Cứ qua thời khắc giao thừa, đồng bào Nùng, Mông, Phù Lá ở Dìn Chin, Tả Gia Khâu, Pha Long (huyện Mường Khương, Lào Cai) lại đốt đuốc lên đầu nguồn để làm lễ tạ ơn và đón nước đầu năm. Tục lấy nước đầu năm tượng trưng cho việc đón những điều mới mẻ nhất về nhà và tạ ơn đầu nguồn đã ban nguồn nước sạch cho con người khỏe mạnh, cây cối sinh sôi, mùa màng tươi tốt.
Để làm lễ tạ ơn nguồn nước và đón nước mới đầu xuân, người ta thường thắp 3 nén hương, được buộc bởi 3 mảnh vải có 3 màu khác nhau, gấp 3 thỏi giấy bạc ngay đầu nguồn, nơi nước chảy ra từ lòng đất.
Theo quan niệm, 3 nén hương và 3 thỏi bạc tượng trưng cho trời, đất và con người, 3 màu của 3 mảnh vải thường là đỏ (tượng trưng cho sự may mắn), xanh (tượng trưng cho tuổi trẻ, sự sinh sôi, nảy nở), tím (tượng trưng cho sự thịnh vượng, trường tồn).
Người đến xin nước phải thắp hương cạnh nơi nguồn nước chảy ra từ lòng đất, kẽ đá gọi thần nước đến để tạ ơn và thành kính xin nước mang về cho con người. Đi xin nước, người ta dùng đuốc để soi đường đi, bó đuốc rực lửa đặt cạnh nguồn nước tượng trưng cho sự dung hòa, cân bằng của nước và lửa, của con người với thiên nhiên.
Người dân ở đây cho rằng, nước là sự giao thoa của đất và trời, mang lại sự sống cho mọi vật. Mỗi nguồn nước đều có một vị thần cai quản nên hằng năm phải đến để làm lễ tạ ơn và xin được sử dụng nguồn nước ấy lâu dài.
Sau khi được mang về nhà, những giọt nước đầu tiên của năm mới được đun sôi để pha ấm trà ngon, nấu cơm, luộc gà thắp hương, gọi tổ tiên về ăn Tết. Bởi nước ở đây rất quý, đi lấy vất vả từ đầu nguồn nên được sử dụng tiết kiệm và được chia đều cho mọi người, cây cối và vật nuôi của gia đình.
Theo những cụ cao niên, tục lệ đón nước đầu năm của đồng bào các dân tộc tại Dìn Chin, Tả Gia Khâu, Pha Long (Mường Khương) bắt nguồn từ việc ở những vùng đất này trước đây đều khô cạn, rất khó lấy nước để sinh sống, canh tác. Do đó với họ, tục lệ nhằm tạ ơn nguồn nước vì đã giúp duy trì sự sống và cầu khẩn đất trời cho mạch nguồn chảy mãi…
Mường Khương là huyện vùng cao biên giới tỉnh Lào Cai, phía bắc và tây bắc giáp huyện Mã Quan và Hà Khẩu tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với chiều dài 96 km, có 2 cửa khẩu quốc gia đất liền là Sín Tẻn và Pha Long. Do đó, Mường Khương có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên cương Tổ quốc.