Là quốc gia có trình độ thâm canh và cơ giới hóa cao trong nông nghiệp, nhưng nước Anh gặp một số vấn đề như lực lượng lao động chủ yếu lớn tuổi, khó tuyển dụng thanh niên vào làm nông nghiệp. Theo thống kê của Bộ Lương thực & Nông nghiệp Anh, độ tuổi trung bình của các chủ trang trại là khoảng 60 tuổi. Phát triển các phương pháp canh tác thông minh gần như là bắt buộc với quốc gia này.
Một yếu tố nữa buộc Anh phải đẩy mạnh hàm lượng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp là khá nhiều diện tích trong khoảng 1 triệu ha đất canh tác không đạt độ phì nhiêu cần thiết. Do đặc điểm khí hậu mưa nhiều, đất nhiều vùng tại Anh khá chua. Một số nơi khác thậm chí phải bón thêm kiềm để cải tạo đất.
Từ giữa thế kỷ trước, nông dân Anh phải sử dụng máy cày đảo đất để cải thiện độ thoáng khí và thoát nước của đất, giải phóng chất dinh dưỡng thông qua thời tiết và phơi nhiễm sâu bệnh có hại cho động vật ăn thịt. Đây cũng là một phương pháp kiểm soát cỏ dại hiệu quả. Độ sâu đường cày ở Anh thay đổi từ khoảng 10 - 15cm ở một số vùng đá vôi, cho đến khoảng 40cm ở vùng đất sâu không có phù sa. Hầu hết các máy cày của Anh được thiết kế để đào rãnh sâu tới khoảng 30cm.
Kể từ sau Thế chiến II, nông dân Anh có xu hướng tự thiết kế một quy trình sản xuất, phù hợp với khoảng đất canh tác, như không diệt trừ cỏ dại hoàn toàn mà kiểm soát một cách chặt chẽ. So với năm 1983, lượng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật của nông dân Anh sử dụng hiện đã giảm một phần ba.
Về chăn nuôi, nước Anh phát triển nhiều gia súc lớn, nhưng cũng từng chịu nhiều đợt dịch nặng nề. Những năm gần đây, quốc gia sương mù chú trọng tới các luật liên quan đến phúc lợi và thông qua một số quy định như Đạo luật Phúc lợi Động vật 2006 , Quy định Phúc lợi Động vật Nuôi năm 2007 và Lệnh Phúc lợi Động vật (Vận chuyển) 1997.
Giống nhiều nước khác tại châu Âu, nước Anh quan điểm, rằng một con vật vui vẻ sẽ tăng trọng nhanh hơn và sẽ sinh sản dễ dàng hơn. Nhiều nghiên cứu đã được giới khoa học nước này tiến hành và tựu trung đều kết luận rằng có sự liên quan giữa mức phúc lợi động vật tối thiểu và giá thành sản phẩm bán ra. Chính phủ Anh có những chính sách riêng về vấn đề này, chẳng hạn dán nhãn thực phẩm cho phép người tiêu dùng chọn mức giá họ sẵn sàng trả cho một mức phúc lợi động vật nhất định.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Robert Goodwill cho biết, hàm lượng công nghệ trong nông nghiệp có thể giúp giải quyết nhiều thách thức lớn nhất phải đối mặt, như diệt trừ sâu bệnh hại cây trồng mà không gây hại đến môi trường.
“Năm 2018, tổng giá trị đầu tư vào công nghệ nông nghiệp trên toàn thế giới tăng vọt lên 17 tỷ USD - tăng 40% so với năm trước. Nguồn tài trợ này cho phép đầu tư nhiều hơn vào công nghệ mới, dẫn đến những đột phá khoa học có thể thay đổi tính bền vững của chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu ”, ông Goodwill bày tỏ.
Sau khi chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) và những chính sách hỗ trợ hết hiệu lực từ năm ngoái, nông nghiệp Anh đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là canh tác hữu cơ, buộc nước này phải ban hành nhiều đề án viện trợ trên quy mô cả nước. Đi kèm với đó, số lượng trang trại hữu cơ tại Anh ngày càng tăng. Đến hiện tại, thị phần của Vương quốc Anh trên thị trường nông nghiệp hữu cơ châu Âu là khoảng 10%.
Một vấn đề nữa của nông nghiệp Anh là nhiên liệu sinh học, chủ yếu có nguồn gốc từ sinh khối. Đây từng là yêu cầu của EU với các thành viên, khi đề ra nhóm giải pháp cho các vấn đề như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và kích thích kinh tế nông thôn. Tại Anh, cây nhiên liệu sinh học chủ yếu là cải dầu, hoặc các cây đồng cỏ luân canh ngắn ngày như dương, liễu. Dù vậy, do khó bố trí ở gần các nhà máy chế biến, Anh chưa thể đẩy mạnh vấn đề này.
Vào năm 2019, nước Anh chi hàng trăm triệu bảng cho những dự án phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp bền vững. Trong đó có việc thành lập quỹ Sản xuất Thực phẩm Chuyển đổi, được giám sát bởi Tổ chức Nghiên cứu & Đổi mới của Vương quốc Anh (UKRI).
Chính phủ cho biết các chương trình được tài trợ nhằm đóng góp vào việc cung cấp các quy trình xanh hơn, sạch hơn cho ngành nông nghiệp, giúp Vương quốc Anh thực hiện cam kết không phát thải khí nhà kính vào năm 2050.
Các dự án cụ thể gồm: Trang trại Hands Free ở Beningborough, York - vận hành hoàn toàn tự động dựa vào robot, máy móc thông minh. Tuberscan, một dự án ở Lincolnshire, phát triển radar xuyên đất, và trí tuệ nhân tạo để theo dõi cây khoai tây, đồng thời xác định khi nào chúng sẵn sàng cho thu hoạch. Hertfordshire, một dự án giúp bò ăn cỏ mà không cần sự giám sát của nông dân, thông qua cảm biến trên cổng trang trại và thiết bị theo dõi GPS. Ngoài ra, nước Anh cũng phát triển một loạt các dự án trong canh tác thẳng đứng giúp tối ưu hóa việc trồng trọt ở các đô thị; một số dự án robot hái các loại quả mềm.
Mới đây nhất, vào ngày 18/10, Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đạt thỏa thuận với Tập đoàn Iberdrola - một tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo của Tây Ban Nha - về gói đầu tư trị giá 6 tỷ bảng Anh để xây dựng nhà máy điện gió lớn nhất ở Anh. Dự án này nằm trong chiến dịch hỗ trợ tăng trưởng xanh, cũng là dấu ấn nổi bật mà Thủ tướng Johnson muốn thể hiện với tư cách là chủ nhà của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow vào tháng 11 tới.
Bộ trưởng Khoa học Chris Skidmore cam kết rằng hàng chục dự án quy mô, triển khai đồng bộ tại Anh sẽ “đảm bảo việc dẫn đầu trong nỗ lực hỗ trợ ngành nông nghiệp, đồng thời cung cấp thực phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng, giảm tác động đến môi trường".