| Hotline: 0983.970.780

Túi nước U Minh Thượng

Thứ Năm 30/04/2020 , 06:10 (GMT+7)

Vườn quốc gia U Minh Thượng không chỉ là lá phổi xanh mà còn là túi nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh cho cả vùng.

Đường vào Vườn quốc gia U Minh Thượng. Ảnh: Trung Chánh.

Đường vào Vườn quốc gia U Minh Thượng. Ảnh: Trung Chánh.

Của hiếm còn lại

Diện tích rừng tràm ở ĐBSCL trước đây lên đến trên 800 ngàn ha (số liệu năm 1940), trong đó có hàng chục ngàn ha rừng tràm tự nhiên trên đất than bùn.

Trong thời kỳ chiến tranh, rừng tràm đã bị bom đạn thiêu hủy. Sau chiến tranh, do nhu cầu cung cấp lương thực và thực phẩm cho xã hội, nhiều khu rừng tràm trên đất than bùn đã được cải tạo để phát triển nông nghiệp nên diện tích ngày càng thu hẹp.

Đến đầu thế kỷ 21, tổng diện tích rừng tràm ở ĐBSCL giảm còn 123 ngàn ha, trong đó rừng tràm tự nhiên trên đất than bùn chỉ còn khoảng 11 ngàn ha. Hiện nay, diện tích rừng tràm trên đất than bùn chỉ còn khoảng vài ngàn ha phân bố tập trung ở vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ.

Do sự cần thiết phải bảo vệ các khu rừng tràm tự nhiên nên Chính phủ đã quyết định thành lập một số khu rừng đặc dụng ở rừng tràm như: Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), Tràm Chim (Đồng Tháp) và U Minh Hạ (Cà Mau).

Hiện nay, diện tích rừng tràm trên đất than bùn chỉ còn khoảng vài ngàn ha phân bố tập trung ở vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ. Ảnh: Trung Chánh.

Hiện nay, diện tích rừng tràm trên đất than bùn chỉ còn khoảng vài ngàn ha phân bố tập trung ở vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết: “VQG U Minh Thượng được thành lập vào năm 2002 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu nhằm bảo tồn mẫu chuẩn quốc gia về hệ sinh thái rừng tràm úng phèn trên đất than bùn, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ di tích lịch sử của các cuộc kháng chiến cứu nước.

Đồng thời, phục vụ các mục tiêu nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, giải trí và nghỉ dưỡng, góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái, gia tăng độ che phủ rừng, đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững của ĐBSCL”.

VQG U Minh Thượng là túi chứa nước không lồ gồm lượng nước mặt ở trên bề mặt đất rừng, các hệ thống kênh, mương chung quanh và trong lớp than bùn. Ảnh: Trung Chánh

VQG U Minh Thượng là túi chứa nước không lồ gồm lượng nước mặt ở trên bề mặt đất rừng, các hệ thống kênh, mương chung quanh và trong lớp than bùn. Ảnh: Trung Chánh

Rừng tràm trên đất than bùn là hệ sinh thái rừng đặc thù hình thành ở những vùng đất trũng ngập nước thường xuyên hoặc theo mùa. Đây là hệ sinh thái đất ngập nước có giá trị đa dạng sinh học cao. Những hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù này đang được nhiều tổ chức bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên quan tâm bảo vệ.

VQG U Minh Thượng là một trong những vùng đất ngập nước nội địa quan trọng của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (năm 2006) và được công nhận là Vườn di sản ASEAN đầu tiên về đất than bùn của khu vực (năm 2013).

Túi chứa nước khổng lồ

TS Trần Văn Thắng, Phó Giám đốc VQG U Minh Thượng cho biết, theo quy hoạch VQG có diện tích hơn 21 ngàn ha, trong đó vùng lõi trên 8 ngàn ha, còn lại là vùng đệm. Vùng lõi của vườn có ranh giới là hệ thống đê bao trong với tổng chiều dài 38km kèm theo đó là hệ thống kênh dự trữ và điều tiết nước.

Bơm điều tiết nước trong VQG U Minh Thượng. Ảnh: Trung Chánh.

Bơm điều tiết nước trong VQG U Minh Thượng. Ảnh: Trung Chánh.

U Minh Thượng thuộc kiểu địa mạo đồng lụt kín, úng nước vào mùa mưa với độ ngập sâu từ 0,6 - 1,92m, thời gian ngập thường từ tháng 5 đến tháng 12 hàng năm. Trên lớp mặt của VQG có lớp đất than bùn, diện tích vào khoảng 4.000ha, trữ lượng ước tính khoảng 40 triệu m3. Đây là đĩa than bùn có diện tích và trữ lượng lớn nhất ở ĐBSCL và Việt Nam.

“Lớp than bùn ở đây được hình thành cả ngàn năm, dày từ 1-1,5 m, có màu nâu xốp, không bị nhiễm mặn, phèn, với khả năng giữ nước rất cao. Cộng với lượng nước mặt ở trên bề mặt đất rừng và trong các hệ thống kênh, mương chung quanh, tạo thành túi chứa nước khổng lồ”, TS Thắng đánh giá.  

Các hệ thống sông chính trong khu vực có ảnh hưởng đến chế độ thủy văn vùng U Minh Thượng như hệ thống sông Cái Lớn – Chắc Băng và hệ thống sông Ông Đốc – sông Trẹm. Các kênh trục chính và đê bao có ý nghĩa rất quan trọng trong tiêu thoát, điều tiết nước giữa các nơi trong vùng và ngăn mặn xâm nhập xâu vào vùng trung tâm.

VQG U Minh Thượng được đánh giá là có trữ lượng than bùn lên đến 40 triệu m3, có khả năng giữ nước rất cao. Ảnh: Trung Chánh.

VQG U Minh Thượng được đánh giá là có trữ lượng than bùn lên đến 40 triệu m3, có khả năng giữ nước rất cao. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Trần Thanh Luân, một người dân sống ở khu vực vùng đệm, thuộc xã An Minh Bắc cho biết: “Nhờ có sự điều tiết nước từ VQG U Minh Thượng mà ở đây ít bị nước mặn xâm nhập. Nhất là nước ngầm rất ngọt, ít bị nhiễm phèn mặn và chưa bao giờ bị cạn kiệt như những khu vực khác ven biển trong những tháng cao điểm mùa khô”.

Thêm hồ nhân tạo

Vùng U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang có địa bàn khá rộng, bao gồm 4 huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Đây là khu vực ven biển, lại chủ yếu phát triển theo mô hình lúa - tôm nên những tháng mùa khô các cửa sông được mở để đưa nước mặn vào phục vụ nuôi tôm. 

Công trình hồ chứa nước dung tích 700 ngàn m3 đang được gấp rút hoàn thành để kịp tích nước trong mùa mưa tới. Ảnh: Trung Chánh

Công trình hồ chứa nước dung tích 700 ngàn m3 đang được gấp rút hoàn thành để kịp tích nước trong mùa mưa tới. Ảnh: Trung Chánh

Theo thống kê, chỉ riêng tại huyện An Minh, trong những tháng cao điểm mùa khô năm nay đã có khoảng 4 ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng phòng NN-PTNT Kiên Giang cho biết, các hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt trong mùa khô chủ yếu ở các xã bãi ngang ven biển, như: Thuận Hòa, Vân Khánh, Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây, Tận Thạnh… Có xã gần phân nửa số hộ bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô, phải đổi nước của các ghe vận chuyển từ nơi khác tới.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa khô đối với các huyện ven biển vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đã quyết định đầu tư hồ chứa nước sản xuất và sinh hoạt khu vực huyện An Minh với dung tích 700 ngàn m3.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Kiên Giang cho biết, công trình này có vốn đầu tư 132 tỷ đồng, gồm xây dựng hồ chứa, nhà máy xử lý nước và đường ống đấu nối đến các hộ dân. Khi hoàn thành đi vào sử dụng, sẽ đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 5 ngàn hộ.

Có mặt tại công trình xây dựng hồ chứa nước nhân tạo này ở ấp Phong Lưu, xã Vân Khánh Tây, vào thời điểm nay, không khí làm việc đang rất khẩn trương. Xáng cạp, xe cuốc đang cần mẫn gắp từng gàu đất lớn đổ lên xà lan chở đi nơi khác để tạo ra khu lòng hồ rộng lớn. Nhiều đoạn mái đê đã được trải bạt, đang tiếp tục hoàn thiện mặt đê. Trên bờ, nhà máy xử lý nước tập trung, công suất lớn đã được xây dựng hoàn thiện, chờ ngày ấn nút vận hành.

Nhà máy nước bên hồ chứa 700 ngàn m3 đã hoàn thành, chờ có nguồn nước là đi vào hoạt động. Ảnh: Trung Chánh.

Nhà máy nước bên hồ chứa 700 ngàn m3 đã hoàn thành, chờ có nguồn nước là đi vào hoạt động. Ảnh: Trung Chánh.

Người dân ở đây đang rất phấn khởi chờ đợi, mùa mưa tới hồ sẽ tích nước, để nhà máy sớm đi vào hoạt động.

Ông Lê Hữu Hùng, ở xã Vân Khánh Tây, cho biết: “Hàng chục năm nay, người dân ở đây đều phải đổi nước từ các ghe chở nước để sinh hoạt trong những tháng mùa khô.

Giờ có hồ nước này, đường ống đã được kéo đến tận nhà rồi, chỉ chờ mưa xuống để nhà máy có nước ngọt hoạt động là người dân ở đây được “giải cơn khát nước sạch” đã chờ đợi nhiều năm nay.

Túi nước VQG U Minh Thượng là môi trường sinh sống của rất nhiều loại cá nước ngọt, thu hút khách du lịch đến câu cá giải trí. Ảnh: Trung Chánh.

Túi nước VQG U Minh Thượng là môi trường sinh sống của rất nhiều loại cá nước ngọt, thu hút khách du lịch đến câu cá giải trí. Ảnh: Trung Chánh.

Túi nước VQG U Minh Thượng là môi trường sinh sống của rất nhiều loại cá nước ngọt, thu hút khách du lịch đến câu cá giải trí. Ảnh: Trung Chánh.

Túi nước VQG U Minh Thượng là môi trường sinh sống của rất nhiều loại cá nước ngọt, thu hút khách du lịch đến câu cá giải trí. Ảnh: Trung Chánh.

Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường

VQG U Minh Thượng nằm về phía Tây của bán đảo Cà Mau, cách TP Rạch Giá, trung tâm hành chính của tỉnh Kiên Giang, khoảng 60km về phía Nam, cách TP Hồ Chí Minh khoảng 365km về phía Tây Nam, rất thuận tiện tiếp cận khoa học công nghệ và là điều kiện rất tốt để phát triển du lịch sinh thái. VQG đã thành lập phòng Phát triển du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường để điều hành hoạt động du lịch.

VQG U Minh Thượng có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, mang tính đặc trưng cho hệ sinh thái ngập nước úng phèn của ĐBSCL. Bên cạnh còn có khu di tích lịch sử cách mạng qua các thời kỳ kháng chiến nằm trong phạm vi vườn. Cùng với đó nét sinh hoạt văn hoá bản địa độc đáo của cộng đồng người dân U Minh, đậm chất vùng sông nước Tây Nam bộ.

Đây chính là điều kiện thuận lợi để từng bước khai thác tiềm năng vốn có cho phát triển du lịch, phát triển kinh tế, đồng thời đáp ứng được yêu cầu về công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng bền vững.

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Thương hiệu quốc gia Việt Nam 'Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh'

Tối 4/11, tại Hà Nội diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề ‘Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh’.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...