| Hotline: 0983.970.780

Dứa Mường Khương ổn định đầu ra

Thứ Ba 29/12/2020 , 15:55 (GMT+7)

Dứa Mường Khương đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm, và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra giúp người dân vùng dứa lớn nhất Lào Cai yên tâm sản xuất.

Vùng dứa tại Bản Lầu (huyện Mường Khương, Lào Cai). Ảnh: V.T

Vùng dứa tại Bản Lầu (huyện Mường Khương, Lào Cai). Ảnh: V.T

Vùng nguyên liệu gần 800ha
 
Từ những năm 1990, vùng dứa huyện Mường Khương bắt đầu được hình thành. Sau gần 30, đến nay diện tích dứa trên địa bàn huyện là 775ha tập trung chủ yếu ở Bản Lầu (740ha), Bản Xen (1,5ha), Lùng Vai (33,5ha), trong đó, diện tích cho thu hoạch là 708,5ha.
 
Dứa là cây ăn quả nhiệt đới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Mường Khương. Dứa mang lại thu nhập ổn định cho người dân tại đây, với năng suất bình quân đạt 25-30 tấn/ha, giá trung bình khoảng 4.000 đồng/kg; ước đạt giá trị đạt khoảng 100 triệu đồng/ha. 
 
Sau khi trừ chi phí sản xuất: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mỗi gia đình trồng dứa vẫn có thể thu về hàng trăm triệu đồng khi trồng quy mô lớn. Vùng dứa đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo và mở ra cánh cửa làm giàu cho bà con nông dân ngay trên mảnh đất quê nhà. 
 
Tuy nhiên trong những năm qua, vùng dứa Mường Khương cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong đó, việc tiêu thụ dứa không ổn định, giá bán dao động thất thường từ 3.000-7.000 đồng/kg. Thậm chí có một số thời điểm chỉ còn 2.000 đồng/kg, không đủ chi phí sản xuất xuất, thu hoạch, chở dứa từ nương mang ra ngoài đường bán.  
 
Đáng lo ngại là trong gian qua, có những hộ trồng và chăm sóc dứa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định, chưa tuân thủ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp an toàn. Bà con phát triển mở rộng diện tích nhưng còn hạn chế đầu tư thâm canh làm ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất. Sản xuất không bền vững, không cho đất nghỉ làm đất nhanh bạc mầu giảm năng suất cây trồng…
 
“Vùng dứa Mường Khương mặc dù phát triển tương tốt việc phát triển sản xuất còn nhiều hạn chế, người dân chưa được hướng dẫn đầy đủ quy trình kỹ thuật, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm dứa phụ thuộc thương lái nên giá cả thất thường…
Trước những tồn tại, hạn chế này, huyện Mường Khương đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tỉnh Lào Cai tìm các giải pháp hỗ trợ cho vùng dứa phát triển ổn định, nâng cao giá trị thu nhập thông qua đầu tư thâm canh và liên kết tiêu thụ dứa cho nông dân. Qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới ở Mường Khương” – ông Tô Việt Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết. 
Người dân phấn khởi khi dứa cho thu nhập ổn định. Ảnh: T.T

Người dân phấn khởi khi dứa cho thu nhập ổn định. Ảnh: T.T

Bao tiêu đầu ra cho người nông dân
 
Để giải quyết bài toán trên, năm 2020, huyện Mường Khương chủ động phối hợp với các ngành chức năng để xây dựng nhãn hiệu tập thể: Dứa Mường Khương. 
 
Đặc biệt, là ngay tại vùng dứa, huyện đã kêu gọi được doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy chế biến dứa. Vì vậy, tới nay, vùng dứa lớn nhất Lào Cai cơ bản đã được trang bị đầy đủ mọi yếu tố của vùng sản xuất hàng hóa khép kín theo chuỗi giá trị. 
 
“Có thể nói đây là điều kiện cần và đủ trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Để vùng dứa phát triển ổn định, bền vững và mang lại giá trị thu nhập cao người dân cần có sự phối hợp giữa những người trồng dứa và doanh nghiệp”, ông Thành nói. 
 
Để làm được điều này, các hộ trồng dứa ký hợp đồng tiêu thụ dứa với nhà máy chế là Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu để ổn định đầu ra cho sản phẩm. Hợp đồng cam kết phải bán sản phẩm dứa cho công ty theo giá thỏa thuận từ đầu vụ và đảm bảo lợi ích hai bên. Mặt khác cũng nhằm tránh tình trạng giá thị trường cao hơn thì người dân bán ra ngoài, giá thấp thì mới bán cho công ty làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty. 
 
Ngoài ra, cần hướng dẫn các hộ dân trồng rải vụ dứa để kéo dài thời gian thu hoạch, giảm áp lực tiêu thụ dứa nói chung và công tác thu mua, chế biến dứa của công ty bao tiêu sản phẩm. 
 
Đặc biệt là việc hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc dứa đảm bảo quy trình kỹ thuật nhằm tăng năng suất và thu nhập cho người trồng dứa. Hiện nay năng suất dứa bình quân mới đạt 25 tấn/ha, nếu đầu tư thâm canh tốt hơn hoàn toàn có thể đạt bình quân 30 tấn/ha. 
 
Với giá bán cho Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu là 4.100 đ/kg, với năng suất trên, giá trị mang về cho người dân có thể đạt tới 120 triệu đồng/ha… 
 
Được biết, mới đây Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Dứa Mường Khương”. Nhãn hiệu sản phẩm “Dứa Mường Khương” được bảo hộ đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy mở rộng thị trường, tạo đầu ra ổn định, nâng cao khả năng thương mại hóa, tăng thu nhập cho người dân.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.