Cường, nguyên Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam (Cục BVTV), rệp sáp thường xuất hiện trên nhãn, chôm chôm, cam quýt... Riêng trên cây thanh long, loài sinh vật này ít thấy xuất hiện.

“Mùa này đang vào vụ thu hoạch nhãn, kết hợp nắng nóng nữa nên ít nhiều cũng xuất hiện rệp sáp. Tuy nhiên, mật độ cũng bình thường. Ngày nay, các nhà vườn cũng rất cẩn thận, phát hiện rất sớm và có kinh nghiệm điều trị bệnh này theo tập huấn của cán bộ kỹ thuật”, ông Lê Quốc Cường cho biết.

Bên cạnh nhãn, chôm chôm cũng là một trong các loại trái cây bị rệp sáp thường xuyên gây hại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh nhãn, chôm chôm cũng là một trong các loại trái cây bị rệp sáp thường xuyên gây hại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại ĐBSCL,hiện đang mùa nắng nóng nên tại các vùng sản xuất cây ăn trái thường xuất hiện rệp sáp, tuy nhiên mức độ không đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Công, Chủ nhiệm Hội quán Nhãn xuồng cơm vàng An Hòa, ở xã An Khánh, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết: Năm nay, người trồng nhãn trúng mùa do thời tiết thuận lợi, không có sâu bệnh tấn công, nhất là sạch bệnh rệp sáp phá hại trái nhãn nên quả nhãn vụ này sáng đẹp và cho năng suất cao. 

Tại TP. Cần Thơ, thời gian qua, sản lượng trái nhãn xuất khẩu nhiều nhất vẫn là thị trường Trung Quốc. Cùng với đẩy mạnh việc liên kết, xây dựng các vùng trồng nhãn tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP, Cần Thơ đang xây dựng đề án phát triển cây ăn trái chất lượng cao nhằm phục vụ xuất khẩu.

Trong đó, nhãn là một trong những loai cây trồng chủ lực với tổng diện tích gần 2.000 ha (tổng sản lượng trên 3.000 tấn/năm), tập trung tại các quận, huyện như Thốt Nốt, Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Ô Môn.

Mãng cầu xiêm cũng thường xuyên bị rệp sáp tấn công. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mãng cầu xiêm cũng thường xuyên bị rệp sáp tấn công. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Diện tích trồng nhãn ở Cần Thơ đã có xu hướng tăng đáng kể trong những năm gần đây vì đây là loại trái được xuất khẩu khá thuận lợi, trong đó là thị trường Trung Quốc chiếm khá lớn. Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho biết: Rệp sáp xuất hiện trên trái nhãn và nhiều loại cây ăn trái khác với diện tích không đáng kể. Đối với bệnh này, nông dân rất quen với chúng. Bên cạnh đó, bệnh rệp sáp cũng dễ phòng trừ và đem lại kết quả cao.

Thường khi nhãn chuẩn bị làm bông, đậu trái, nông dân đã sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ trị các loại bệnh và các côn trùng phá hại khác như bọ xít, bọ trĩ, nhện lông nhung…, cùng lúc này cũng diệt được rệp sáp. 

Tại Đồng Tháp, huyện Châu Thành là một trong những địa phương có diện tích trồng nhãn lớn nhất tỉnh với khoảng 3.660 ha, sản lượng ước đạt 55.119 tấn (ước năm 2021). Nhãn là loại cây ăn trái mang giá trị kinh tế cao, dễ trồng, giúp người dân thu lợi nhuận từ 350 - 400 triệu/ha/năm, cao gấp 11,6 lần so với trồng 3 vụ lúa/năm, gấp 7,8 lần so với ổi và 1,56 lần so với xoài.

Khi bị rệp sáp gây hại, nhà vườn cũng có thể tưới mạnh vào chỗ có nhiều rệp để rửa trôi chúng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Khi bị rệp sáp gây hại, nhà vườn cũng có thể tưới mạnh vào chỗ có nhiều rệp để rửa trôi chúng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều năm nay, trái nhãn của Châu Thành đã được liên kết với các doanh nghiệp để xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Châu Âu...

Ông Phạm Tấn Xiếu, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết: Hiện Châu Thành có thêm mô hình trồng nhãn Ido rải vụ nhằm hạn chế được sâu bệnh tấn công và cho lợi nhuận cao hơn so với mùa thuận và có lượng nhãn thường xuyên cung cấp cho thị trường.

Nhiều năm gần đây, các nhà vườn đã từng bước ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm hạn chế, kiểm soát các đối tượng sâu bệnh hại như khâu bao trái, chọn giống, tỉa cành tạo tán, xử lý ra hoa rải vụ... nên nguy cơ đối với bệnh rệp sáp cũng như các đối tượng sinh vật gây hại khác tại các cơ sở trồng nhãn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu luôn được kiểm soát chặt chẽ. 

Theo khuyến cáo, khi thấy xuất hiện rệp sáp khi tấn công, nông dân không cần quá lo lắng và cũng không nên mua thuốc BVTV.

Người dân chỉ cần dùng vòi nước lạnh tưới cây hàng ngày, nên tưới mạnh vào các nơi bị rệp sáp đeo bám hay dùng dung dịch nước rửa chén pha với nước lạnh phun xịt lên cây nhãn cũng có thể phòng trị được bệnh rệp sáp.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.