Từ mua thu đại đoàn kết dân tộc
Dù chỉ là cấp xã, nhưng đó cũng là những ngày tháng sôi động không thể nào quên của chàng trai Nguyễn Quốc Thước tuổi 20 tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Trước đó, từ tháng 4/1945, ông bí mật tham gia phong trào Việt Minh tại địa phương. Người giới thiệu ông vào tổ chức là đồng chí Trần Văn Bành (em ruột Thượng tướng Trần Văn Quang sau này). Từ đó, ông nhận nhiều công tác quan trọng tổ chức giao trong khởi nghĩa giành chính quyền và xây dựng chính quyền mới sau ngày độc lập.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước họp mặt kỷ niệm 50 năm Mậu Thân - 1968 |
Những ngày đầu đất nước mới giành được độc lập sau hơn 80 năm nô lệ, thù trong giặc ngoài. Cùng lúc đất nước phải đối mặt với 3 thứ giặc “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” song hành. Việt Nam rơi vào thế thử thách ngàn cân treo sợi tóc nhưng toàn dân tộc chung sức, chung lòng đại đoàn kết với khẩu hiệu: “Độc lập trên hết! Tổ quốc trên hết” trong một khối. Nhờ vậy, giặc đói được đẩy lùi; giặc dốt cũng mau chóng bị xóa sổ chỉ sau 1 năm. Còn giặc ngoại xâm, không dễ gì chịu lui. Toàn dân Việt Nam lại nhất tề đứng lên theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Giờ đây, sau hơn 70 năm, đất nước giành được độc lập, thống nhất hai miền, Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, vị lão tướng 93 tuổi nhìn nhận thời cơ và thách thức đan xen. Trước đây, Hồ Chủ tịch và thế hệ các nhà lãnh đạo tiền bối phải đối mặt với giặc ngoại xâm. Còn ngày nay, đất nước đối mặt với nguy cơ “giặc nội xâm” tham nhũng. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, chúng ta phải tranh thủ các nguồn lực để phát triển đất nước, đồng thời phải thấy được đâu là điểm hạn chế để khắc phục.
“Muốn làm được điều này chỉ có đoàn kết đồng lòng. Đoàn kết là sức mạnh, là chìa khóa để đất nước vững bước trên con đường hội nhập”, lão tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ.
Nổi danh chiến trường
Tướng Nguyễn Quốc Thước sinh trưởng trong một gia đình Nho học xứ Nghệ. Chính nền tảng quê hương và gia đình đã hun đúc nên truyền thống ham học, giữ đạo nghĩa, tiết tháo trong ông. Người xứ Nghệ tính cách thẳng băng song cũng chẳng nề hà khó khăn, gian khổ. Có thể làm những công việc nặng nhọc, đội trời đạp đất song cũng sẵn sàng làm những công việc bé mọn, miễn là có ích cho xã hội. Chẳng vậy mà khi còn đương chức, là Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Nguyễn Quốc Thước sinh hoạt ở cấp vĩ mô. Về nghỉ hưu, ông lại xắn tay xăm xăm vào các hoạt động cấp vi mô của tổ dân phố, của phường, hội. Những việc ấy từ cái nếp của tuổi thanh niên sục sôi trong cao trào Cách mạng tháng Tám 1945 vẫn tiếp nối đến nay khi vị tướng đã dần nhịp bước quân hành của thế kỷ đời người.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước về quê hương Nghi Lộc (Nghệ An) |
Năm 1949, khi đang là Bí thư Thanh niên huyện Nghi Lộc, Nguyễn Quốc Thước xung phong đi bộ đội. Người trí thức trẻ 2 tuổi Đảng đã được vào trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (phân hiệu tại Liên khu 4), nơi đào tạo cán bộ chỉ huy cấp trung đội, đại đội lúc bấy giờ. Thầy Hiệu trưởng - Đại tá Hoàng Điền thấy khả năng nắm bắt cái mới nhanh nhạy, hăng say luyện tập của Nguyễn Quốc Thước đã chọn cậu học viên xứ Nghệ làm trợ giảng cho mình.
Dù sau này đã lên đến Trung tướng, vượt cả quân hàm của thầy, nhưng Nguyễn Quốc Thước vẫn dành sự trân trọng đến người thầy năm xưa dù tuổi tác giữa hai ông không chênh lệch nhau là mấy. Tuổi 20, Hoàng Điền đã học tại trường Võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc). Ông là lớp cán bộ quân sự nguồn quan trọng của đất nước sau Cách mạng tháng Tám 1945. Đó là những vị tướng lừng danh sau này như Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Trung tướng Nam Long, Thượng tướng Phùng Thế Tài, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Vũ Lập, Đại tướng Hoàng Văn Thái… Không chỉ tham gia công tác huấn luyện, làm Hiệu trưởng trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (phân hiệu tại Liên khu 4), Đại tá Hoàng Điền còn tham gia chỉ huy những trận đánh thực dân Pháp tại chiến trường từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế.
Những bài học từ trường Lục quân Trần Quốc Tuấn đã được Nguyễn Quốc Thước vừa ứng dụng vào thực tế chiến đấu vừa rút kinh nghiệm qua mỗi trận đánh. Nhờ đó, ông đã chỉ huy nhiều trận đánh kinh điển trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1972, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 Nguyễn Quốc Thước trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh cắt giao thông đoạn giữa Đắc Tô và thị xã Kon Tum. Địch sử dụng máy bay B52 tập trung oanh tạc, hầm của trung đoàn trưởng sập, công binh đào bới một hồi mới lôi được ông lên. Sức ép của bom khiến ông chảy máu mũi, máu tai và hộp sọ bị rạn (giám định tổn thương 49%). Quân y trung đoàn đề nghị đưa ông về trạm phẫu tiền phương, song ông yêu cầu tạm thời sơ cứu và quyết định ở lại chỉ huy. Chính tinh thần của người chỉ huy như vậy đã động viên các chiến sĩ làm nên chiến thắng, tiêu diệt được tiểu đoàn biệt động, diệt 168 tên, bắn rơi 19 máy bay trực thăng...
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Nguyễn Quốc Thước góp nhiều công sức vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc với vai trò tham mưu tác chiến Mặt trận B3 Tây Nguyên… Sau ngày đất nước thống nhất, ông lần lượt làm Tư lệnh quân đoàn 3, Tư lệnh quân khu 4.
Nổi danh nghị trường
Không chỉ nổi danh chiến trường, Nguyễn Quốc Thước còn nổi danh cả nghị trường trong suốt 3 khóa liền là đại biểu Quốc hội, kéo dài 15 năm (1987 - 2002). Tên ông đứng đầu trong danh xưng “tứ nghị”. Đó là: “Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” (đại biểu Nguyễn Quốc Thước, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, đại biểu Nguyễn Lân Dũng và đại biểu Dương Trung Quốc). Danh xưng "tứ nghị" ấy tướng Thước chẳng biết từ đâu ra. “Chắc là từ cánh báo chí các anh thôi”, ông vui vẻ nói.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước |
Vị lão tướng 93 tuổi hào sảng với kỷ niệm nghị trường song cũng đầy suy tư về tình hình thời sự đất nước. Ông tâm sự rằng, hiện tại nước ta vẫn còn vô vàn khó khăn. Nếu chúng ta biết học tập, vận dụng sáng tạo bài học thành công từ Cách mạng tháng Tám 1945 trên cơ sở khách quan, khoa học và quyết tâm, đoàn kết, tranh thủ được thời cơ... chắc chắn đất nước sẽ vượt qua mọi thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới. |
Có lần bộ chủ quản khi trình Quốc hội đề án cải tạo một cảng biển, đã đề xuất dùng hàng chục tấn bộc phá để làm. Ông nghị Thước kiên quyết bác bỏ phương pháp này. Ông nói, ở chiến trường, bộ đội chỉ dùng 1kg bộc phá mà còn bắt được hàng tạ cá. Bây giờ mà sử dụng đến hàng chục tấn bộc phá để cải tạo cảng biển thì dứt khoát tác động tiêu cực rất lớn đến môi trường, nhất là tàn phá môi trường sinh thái biển và sức khỏe con người. Từ ý kiến phản đối của ông trước diễn đàn Quốc hội, bộ chủ quản và chủ đầu tư phải khảo sát lại rồi đề xuất phương án khác để bảo vệ môi trường.
Ba khóa tham gia Quốc hội, cử tri cả nước rất ấn tượng với vị đại biểu xứ Nghệ qua những phát biểu tâm huyết, thẳng băng. Có người còn gọi ông là: “Lò thuốc súng giữa nghị trường”, vì Nguyễn Quốc Thước là một trong những người hay “châm ngòi” cho những phiên chất vấn quyết liệt.
Có một kỷ niệm sâu sắc trong khóa đầu tiên ông có mặt trên diễn đàn Quốc hội. Tại một phiên họp ở tổ của nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992), ông Đỗ Mười lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) có than phiền về tình trạng trên bảo dưới không nghe.
“Tôi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mà nói có bộ trưởng không nghe”. Thấy ông Đỗ Mười phát biểu như vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Thước đứng lên nói luôn: “Thưa anh Mười, tôi làm tư lệnh quân khu, tôi nói mà sư đoàn trưởng không nghe, tôi đình chỉ chức vụ. Một là tôi nghỉ, hai là đồng chí ấy phải nghỉ. Nếu vì lý do nào đó mà tôi không thể cách chức được các sư đoàn trưởng thì tôi sẽ xin từ chức, chứ như thế cả hai không thể làm việc với nhau. Anh nên cách chức bộ trưởng không nghe đó, nếu không cách chức được thì anh nên từ chức đi…”.
Sau cuộc họp có người cảnh báo: “Ông phát biểu thế thì nguy đến nơi rồi”. Nguyễn Quốc Thước cười bảo: “Yên tâm, nguy làm sao được mà nguy”. Còn nhiều người khác cũng chung tâm lý tỏ vẻ nghi ngại cho ông. Song Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười gặp đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Thước đã vỗ vai cười hề hà và nói: “Cậu này được đấy…”.
“Tôi nói thế bởi tôi biết đồng chí Đỗ Mười là người rất hiểu cấp dưới. Trong cuộc họp, đôi khi cấp trên, cấp dưới có thể tranh luận, chất vấn gay gắt, cũng chỉ mong tìm ra hướng đi đúng đắn, có lợi cho cái chung, cho dân, cho nước. Sự thật là sau phát biểu đó, tôi cũng có gặp vấn đề gì đâu”, ông nghị Thước nhớ lại.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước sinh năm 1926 tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tháng 12/1986, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 4/1987, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VIII và liên tục các khóa IX, khóa X. Ông được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng (1980), Trung tướng (1987) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng… |