| Hotline: 0983.970.780

Tưng bừng lễ hội "Làng nghề, phố nghề Thăng Long-Hà Nội"

Thứ Sáu 17/09/2010 , 09:51 (GMT+7)

Đây là sự kiện văn hóa, kinh tế và du lịch quy mô quốc gia, mở đầu các hoạt động kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm.

Du khách chiêm ngưỡng tác phẩm “Đài sen” đoạt giải đặc biệt Cúp 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

Tối qua (16/9), tại công viên Bách Thảo (Hà Nội), Bộ NN-PTNT, Bộ VH-TT&DL, UBND TP Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hiệp hội XNK hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam tổ chức lễ hội “Làng nghề, phố nghề Thăng Long-Hà Nội”.

Đây là sự kiện văn hóa, kinh tế và du lịch quy mô quốc gia, mở đầu các hoạt động kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Lễ hội nhằm tôn vinh làng nghề, phố nghề; tôn vinh đôi bàn tay vàng; nghệ nhân, nghệ sỹ, thợ thủ công tài hoa đất Thăng Long và các vùng nghề từ khắp mọi miền đất nước về tụ hội.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng khẳng định, làng nghề luôn giữ vai trò quan trọng, tạo việc làm tăng thu nhập cho nhân dân, nhất là trong bối cảnh quá trình xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên trên thực tế các làng nghề chưa được quan tâm bảo tồn, nhiều làng bị mai một, giá trị văn hóa truyền thống mất dần; nhiều bí quyết nghề truyền thống bị thất truyền cùng với sự ra đi của các nghệ nhân cao tuổi. Những giá trị truyền thống của mỗi sản phẩm thủ công nếu không được các thế hệ sau tiếp thu và phát triển sẽ dẫn đến mất bản sắc nghề và mất nghề.

Thứ trưởng cho biết, nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề, từ năm 2000 Chính phủ đã có QĐ132 và các chính sách có liên quan khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn. Vì thế các làng nghề Hà Nội nói chung, cả nước nói riêng đã có nhiều khởi sắc; giá trị XK và thu nhập của người dân làng nghề tăng, công tác đào tạo, truyền nghề có nhiều chuyển biến, thu hút nhiều lứa tuổi tham gia, nhiều nghề truyền thống được phục hồi.

Tuy vậy sự phát triển của ngành nghề , đặc biệt là ngành nghề truyền thống vẫn chưa phát huy tiềm năng vốn có, sự liên kết làng nghề-nghệ nhân-thợ thủ công và DN còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, môi trường làng nghề ô nhiễm… Để bảo tồn và phát triển làng nghề, Bộ NN-PTNT, UBND TP Hà Nội mong muốn được nghe ý kiến của các nghệ nhân và các cấp ngành có liên quan để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách và đề xuất các biện pháp bảo tồn và các giải pháp phát triển làng nghề Hà Nội và cả nước…

Lễ hội “Làng nghề, phố nghề Thăng Long-Hà Nội” có 4 phần chính, gồm hoạt động triển lãm giới thiệu không gian nghề truyền thống Thăng Long; trưng bày một số làng nghề, phố nghề, triển lãm ảnh làng nghề phố nghề xưa và nay, một số tác phẩm của các nghệ nhân Hà Nội đã xác lập kỷ lục; không gian các vùng nghề chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với nét kiến trúc, đặc trưng văn hóa và bản sắc trên diện tích khoảng 200m2 gồm 8 không gian vùng nghề, hội thi sản phẩm thủ công và Cúp Thăng Long 1.000 năm.

Điểm nhấn của lễ hội là triển lãm tôn vinh làng nghề, phố nghề và nghệ nhân. Không gian làng nghề truyền thống Thăng Long - Hà Nội được tái hiện qua các mô hình nhà cổ, phố cổ mang đặc trưng các làng nghề, phố nghề truyền thống  với làng nghề gốm Bát Tràng,  dát vàng quỳ Kiêu Kỵ, lụa Vạn Phúc... Phố nghề dài 50m với các nghề  được gắn tên phố như Hàng Nón, Hàng Bông, Hàng Ðồng, Hàng Mã... Tại đây các nghệ nhân trình diễn thao tác nghề và bán sản phẩm cùng  hơn 100 bức ảnh giới thiệu hình ảnh làng  nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội, niêm yết danh sách các nghệ nhân được UBND TP Hà Nội phong tặng qua các thời kỳ. 

BTC đã trao Cúp 1000 năm Thăng Long-sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ VII-2010 bao gồm 1 giải đặc biệt cho tác phẩm “Đài sen” (chất liệu đá) của ông Nguyễn Minh Phú (thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, Hà Nội). 1 giải nhất cho tác phẩm “Bộ đài hoa sen” của bà Nguyễn Thị Thu (ở 21 Bùi Đăng Đoàn, Hà Đông, Hà Nội. 3 giải nhì gồm tác phẩm “Đôi lọ lục bình”của ông Nguyễn Duy An (ở tổ 22, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), tác phẩm “Tráp trầu khảm Cúc, Kê” của bà Nguyễn Thị Lan (xã Liên Bão, huyện Tiên Du, Bắc Ninh), tác phẩm “Diều rồng” của ông Nguyễn Văn Hoàng (13/36 Nguyễn Du, phường Phú Cát, TP. Huế)…
Không gian Hà Nội 36 phố phường với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ”, không gian đặc trưng văn hóa làng nghề Tây Bắc; không gian làng nghề vùng Ðông Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Ðông Nam bộ và  không gian làng nghề vùng ĐBSCL. Tiếp theo là phần trưng bày 240 sản phẩm của các ngành hàng mây tre, thêu ren, thổ cẩm, gốm, đất nung, gỗ, sơn mài, điêu khắc đá, bạc, đồng, kim hoàn... Ðây là các tác phẩm đoạt giải của hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ VII - Cúp 1000 năm Thăng Long-Hà Nội  do Ban tổ chức vừa phát động.

Bên cạnh đó còn có hơn 200 gian hàng của 48 địa phương trưng bày giới thiệu sản phẩm chuyên ngành thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề, sinh vật cảnh. Không gian ẩm thực làng Việt Nam được trình bày theo phong cách truyền thống với kiến trúc nhà tre mái lá, tại đây các thiếu nữ trong trang phục truyền thống giới thiệu nhiều món ăn của Hà Nội. Trong những ngày diễn ra lễ hội thường xuyên có biểu diễn nghệ thuật thi thể thao và  trò chơi dân gian... Đặc biệt du khách sẽ được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật đã được xác lập kỷ lục của nghệ nhân Hà Nội. Hội thi sản phẩm thủ công và cúp Thăng Long 1.000 năm với 240 sản phẩm cũng được tổ chức trong khuôn viên lễ hội.

Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động như lễ dâng hương các vị Tổ nghề vùng đất Thăng Long-Hà Nội, hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ cúp Thăng Long 1000 năm, lễ hội thả chim, hội thi nấu cơm, hội làng nghề truyền thống nặn tò he, ngày hội “Trẻ em với nghề truyền thống”, lễ hội áo dài, chương trình giao lưu múa rối nước, lễ hội thao diễn tay nghề của các nghệ nhân...

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 1 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.