| Hotline: 0983.970.780

Túc trực 24/24 giờ phòng, chống cháy rừng cao điểm mùa khô

Thứ Ba 04/04/2023 , 12:03 (GMT+7)

Cao điểm mùa khô 2023, Sóc Trăng bố trí nhân lực túc trực 24/24 giờ tại các phân trường, trang bị đầy đủ thiết bị, đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ảnh 1

Tỉnh Sóc Trăng có trên 10.200ha rừng, trong đó rừng tràm chiếm phần lớn diện tích. Ảnh: Kim Anh.

Hiện các địa phương vùng ĐBSCL đang vào bước cao điểm mùa khô, riêng tại tỉnh Sóc Trăng có trên 10.200ha rừng, trong đó rừng tràm chiếm phần lớn diện tích.

Qua khảo sát của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng tại Phân trường Mỹ Phước 1, thuộc khu vực rừng sản xuất do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sóc Trăng quản lý, bề mặt đất rừng hiện có nhiều loại cây, lau sậy, cỏ khô, trải qua thời gian nắng nóng kéo dài đã tạo thành lớp thực bì dày, nguy cơ xảy ra cháy rất cao.

Ngay từ đầu năm 2023, Ban lãnh đạo Phân trường Mỹ Phước 1 đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy, lực lượng, phương tiện và hậu cần. Các trang thiết bị, máy móc, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy đều được đơn vị trang bị đầy đủ và kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên.

Hiện nay, phân trường đã được trang bị 4 máy bơm với công suất 2.000m3 một giờ, 2 chiếc vỏ lãi (xuồng nhỏ), 2 tháp canh cao 16m trở lên, đảm bảo khả năng quan sát diện tích rừng thuộc địa bàn quản lý.

Ông Hoàng Minh Dũng, Giám đốc Phân trường Mỹ Phước 1 cho biết, xác định người dân sống xung quanh khu vực rừng thuộc quản lý của đơn vị đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống cháy rừng. Vì thế, đơn vị đã vận động bà con cùng phối hợp tham gia phòng chống cháy rừng. Từ đó, thành lập được 2 tổ quản lý, ứng phó cháy rừng với 18 thành viên tham gia.

Ngoài ra, đơn vị cũng lồng ghép các hoạt động tuyên truyền phòng cháy, phổ biến pháp luật về rừng trong các buổi họp dân ở các ấp, góp phần nâng cao nhận thức quản lý, bảo vệ và công tác phòng cháy rừng là chính.

Ảnh 2

Qua khảo sát của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng tại Phân trường Mỹ Phước 1, bề mặt đất rừng hiện có nhiều loại cây, cỏ khô, tạo thành lớp thực bì dày, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Ảnh: Văn Vũ.

Thiếu tá Huỳnh Thiện Đảm, Cán bộ Đội Công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Sóc Trăng thông tin, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp cùng với lực lượng kiểm lâm và các sở ban ngành trong tỉnh tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy ở các chốt thường trực thuộc các phân trường.

Từ đó, hướng dẫn cho cán bộ phân trường những kỹ thuật, cách sử dụng trang thiết bị cũng như tận dụng những dụng cụ thô sơ sẵn có để chữa cháy. Qua đó, cán bộ của phân trường nắm vững kỹ thuật, nâng cao khả năng ứng phó, thành thạo và xử lý tốt các tình huống bất ngờ xảy ra.

Bà Phan Thị Trúc Giang, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng nhận định, từ tháng 3 đến tháng 6 tới là giai đoạn cao điểm mùa khô, vì thế ngành kiểm lâm đã thành lập các đội, phối hợp với các đơn vị có liên quan, đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cảnh sát môi trường để tiến hành kiểm tra các khu vực, các phân trường, cũng như kiểm tra tình hình khô hạn, mực nước trên các nhánh kênh, sông.

Quan trọng nhất là vấn đề nạo vét các kênh mương thông thoáng phục vụ trữ nước, lưu thông và chữa cháy. Hạn chế cho người dân di chuyển vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao khi không cần thiết, nhất là các trường hợp săn ong.

Ảnh 3

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Sóc Trăng kiểm tra trang thiết bị phòng cháy của đơn vị quản lý rừng. Ảnh: Kim Anh.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con sống dưới tán rừng, các tổ bảo vệ rừng và nhân dân xung quanh để hạn chế các hành vi gây cháy rừng. Lắp đặt các bảng cảnh báo, cấm lửa để người dân vừa nhận thức được việc bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng tốt hơn trong mùa khô. Nhờ đó, nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chưa xảy ra tình trạng cháy rừng trong mùa khô.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp tỉnh Sóc Trăng được UBND tỉnh Sóc Trăng giao quản lý 4 phân trường: Phú Lợi, Thạnh Trị, Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2. Hiện phân trường có hơn 200 rừng được trồng mới, khai thác theo chu kỳ cuốn chiếu, mỗi năm khai thác được khoảng từ 50 - 60ha, chủ yếu là cây tràm và keo.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.