hKhi mà bóng đen về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn phủ ở nhiều nơi thì có một cặp vợ chồng nông dân tự tin vặt rau ăn ngay giữa cánh đồng rộng mênh mông của mình. Đó là anh Nguyễn Đăng Quý và chị Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội.
Sau một thời gian làm ăn cá thể, họ đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý (xã Đan Phượng) với 9 thành viên, chủ yếu là những người làm công cho mình trên tổng diện tích canh tác 5 ha, sản xuất theo một chuỗi khép kín, cung ứng cho các nhà trường, cửa hàng thực phẩm.
Hơn 2 năm sau khi thành lập, HTX đã xây dựng được thương hiệu vững mạnh, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên và có cách canh tác đảm bảo an toàn, hữu cơ độc đáo nhờ loại thuốc trừ sâu tự chế rất an toàn gồm sữa chua, sữa tươi, đường, men vi sinh và không thể thiếu chính những con sâu bắt ngay tại ruộng.
Chị Cuối bảo với tôi rằng: “Khi tôi nói ra kỹ thuật này nhiều thạc sỹ, tiến sỹ nông nghiệp hay vi sinh của ta họ cười cho thối mũi, nhưng đó là kỹ thuật tôi học được khi còn làm thuê 4 năm trong một công ty rau của Nhật tại Đài Loan”.
Một ngày ở đó, vợ chồng chị trung bình lao động 12 - 13 tiếng, 2h sáng thức dậy ăn điểm tâm rồi ra đồng nhổ rau đến 6h sáng ăn tiếp rồi rửa rau đến 11h30 mới nghỉ, ngủ đến 2h chiều và làm đến 6h tối. Nhiều khi lắm đơn đặt hàng họ còn phải làm đến 7 - 8h tối là chuyện thường nên trung bình mỗi ngày chỉ được ngủ khoảng 5 - 6h.
Người làm thuê ở xứ Đài đã chăm chỉ nhưng ông chủ của họ còn chăm chỉ hơn thế rất nhiều. Họ dậy từ 1h sáng và chỉ chịu lên giường sau 9h tối, trung bình mỗi ngày ngủ khoảng 4 - 5h. Ngày Tết, ngày lễ, người làm thuê được nghỉ để đi chơi nhưng chủ trại thì không.
Sau nhiều năm bôn ba xứ người, anh chị về thuê đất lập một trang trại trồng rau an toàn rồi thình thành lên một hợp tác xã với diện tích canh tác 5 ha, trong đó 3 ha ngoài trời, 2 ha nhà màng. Họ trồng cải trắng Nhật, cải mơ Nhật, súp lơ tí hon Nhật, cải thìa Mỹ, su hào ăn lá Đài Loan với những điều kiện nước sạch, không khí sạch, đất trồng cũng sạch và hướng đến phương pháp hữu cơ với “5 không” gồm: Không phun thuốc diệt cỏ; không phân bón hóa học; không thuốc bảo vệ thực vật; không chất kích thích tăng trưởng; không giống biến đổi gen nhằm bảo vệ môi trường và nuôi dưỡng thiên địch.
Thửa ruộng nào bị sâu thì bắt, có thời điểm sâu nhiều quá bắt không xuể nên chị mới nghĩ đến cách bài trừ sâu của người Nhật bằng ngâm những con sâu trong một dung dịch gồm đường, sữa chua, men vi sinh và sâu để chế thuốc.
Thuốc này khi phun lên lá không làm cho sâu chết được nhưng sẽ đau bụng, ngừng ăn rau, nằm im đợi ngày hóa kén. Trong một lần đang phun thuốc như thế, chị bỗng thấy một người đàn ông dừng lại ở ven đường, rút điện thoại ra chuẩn bị quay.
Nhanh như chớp, chị chạy tới túm ngay cái điện thoại và hỏi: “Anh đang làm gì thế?”. “Tôi quay cảnh cô phun thuốc sâu”, người đàn ông đáp. Thấy vậy chị liền nói: “Anh có biết tôi phun thứ gì lên rau không? Nó không phải là thuốc sâu thông thường độc hại đâu nhé, không tin hả, tôi uống luôn cho anh xem”.
Vậy là chị chắt bình thuốc sâu ra, uống ngon lành trước con mắt ngạc nhiên của người đàn ông lạ. Nhờ sản xuất an toàn từ chính cái tâm của mình như thế, hiện đầu ra của HTX của anh chị là 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, cùng 6 chợ đầu mối trong vùng. Trung bình mỗi tháng sản lượng thu được 5 – 6 tấn với giá bán 40.000 - 50.000 đồng/kg, doanh thu đạt tới 150 triệu đồng/sào.
Thị trường Hà Nội và các tỉnh thành lân cận vẫn còn yêu cầu rất lớn về số lượng rau an toàn nhưng họ vẫn chưa đáp ứng đủ các đơn hàng của khách. Bởi vậy thời gian tới, họ dự định sẽ thuê thêm đất để mở rộng sản xuất, đồng thời xây dựng mô hình trang trại kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm. Tuy nhiên, khó khăn về vốn đang cản trở dự định ấy, nếu được tiếp cận nguồn vay ưu đãi thì HTX của anh chị sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa.