| Hotline: 0983.970.780

Tứ giác Long Xuyên- Đau đầu vì chuột

Thứ Ba 26/10/2010 , 09:57 (GMT+7)

Không hiểu vì sao mà mùa này chuột nhiều vô kể. Chỉ trong một đêm, sáng ra thăm ruộng đã thấy đẫm dấu chân chuột.

Người dân Vĩnh Phước (Tri Tôn, An Giang) đang giở chà bắt chuột

Tại cánh đồng thuộc khu vực xã Lê Trì, huyện Tri Tôn (An Giang) ông Chau Si cho biết, gia đình ông canh tác được 4,5 công đất lúa làm hai vụ trong năm. Thế nhưng không hiểu vì sao mà mùa này chuột nhiều vô kể. Chỉ trong một đêm, sáng ra ông Si thấy miếng ruộng của mình đẫm dấu chân chuột.

Dẫn chúng tôi vào tận đám ruộng nơi mà chuột cắn phá dữ dội, ông Chau Si lo âu nói: “Bà con làm ruộng ở đây chỉ chờ có mùa này. Vậy mà bây giờ chuột nó phá gần hết rồi, chỉ còn cỡ gốc tư (250 mét vuông) đất thì làm sao đủ ăn. Mấy ngày nay tôi chạy đi ra chợ mua 2 bịch thuốc trộn với lúa đem rải ra ruộng cho nó ăn mà có thấy con nào chết đâu”. Không riêng gì ông Chau Si, hầu hết bà con làm ruộng nơi đây đều bị lũ chuột cắn phá dữ dội. Vì đây là vụ mùa chính trong năm, nếu xảy ra thất thu thì bà con khó tránh khỏi cảnh thiếu ăn.

Còn tại khu vực xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang) nhiều nông dân cũng hết sức lo lắng về tình trạng chuột đồng xuất hiện nhiều một cách bất thường so với nhiều năm trước. Anh Lê Văn Sắc ở xã Ba Chúc (Tri Tôn) đến khu vực ấp Tà Lọt, xã An Hảo này để trồng 6 công bắp. Anh Sắc than rằng: Lũ chuột này nó ăn ác lắm, nó chỉ đợi khi nào trái bắp vừa vô hạt đều là bắt đầu cắn phá. Chỉ trong vòng có hai ba đêm mà nó ăn mất hơn 1.000 trái bắp tương đương 1/3 công đất.

 Mặc dù anh Sắc đã dùng nhiều biện pháp để tiêu diệt chuột nhưng xem ra cũng không mấy hiệu quả. Trước đây 6 công đất này anh chỉ trồng các loại bầu, bí, dưa leo…, những món cũng được coi là khoái khẩu của chuột nhưng không hề bị nó cắn phá. Anh Sắc nói: “Mình tưởng trồng bắp là chắc ăn lắm rồi, ai dè lũ chuột này nó ăn trước mình mà còn lựa toàn những trái to, ngon mới chết chứ”.

Ông Trần Văn Mì - Trưởng phòng NN- PTNT huyện Tri Tôn cho biết, năm nay nước lũ về kém quá sẽ là gánh nặng cho nông dân. Ngoài các khoản chi phí về vệ sinh đồng ruộng, làm đất thì tình trạng chuột đồng sinh sôi nảy nở như thế này sẽ vô cùng nguy hại cho vụ đông xuân sắp tới của bà con trong vùng. Do đó ông Mì khuyến cáo bà con không nên xuống giống lúa sớm mà chờ thêm một thời gian nữa xem nước lũ có về đồng chút nào không.

Theo ông Mì, cách nay hơn 10 năm (1999), chuột cũng từng xuất hiện nhiều và đã được ngăn chặn. Thời điểm đó, địa phương có mở các đợt tập huấn và phát động phong trào diệt chuột trong dân rất có hiệu quả. Một số cách diệt chuột an toàn không gây ảnh hưởng môi trường như dùng bẫy rập, đào hang. Các biện pháp khác như chất chà hoặc trồng lúa thơm 1 vài công để dẫn dụ chuột vào và sau đó dùng lưới cước quây lại bắt.

Xem thêm
Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.