| Hotline: 0983.970.780

Người biểu tình Pakistan:

"Tự do ngôn luận kiểu Charlie Hebdo" là "khơi mào chống lại đạo Hồi"

Thứ Hai 19/01/2015 , 09:31 (GMT+7)

Chính phủ Pháp những ngày qua đang phải loay hoay giải quyết cuộc khủng hoảng do tạp chí Charlie Hebdo gây nên do việc đăng tải hình ảnh nhà tiên tri Mohammed.

Quyết định đăng lại bức tranh châm biếm nhà tiên tri Mohammed của Tạp chí Charlie Hebdo sau vụ tấn công ở Paris hôm 8/1 đã thổi bùng làn sóng phản đối từ cộng đồng người Hồi giáo trên khắp thế giới.

Reuters hôm qua dẫn lời Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, những người biểu tình chống Charlie Hebdo đã “không hiểu văn hoá tự do ngôn luận” của Pháp.

“Chúng tôi ủng hộ các quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố. Tôi vẫn muốn bày tỏ tình đoàn kết của mình (với họ), nhưng nước Pháp có những quy tắc, giá trị riêng, đặc biệt về tự do ngôn luận”- ông Francois Hollande nói hôm 17/1.

Phát biểu của Tổng thống Pháp không làm dịu được làn sóng chóng Charlie Hebdo, tạp chí vừa qua đã quyết định nâng số lượng ấn bản lên 7 triệu do đắt hàng. BBC hôm qua đưa tin các cuộc biểu tình chống tạp chí này tiếp tục diễn ra tại nhiều quốc gia Hồi giáo, và nhiều vụ đã biến thành bạo động.


Ông Francois Hollande bảo vệ "văn hoá tự do ngôn luận” của Pháp nhưng vấp phải sự phản đối tại Pakistan. (Ảnh Reuters)

Nóng bỏng nhất là Niger, quốc gia từng là thuộc địa cũ của Pháp. Trong cuộc biểu tình ở thành phố lớn thứ 2 Niger là Zinder, đã có ít nhất 5 người thiệt mạng. Người biểu tình ném đá, nổi lửa đốt các nhà thờ Công giáo và cả Trung tâm văn hoá Pháp tại đây. Khoảng 50 người đã xông vào Trung tâm văn hoá Pháp, phóng hoả và hô vang “Charlie là ma quỷ!”

“Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng này ở Niger! Thật là ngày đen tối!”- một quan chức Niger cho biết. Tại 1 thành phố khác là Niamey, cảnh sát đã phải sử dụng đạn hơi cay để trấn áp khi người biểu tình, đa phần là thanh niên, đốt phá nhà thờ và cướp bóc các cửa hàng.

Một đồn cảnh sát cũng bị tấn công, 2 xe cảnh sát bị thiêu rụi. BBC cho biết, ít nhất 6 nhà thờ tại Niamey bị đốt phá hoặc cướp bóc. Các quán bar, khách sạn, cửa hàng không có chủ là người Hồi giáo bị tấn công.

Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou đã lên án các vụ bạo lực trên, nhưng đồng thời tuyên bố ông không ủng hộ việc Charlie Hebdo tiếp tục đăng ảnh châm biếm nhà tiên tri Mohammed.

Tại nhiều quốc gia có người Hồi giáo khác như Pakistan, Algeria, Somalia, Jordan, Sudan…đều diễn ra biểu tình chống Charlie Hebdo. Tại thủ đô Alger, một số cảnh sát đã bị thương khi đụng độ với người biểu tình. Bạo lực cũng diễn ra ở thành phố Karachi (Pakistan), buộc cảnh sát phải sử dụng hơi cay để trấn áp đám đông.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pakistan Chaudhry Nisar Ali Khan hôm 17/1 đã lên án Charlie Hebdo, khi cho rằng việc đăng ảnh châm biếm nhà tiên tri Mohammed của tạp chí này đã xúc phạm đến niềm tin, tín ngưỡng của người theo đạo Hồi, tạo cơ hội cho sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố.


Người Hồi giáo ở Pakistan coi việc "tự do ngôn luận kiểu Charlie Hebdo" là "khơi mào chống lại đạo Hồi". (Ảnh: Reuters)

“Nếu tín ngưỡng của 1 người không được tôn trọng, nó chỉ khiến tăng tính chiến đấu của anh ta. Người dân Pháp nên biểu tình chống lại các bức biếm hoạ báng bổ tôn giáo giống như cách họ từng chiến đấu chống lại vụ tấn công toà soạn Charlie Hebdo vừa qua”- ông Ali Khan tuyên bố.

Trước đó, Giáo hoàng Pope Francis cũng bày tỏ sự không ủng hộ của mình đối với Charlie Hebdo khi cho biết, “tự do phải có giới hạn”.

Theo BBC, Đại sứ quán Pháp tại nhiều nước Hồi giáo đã khuyên công dân Pháp không nên ra ngoài nếu không cần thiết. Reuters trong khi đấy đưa tin, mức tín nhiệm đối với Tổng thống Francois Hollande đã tăng lên 34% so với con số 24% trước khi các cuộc tấn công ở Paris diễn ra. Ông Hollande được nhận xét là đã “ghi điểm” với các chiến dịch chống khủng bố tiến hành sau đó.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Nga tuyên bố ‘không đàm phán gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen’

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các đại diện của Nga hiện vẫn chưa sẵn sàng tham gia đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.