Thực hiện ý kiến chỉ đạo của cơ quan, tôi bám sát đoàn công tác của tỉnh do ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra thực tế vụ phá rừng tại huyện Như Xuân. Đó là chuyến đi rừng đầu tiên nhiều cảm xúc và trải nghiệm kể từ khi tôi làm phóng viên của Báo Nông nghiệp Việt Nam thường trú tại Thanh Hóa. Vụ việc phá rừng xảy ra hồi tháng 8/2023, kéo dài tới 2 tháng mới tìm ra thủ phạm.
1.
Cuộc họp chỉ đạo làm rõ vụ phá rừng tại huyện Như Xuân do ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì quá trưa mới kết thúc. Đoàn công tác do ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa quyết định tiến sâu vào hiện trường vụ phá rừng để cập nhật tình hình thực tế và chỉ đạo trực tiếp.
Là người có thâm niên công tác trong ngành lâm nghiệp khá lâu trước khi đảm nhiệm vai trò Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa, ông Cường khá am hiểu địa bàn và cách đi rừng nên dặn dò kỹ anh em trước khi thâm nhập điểm nóng.
“Chúng ta chỉ có 4 tiếng cả đi vào và đi ra. Mùa này dễ có mưa nên trời nhanh tối. Đoàn phải ra khỏi rừng trước khi trời tắt nắng. Anh em văn phòng Sở đã chuẩn bị mì tôm sống, lương khô và nước uống cả rồi! Đói khi nào chúng ta dừng chân lót dạ khi đó. Mọi người nhớ cất bớt đồ đạc trên xe để tiện di chuyển trong rừng”, ông Cường nói.
Theo dự kiến của ông Cường, chúng tôi sẽ mất khoảng 2 tiếng để đi vào vùng lõi bị chặt phá, nhưng chuyến hành trình phải kéo dài hơn 3 tiếng vì đoàn có cả phụ nữ đi cùng. Từ đầu thôn Thống Nhất để tiến sâu vào lõi rừng không có đường mòn mà phải men theo con suối dài chừng 3km, phía dưới là dòng nước cuồn cuộn, chảy xiết, như muốn đẩy cơ thể thụt lùi lại phía sau. Ẩn nấp sâu dưới làn nước suối xanh mát là những mỏm đá sắc nhọn, chỉ chực chờ người đi rừng sơ sẩy là táp thẳng vào chân.
Ớn nhất là khi qua những đoạn suối nước sâu quá đầu gối. Đoàn công tác ai nấy phải dò dẫm từng bước như trẻ tập đi. Cán bộ kiểm lâm huyện Như Xuân đi phía sau mỉm cười rồi mách nước khi thấy cánh phóng viên lội suối bì bõm: “Anh chị em dò từng bước ngắn dưới nước cho đỡ mất sức. Khi nào chân trụ đứng chắc chắn thì hãy nhấc chân kia lên bước tiếp…”.
Câu chuyện phút chốc bị cắt ngang vì tiếng hét lớn phát ra từ anh bạn đồng nghiệp. Con vắt to bằng nửa ngón tay út của người trưởng thành bụng căng lè, đang ngoe nguẩy ở cổ chân anh, khiến nhiều anh em trong đoàn được phen giật mình. Cán bộ Hải cười như thể không có chuyện gì, rồi buông lời động viên: “Bọn anh đi rừng gặp như cơm bữa. Đi rừng mà không có tí vắt lại không quen".
Đi được khoảng 1 tiếng đồng hồ, đoàn quyết định nghỉ ngơi bên bãi đất trống tại thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân để nạp năng lượng. Khuôn mặt ai nấy bơ phờ như mất sổ gạo. Anh bạn đồng nghiệp báo tỉnh tranh thủ chợp mắt trên nền đất đá lởm chởm cạnh con suối trước khi hành quân vào vùng lõi. Tổ công tác chia nhau vài gói lương khô, bánh gạo để lót dạ. Bữa trưa diễn ra chóng vánh giữa trưa tháng 8, nắng nóng phả hầm hập xuống mặt. Thời gian không đợi người, đoàn công tác vẫn tiếp tục tiến sâu vào lõi rừng - nơi xảy ra khai thác rừng trái phép…
2.
Hạt trưởng Dương Hoàng Hải đeo chiếc ba lô nặng khoảng 5kg, nhưng cố sức bắt chuyện để anh em trong đoàn quên đi cái mệt. Anh Hải ít có dịp chia sẻ với người lạ về những khó khăn, nguy hiểm của lực lượng kiểm lâm khi thực hiện nhiệm vụ, nên khá cởi mở khi chúng tôi đề cập chuyện của những người giữ rừng.
Anh Hải bảo, hiện nay lực lượng kiểm lâm còn mỏng so với diện tích rừng được giao quản lý nên anh em ai nấy đều căng sức để làm việc. “Hạt kiểm lâm Như Xuân có 19 người, trong đó có 3 người bản địa, nhưng quản lý hơn 54 nghìn héc ta rừng và đất lâm nghiệp. Trung bình mỗi người quản lý 3.000 héc ta rừng và đất lâm nghiệp chia làm 3 trạm, mỗi trạm 3 người. Hầu như ngày nào lực lượng kiểm lâm và tổ giữ rừng của xã cũng phải thực hiện tuần tra, nhằm phát hiện và ngăn chặn các hành vi gây hại cho rừng”, anh Hải cho biết.
Công việc khó khăn, vất vả nên lực lượng kiểm lâm cũng ít khi được gần vợ con. Tôi buột miệng hỏi anh Hải: Thế vợ con dưới xuôi có khi nào giận chồng vì các anh ở rừng nhiều hơn ở nhà không? Anh Hải nửa thật nửa đùa như tự trấn an mình: “Chúng tôi gắn bó với rừng vì yêu nghề và cũng bởi cái nghề đã ngấm vào máu của anh em kiểm lâm suốt mấy chục năm nay. Ở đây, có cán bộ người Hoằng Hóa năm nay đã gần 60 tuổi nhưng vẫn lội rừng phăng phăng, chưa lúc nào ngơi nghỉ. Cũng may, vợ con thấu hiểu với sự vất vả của nghề nên cũng động viên, chia sẻ phần nào. Cùng lắm nếu giận thì vợ chỉ trách khéo: “Anh yêu rừng hơn yêu vợ con”.
Giữ rừng là nhiệm vụ chính trị, đảm bảo ổn định sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thế nhưng theo cán bộ Hải, lực lượng kiểm lâm không có chế độ nào khác ngoài lương hành chính sự nghiệp và phụ cấp thâm niên. Bởi vậy nhiều bạn trẻ không muốn học và thi tuyển vào ngành là vì thế.
Anh Hải lẩm bẩm: “Khoảng chục năm trở lại đây, có khoảng 40 cán bộ xin chuyển ngành hoặc xin nghỉ việc. Lực lượng kiểm lâm hiện thiếu khoảng 70 biên chế nhưng việc tuyển gặp nhiều khó khăn do nhiều người không mặn mà với nghề vất vả, nguy hiểm này. Việc tuyển dụng kiểm lâm viên tại chỗ cũng gặp khó do trình độ học vấn của con em miền núi hạn chế, trong khi đó tiêu chí bằng cấp đòi hỏi khá cao”.
Gần 20 năm công tác trong ngành kiểm lâm, thế nhưng chưa bao giờ anh Hải được cùng vợ con đón Tết trọn vẹn. “Cũng giống như một số nghề nghiệp đặc thù vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, lực lượng kiểm lâm vẫn phải đảm bảo đủ quân số trực để bảo vệ rừng. Anh em thay nhau nghỉ luân phiên, đợt 1 trực từ ngày 29 đến trưa mừng 2 Tết; đợt 2 từ trưa mùng 2 đến ngày đi làm chính thức trở lại. Nhiều khi, biết là rất buồn nhưng vì nhiệm vụ nên anh em cũng động viên nhau cùng cố gắng”, anh Hải chia sẻ.
Chúng tôi chạm chân vào điểm rừng bị phá cũng là lúc câu chuyện nghề của anh Hải cũng vừa dứt...
3.
Tại tọa độ nóng - nơi khu vực rừng bị đốn hạ nằm chênh vênh trên sườn núi dựng đứng chỉ đủ vài người đứng không vững. Trước khi đoàn công tác đặt chân tới đây, cán bộ Đông cùng một vài kiểm lâm viên đêm qua đã trinh sát một vòng để kiểm tra, lấy tư liệu và báo cáo, nên nắm khá rõ tình hình. Tôi đinh ninh trong đầu hỏi cán bộ Đông (Kiểm lâm viên địa bàn): “Ở nơi mà đi vào còn khó hơn đi ra, sao vẫn có người liều lĩnh vào tận rừng sâu để đốn cây?"
Là người có kinh nghiệm thực tế, cán bộ Đông đưa ra phán đoán: “Nếu là lâm tặc có tổ chức thì không chọn khu vực này để khai thác lâm sản, bởi khu vực rừng này không có nhiều gỗ quý. Việc khai thác nhỏ lẻ và gỗ chưa được vận chuyển ra bên ngoài có thể là người dân quanh vùng”.
Theo quan sát, vị trí khu vực rừng bị phá nằm trên đỉnh núi, bao quanh là rừng luồng. Tại hiện trường, nhiều cây rừng đường kính khá lớn bị chặt hạ. Những cây gỗ bị cưa hạ đã khô mủ trong thời gian khoảng 1 tháng trở lại đây. Chúng tôi nhẩm đếm có 6 gốc cây táu muối thuộc gỗ nhóm 7, đường kính gốc sát đất từ 40cm đến 60cm bị đốn hạ. Cây thì đã được cưa xẻ lấy phần lõi, số cây còn lại đã hạ xuống đang cưa xẻ thành phách, mùn cưa nằm chất đống, đang chờ vận chuyển khỏi rừng. Tại hiện trường, đoàn công tác kiểm tra và đánh giá cặn kẽ từng gốc cây bị đốn hạ và xác định mốc thời gian xảy ra sự việc thông qua các vết tích còn sót lại.
Sau gần 1 tiếng kiểm đếm, đo đạc và đưa ra phương án xử lý, đoàn công tác rút khỏi khu rừng sau khi trời đã nhá nhem tối, ai nấy đều thấm mệt…