| Hotline: 0983.970.780

Tuyển cán bộ kiểm lâm khó như ‘mò kim đáy bể’

Thứ Sáu 18/10/2024 , 14:39 (GMT+7)

Tỉnh Thanh Hóa có diện tích rừng lớn, thế nhưng nghịch lý đang diễn ra đó là, nhiều địa phương trong tỉnh thiếu lực lượng bảo vệ rừng.

Mỗi người “gánh” hàng nghìn ha rừng

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa) có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 56,8 nghìn ha, phân bố tại 16 xã, thị trấn. Do địa hình phức tạp, lực lượng mỏng, nhiều cán bộ công tác tại Hạt Kiểm lâm Như Xuân đều kiêm nhiệm, hoặc phối hợp để theo dõi địa bàn.

Trong biên chế, Hạt Kiểm lâm Như Xuân sẽ được bố trí 20 cán bộ công chức, viên chức và 1 hợp đồng lái xe (tổng 21 người). Thế nhưng hiện tại đơn vị chỉ có 16 người bao gồm cả kế toán. Nếu chia bình quân, mỗi người phải “gánh” hơn 3,5 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp.

Trong khi đó, hầu như ngày nào lực lượng kiểm lâm và tổ giữ rừng của xã cũng phải thực hiện tuần tra, nhằm phát hiện và ngăn chặn các hành vi gây hại cho rừng. Việc thiếu hụt lực lượng khiến công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện gặp khá nhiều khó khăn.

Cán bộ kiểm lâm huyện Như Xuân tuần tra rừng. Ảnh: Quốc Toản.

Cán bộ kiểm lâm huyện Như Xuân tuần tra rừng. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Dương Hoàng Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân lấy ví dụ: “Trạm Kiểm lâm tại xã Cát Vân chỉ có 3 người nhưng quản lý địa bàn các xã Cát Vân, Thanh Sơn, Thanh Xuân, Thanh Quân với diện tích hơn 11 nghìn ha rừng. Trường hợp địa bàn xảy ra sự vụ, Hạt Kiểm lâm phải điều thêm lãnh đạo Hạt và anh em văn phòng phối hợp hỗ trợ. Tại Hạt Kiểm lâm, có đồng chí vừa làm nhiệm vụ văn phòng và kiêm nhiệm phối hợp quản lý rừng tại 3 xã (Tân Bình, Bình Lương, Thượng Ninh)".

Giữ rừng là nhiệm vụ chính trị, đảm bảo ổn định sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thế nhưng theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân, việc tuyển dụng người lao động để thực hiện nhiệm vụ gặp khá nhiều khó khăn.

“Dù đơn vị thiếu lực lượng bảo vệ rừng, nhưng nhiều năm nay Hạt Kiểm lâm chưa được bổ sung quân số. Một phần nguyên nhân là do nghề kiểm lâm quá vất vả, thường xuyên đối diện với nguy hiểm, trong khi mức lương chỉ hưởng như cơ quan hành chính, nên nhiều người không mặn mà. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng kiểm lâm viên tại chỗ cũng gặp khó do trình độ học vấn của con em miền núi hạn chế, trong khi đó tiêu chí bằng cấp đòi hỏi khá cao”, ông Hải chia sẻ.

Nữ kiểm lâm viên Lang Thị Lưu, Hạt Kiểm lâm Như Xuân tuần tra rừng. Ảnh: Quốc Toản.

Nữ kiểm lâm viên Lang Thị Lưu, Hạt Kiểm lâm Như Xuân tuần tra rừng. Ảnh: Quốc Toản.

Cũng theo ông Hải, ngoài nhiệm vụ nặng nề, lực lượng thực thi trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng còn đối diện với áp lực khác trong đó có vấn đề dư luận: “Hiện nay, rừng đã giao khoán cho người dân và UBND các cấp chịu trách nhiệm về cháy rừng, phá rừng hoặc mất rừng do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng gây ra thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý, thế nhưng mỗi xảy vụ việc người ta đều quy hết “trách nhiệm” cho lực lượng kiểm lâm”.

Nhiều người nghỉ việc, chuyển công tác

Theo Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 647 nghìn ha rừng, trong đó có 380 xã có rừng. Năm 2024, Chi cục Kiểm lâm được giao 355 biên chế công chức, viên chức (263 công chức, 92 viên chức). Tuy nhiên hiện nay, Chi cục chỉ có 288 người làm việc, thiếu 67 người (chiếm 18,87% so chỉ tiêu biên chế được giao). Một số Hạt Kiểm lâm thiếu nhiều người làm việc, tập trung chủ yếu tại huyện Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Thạch Thành, Bá Thước, Quan Sơn... Nhiều năm nay, số lượng này vẫn chưa được bổ sung đầy đủ.

Giây phút nghỉ ngơi của lực lượng kiểm lâm huyện Như Xuân sau chuyến tuần tra rừng. Ảnh: Quốc Toản.

Giây phút nghỉ ngơi của lực lượng kiểm lâm huyện Như Xuân sau chuyến tuần tra rừng. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Duy Vĩnh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho biết, nhiều đơn vị thiếu số lượng lớn người làm việc so với biên chế giao gây khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cũng như việc đảm bảo chế độ nghỉ cho công chức, viên chức, người lao động. Nhiều kiểm lâm viên địa bàn đang phải "gồng" mình làm việc gấp nhiều lần so với nhiệm vụ quy định, trong khi lương và các phụ cấp khác không được tăng.

"Hầu hết các đơn vị không đảm bảo chế độ nghỉ 8 ngày/tháng cho người lao động. Việc nghỉ lễ, Tết chỉ đảm bảo được 50-60% số ngày nghỉ theo quy định. Đặc biệt, có Trạm Kiểm lâm chỉ bố trí được 2 công chức, viên chức, gây khó khăn cho hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát lâm sản. Trong khi đó, theo quy định mỗi trạm phải bố trí từ 2 người trở nên để đảm bảo khách quan, trung thực và an toàn khi thực thi công vụ, nhất là khi có 1 công chức, viên chức vắng mặt khỏi trạm.

Cũng do thiếu biên chế nên tại một số địa bàn trọng điểm về an ninh rừng, bình quân mỗi công chức, viên chức kiểm lâm phải quản lý diện tích từ 5 - 6 nghìn ha rừng, nên rất khó khăn khi tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng. Điều này dẫn đến hiệu quả phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật chưa cao. Bên cạnh đó, áp lực công việc ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tâm lý làm việc của công chức, viên chức, lao động hợp đồng, nên nhiều người có nguyện vọng xin nghỉ hưu trước tuổi, xin chuyển công tác hoặc xin thôi việc", ông Vĩnh nói.

Cũng theo ông Vĩnh, dù một cán bộ kiểm lâm có “gánh” thêm nhiệm vụ của người khác thì chất lượng, hiệu quả công việc không thể tốt như việc bố trí đầy đủ lực lượng… Ngoài ra, tính chất, nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm khá nặng nề nhưng mức khoán chi hành chính cho kiểm lâm còn thấp hơn so với các ngành khác, khiến nhiều người không mặn mà với nghề. Trước thực tế trên, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã kiến nghị tới Sở Nội vụ về việc tuyển dụng công chức, nhưng vẫn đang trong quá trình chờ xem xét.

Việc khắc phục lỗ hổng thiếu người lao động hoạt động trong ngành, cùng với chế độ đãi ngộ chưa tương xứng đòi hỏi sự vào cuộc nhanh chóng của các cấp, các ngành, nhằm sớm có các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gắn bó lâu dài với nghề.

Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa có 121 người nghỉ hưu, chuyển công tác, thôi việc, trong đó có 33 người chuyển công tác; 10 người thôi việc; 18 người nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108; 60 người nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất