| Hotline: 0983.970.780

Từ thợ săn trở thành chủ trại heo rừng

Thứ Tư 29/07/2009 , 10:26 (GMT+7)

Nghe tiếng ụt ịt, con heo đen trùi trũi nặng chừng hơn 1 tạ có dáng vẻ rất “rừng rú” đang nằm dưới bóng mát đứng bật dậy, tiến về phía 2 vợ chồng người chủ trang trại,...

Nghe tiếng ụt ịt, con heo đen trùi trũi nặng chừng hơn 1 tạ có dáng vẻ rất “rừng rú” đang nằm dưới bóng mát đứng bật dậy, tiến về phía 2 vợ chồng người chủ trang trại, há miệng ngoan ngoãn đón nhận những quả chuối chín. Đó chính là con heo đực đầu đàn, là “đầu cơ nghiệp” của anh Phan Đình Chạng ở 393 đường Đống Đa, TP Quy Nhơn (Bình Định).

Khởi nghiệp

Nhắc đến bước đầu khởi nghiệp xây dựng trang trại heo rừng của mình, anh Phan Đình Chạng trầm tư: “Tôi bén hơi với loài heo rừng từ những năm đầu của thập niên 80, lúc tôi còn là 1 thợ săn chuyên nghiệp. Không 1 cánh rừng nào trên địa bàn tỉnh Bình Định không có dấu chân và… tiếng súng của tôi. Đã là thợ săn, vào rừng thì gặp con nào cũng… bắn, thế nhưng lúc ấy tôi chỉ chọn con heo rừng làm đối tượng chính vì nó luôn được “ăn” mạnh trên thị trường và giá cả cũng luôn đứng hàng đầu trong các loại đặc sản rừng.

Thời ấy heo rừng còn nhiều, nói đâu cho xa, ngay cánh rừng ở bên nghĩa địa Phật giáo và rừng Quy Hòa nằm giữa thành phố Quy Nhơn cứ khoảng 4 giờ chiều là heo rừng xuống đàn đàn để tấn công các rẫy mì của người dân. Khi rừng đã gần cạn heo, tôi cùng các bạn trong phường săn còn mở rộng địa bàn hoạt động sang những cánh rừng các tỉnh lân cận. Trong thời gian lặn lội trong rừng sâu, chúng tôi thường được đồng bào các làng dân tộc thiểu số tạo điều kiện phục kích để săn những con heo dữ thường xuống phá rẫy hoặc những con heo đực “hứng tình” xuống lén lút “quan hệ” với những con heo móng cái họ nuôi rông trong sân nhà.

Có 1 lần tôi được chứng kiến 1 con nái giống móng cái đẻ ra cả 1 bầy heo con có cha là giống heo rừng, trông chúng như 1 bầy heo rừng chính hiệu. Khi ấy cũng là lúc Nhà nước có lệnh cấm săn bắn thú rừng gắt gao, tôi liền quyết định bỏ nghề và nảy ra ý định kiếm 1 con heo rừng đực, thuần dưỡng nó từ nhỏ để làm giống”.

Do là dân trong nghề, quen biết nhiều thợ bẫy nên việc kiếm 1 con heo rừng để nuôi với anh Chạng là không khó. Thế nhưng hầu hết những con heo rừng sập bẫy đều đã bị gẫy chân hoặc bị nội thương, mua về chăm sóc một thời gian rồi chúng cũng bị chết. Thất bại đến vài ba chục lần cũng không làm anh Chạng nản chí. Cách đây 5 năm, cơ may đến với anh khi có 1 người đồng bào dân tộc ở Phú Yên nhắn anh vào bán 1 con heo rừng đực vừa dính bẫy còn nhỏ, nặng chỉ 7 kg.

Anh lặn lội vào mua mang về và đặt tên cho nó là “ụt ịt”. Anh nuôi nó ngay trong nhà, gần gũi, chăm sóc vết thương ở chân của nó bằng kháng sinh mạnh, đùa bỡn với nó như với 1 con chó kiểng hay 1 con mèo. Anh Chạng rút kinh nghiệm: “Dù nó là động vật hoang dã, bản tính vốn hung hãn nhưng nếu ngay từ nhỏ mình gần gũi, yêu thương nó thì nó sẽ trở nên lành tính, ngoan ngoãn như 1 con heo nhà. Thậm chí những hôm tôi có việc vắng nhà, nó nhớ, kêu inh ỏi suốt ngày dù được cho ăn no nê. Tôi cũng dành mọi thời gian để thuần dưỡng nó. Thế là nó giúp tôi làm nên cơ nghiệp này”.

Heo rừng dễ nuôi, lãi nhiều

Khi thấy con "ụt ịt" đã khỏe mạnh, anh Chạng làm thủ tục với ngành chức năng xin được phép nuôi heo rừng và tiếp tục mua, thuần dưỡng thêm 3 con đực nữa. Con “ụt ịt” phát triển đến 45 kg, anh Chạng chuyển nó ra ngoài trang trại trồng cây lâm nghiệp và cây ăn trái của anh rộng hơn 10 ha ở thôn Hội Bình, xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn). Nhìn thân hình vạm vỡ của nó, anh nghĩ nó đã trưởng thành nên tìm mua 1 con heo nái nhà đang động dục mang về cho con ụt ịt… thể hiện.

Anh Chạng tính toán thêm: “1 cặp giống được nuôi từ nhỏ, 11 tháng sau sẽ sinh lứa đầu, mỗi lứa cho ít nhất được 6 con. Đến khi heo con đạt 10 kg là có thể xuất bán cho các nhà hàng đặc sản. Giá thương phẩm hiện từ 120.000đ đến 160.000đ/kg heo hơi.

Nếu bán làm giống thì giá cao hơn nhiều, từ 350.000đ đến 400.000đ/kg. Mỗi nái cho 2 lứa/năm, bình quân được 12 con/năm, bán giá thương phẩm thì người chủ sẽ có thu nhập gần 20 triệu đồng/năm. Trong khi đó chi phí thức ăn cho chúng chỉ bằng 1/6 heo nhà, đầu tư chuồng trại cũng đơn giản chỉ là lưới B40 và vách ngăn bằng tôn phibrô xi măng. Và điều đặc biệt an tâm là đầu ra của chúng không bao giờ bị tắc".

Thế nhưng khi thả con heo nái vào, con "ụt ịt" cứ đứng ngây người như chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thất vọng, anh Chạng nghĩ là do lượng thuốc trụ sinh dùng quá nhiều đã “triệt tiêu” đường tình dục của nó. Cứ ngỡ thế là công cốc. Thế nhưng 1 tháng sau, khi con heo nái động dục lần 2 thì con "ụt ịt" xông vào “hoàn thành nhiệm vụ” ngay. Sau đó, anh Chạng theo dõi báo chí, lên mạng tìm mua heo nái rừng có nguồn gốc Thái Lan tại tỉnh Bình Phước và nái giống Móng Cái của đồng bào dân tộc về cho sinh sản. Hiện anh đã có 30 nái sinh sản. Sau nhiều năm phát triển đàn, trang trại heo rừng của anh thường xuyên có từ 100 đến 150 con cả heo bố mẹ lẫn heo con.

“Nuôi heo rừng thì mỗi nơi mỗi phách, với tôi, chế độ ăn của mỗi con heo rất thấp: 2.000đ thức ăn tinh (bắp, mì)/con/ngày cộng với thức ăn tận dụng có sẵn như: ngọn mía, lá xoài, lá dạ cẩn… Với heo đẻ, tôi bồi dưỡng thêm cho chúng bằng trái đu đủ xanh nấu chung với cháo. Khi đã được thuần dưỡng chúng rất dễ nuôi vì vốn là giống ăn tạp, thích ứng nhanh với môi trường sống và sức đề kháng bệnh tật rất cao”. Anh Chạng cho biết.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.