Kiêng mua đôi, chỉ mua lẻ
Theo những người có uy tín của địa phương, giống lợn đen Mường Khương vốn là lợn rừng được người dân thuần phục, qua thời gian chúng có thể nuôi được tại nhà. Do đó, lợn đen Mường Khương hiện nay vẫn giữ được nguồn gen tốt, nổi trội, thịt chắc và thơm ngon, sức chịu đựng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt vùng cao.
Lợn đen Mường Khương có hai loại, một là giống đen tuyền và loại còn lại là có khoang đen trắng ở trán và 4 chân. Khi nuôi, đồng bào dân tộc vùng cao thường mua ba con một lần chứ không mua một đôi như người dưới xuôi. Quan niệm độc đáo này có từ xa xưa và đến nay, người dân vùng cao vẫn coi việc mua con giống như thế giúp đàn lợn mau lớn hơn.
Ông Hoàng Sín Hoà, xã Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương) cho biết, người vùng cao mua một lần phải từ ba con lợn trở lên, không được mua một đôi. Mua một đôi một lần nó hay sung. Bởi theo quan niệm của người dân trên này, mua một đôi trong quá trình nuôi một con hay xảy ra sự cố hoặc nó sẽ chậm lớn, có khi còn mắc bệnh chết. Cho nên quan niệm trên được truyền lại từ đời này sang đời khác như thế, không bao giờ mua một đôi lợn cả.
Gia đình bà Trần Thị Lan, ở Lùng Khấu Nhin cũng như hàng nghìn hộ dân ở huyện Mường Khương nuôi giống lợn đen bản địa để có thêm thu nhập. Gia đình bà chỉ cho lợn ăn rau, cám hoặc ngô nghiền, đều là những thứ gia đình trồng được nên lợn đen Mường Khương bán rất được giá.
Thu nhập từ những con lợn đen thuần chủng bán được đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, có tiền mua sắm vật dụng gia đình, phương tiện đi lại.…
"Bà con thích nuôi lợn đen hơn, vừa nuôi để mổ vào các ngày lễ, Tết, không phải mua ở bên ngoài. Số còn lại có thể đem bán ở chợ phiên, giá cũng cao hơn hẳn lợn trắng", chị Lan nói.
Việc nuôi được một con lợn để mổ trong dịp lễ, Tết cũng đồng nghĩa với việc thể hiện cuộc sống của bà con ngày càng thêm sung túc. Họ mổ lợn để ăn mừng, cầu cho một năm mùa màng bội thu, gặt hái được nhiều thành công. Ngoài các món ăn thông thường, lợn đen Mường Khương còn được ướp muối rồi treo lên gác bếp để ăn dần trong năm.
“Ở đây, dịp lễ, Tết, khi nhà có việc, người dân thường mổ lợn ăn và ướp muối để làm thịt treo. Con cháu về nhà lúc nào cũng có thịt để ăn, không phải lo đi chợ nữa”, bà Lan nói.
Thức ăn cho lợn chủ yếu là các phụ phẩm trong nông nghiệp sẵn có như bột ngô, cám, gạo bỗng, rượu ngô bao đậu phụ chứ hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp. Vì vậy, lợn sinh trưởng và phát triển đúng với quy luật tự nhiên, chất lượng thịt thơm ngon.
Ông Đặng Công Huân, Chủ tịch UBND xã Lùng Khấu Nhin cho biết, hiện trên địa bàn xã có khoảng 1.650 con lợn đen bản địa. Giá lợn đen khá ổn định, hiện khoảng 85.000 đồng/kg. Cứ mỗi phiên chợ là bà con mang lợn đi bán, không phải vận chuyển đi đâu xa vì nguồn cung tại chỗ cũng đã không đủ.
Tuy nhiên, tất cả đều các hộ đều nuôi nhỏ lẻ, chưa có hộ nào nuôi quy mô lớn. Vì để nuôi được với quy mô hàng nghìn con phải đầu tư rất lớn, bài bản trong khi điều kiện kinh tế của các hộ gia đình tại đây còn rất nhiều khó khăn.
Đưa thịt lợn đen thành sản phẩm Ocop
Là một huyện vùng cao biên giới với trên 88% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Nùng… Trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, để triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, chăm lo đời sống cho bà con dân tộc thiểu số đặc biệt là các hộ thuộc diện hộ nghèo, huyện Mường Khương đã tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, huy động các nguồn lực đầu tư, ưu tiên giảm nghèo bền vững, giải quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết, lợn đen Mường Khương là một trong ba giống lợn quý được Viện Chăn nuôi công nhận. Để phát triển tăng trưởng đàn lợn đen cả về số lượng và chất lượng, từ năm 2015 đến nay, huyện Mường Khương đã hỗ trợ con giống cho hơn 500 hộ dân tại các xã vùng cao đặc biệt khó khăn.
Từ hai xã điểm là Nấm Lư và Bản Xen, đến nay, huyện Mường Khương triển khai có hiệu quả chương trình dự án hỗ trợ cho nhiều mô hình chăn nuôi ở các xã Thanh Bình, Bản Lầu, Cao Sơn, La Pán Tẩn… tạo nguồn thu nhập cho người dân. Đặc biệt, khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, bà con chủ yếu ở nhà và đời sống, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào làm nông nghiệp.
“Số lượng con giống lợn đen bản địa hiện không đủ, vì nhu cầu tái đàn tương đối lớn, một phần do Covid-19 người dân không đi làm được nên ở nhà chăn nuôi. Trong khi đó, ngoài chăn nuôi trâu, bò thì có con lợn là dễ nuôi, tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh trên gia súc nên nhu cầu nguồn giống đang hiếm”, ông Thành nói.
Thời gian tới, huyện Mường Khương tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi lợn đen bản địa theo hướng hàng hóa, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thịt lợn đen Mường Khương. Đặc biệt, huyện đã đề xuất ý tưởng với Hội đồng thẩm định OCOP của tỉnh Lào Cai về các sản phẩm chế biến từ thịt lợn đen Mường Khương.
Trong đó, HTX xã Sơn Hà chế biến thịt lợn đen của bà con dân tộc Mông, Nùng nuôi tại vùng cao Mường Khương thành các sản phẩm như: Thịt mông sấn, thịt lạc vai, thịt ba chỉ, sườn, thịt băm đóng gói hút chân không; ruốc, giò các loại… để bán ra thị trường.
Ngoài ra, để ngăn chặn dịch bệnh tả lợn Châu Phi lây lan, UBND huyện Mường Khương đã ban hành các văn bản khẩn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Trọng tâm là khoanh vùng, xử lý ổ dịch, rà soát, thống kê tình trạng mua lợn của các hộ, rà soát tổng đàn lợn trên địa bàn; kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ kiểm soát cơ động huyện, xã, thị trấn; tăng cường kiểm soát các lối ra, vào các tuyến đường trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phát huy vai trò của các tổ xung kích tại các thôn, bản trong phòng, chống dịch và tiêu hủy lợn mắc bệnh...
Đồng thời tuyên truyền cho bà con áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh hoạt như rắc vôi khử trùng hằng ngày, tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo quy đinh, có chế độ cho ăn hợp lý... Không mua con giống không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận kiểm dịch.
Nhờ sự chủ động, quyết liệt trong việc tổ chức phòng, chống, khoanh vùng, dập dịch nên tại 2 xã 2 xã là Tung Trung Phố và Tả Ngải Trồ khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát đã được khống chế ngay. Đến nay, trên địa bàn huyện, không phát sinh ổ dịch mới, bà con yên tâm phát triển đàn.
Toàn huyện Mường Khương hiện có khoảng 25.000 con lợn thịt, chiếm gần 20% tổng đàn lợn toàn tỉnh Lào Cai, trong đó, lợn đen chiếm trên 60%. Nhờ nuôi lợn đen, nhiều hộ đã có mức thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm.