| Hotline: 0983.970.780

Tỷ phú quê biển gầy dựng cơ nghiệp bằng nguồn vốn Agribank

Thứ Năm 18/05/2023 , 15:09 (GMT+7)

Ông là khách hàng ‘VIP’ của Agribank Phù Cát (Bình Định) hơn 20 năm nay, sự nghiệp rỡ ràng ông có hôm nay bắt nguồn từ vốn vay của Agribank lúc khởi nghiệp…

Khởi nghiệp thành công nhờ đồng vốn Agribank

Theo ông Trần Công Bàng, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh huyện Phù Cát (Bình Định), ông Nguyễn Ngọc Châu (67 tuổi) ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát) trở thành khách hàng thân thiết của Agribank Phù Cát cách đây đã hơn 20 năm, lúc đó ông Bàng còn làm kế toán của Agribank Phù Cát.

“Khi ấy, ông Châu khởi nghiệp bằng nghề đóng mới, sửa chữa tàu cá, ông vay tiền để mua gỗ làm nguyên liệu đóng tàu. Từ năm 1997 trở về sau, thời điểm Bình Định phát triển mạnh nghề khai thác thủy sản xa bờ, cơ sở đóng tàu của ông Châu làm ăn phát đạt. Trong quãng thời gian ấy cơ sở của ông Châu đóng gần 20 chiếc tàu đánh bắt xa bờ cho ngư dân Phù Cát, sau này ông Châu còn kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt, hơn 10 năm nay ông Châu thành công lớn trong nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao”, ông Trần Công Bàng cho hay.

Đến thăm cơ sở nuôi tôm của ông Nguyễn Ngọc Châu tại Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước những ao nuôi tôm trên diện tích đến 8,2ha. Trên diện tích này, ông Châu chia thành từng ao, mỗi ao rộng 3.000m2; trong đó, có 3,2ha ông Châu đầu tư nuôi tôm thâm canh trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao, 5ha còn lại ông nuôi tôm ngoài trời.

Ông Châu thăm trại nuôi tôm thâm canh ở Đề Gi, xã Cát Khánh. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Châu thăm trại nuôi tôm thâm canh ở Đề Gi, xã Cát Khánh. Ảnh: V.Đ.T.

“Hơn 10 năm nay, khi phong trào phát triển tàu cá ở Bình Định đã bão hòa thì nghề đóng mới tàu cá cũng “thoái trào”, tôi bắt đầu chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Ban đầu tôi nuôi tôm theo kiểu truyền thống, chỉ “ăn” được mấy vụ đầu, những vụ nuôi sau do môi trường và khí hậu bắt đầu biển đổi gây bất lợi cho nghề nuôi tôm, nên từ đó nuôi vụ được vụ mất, không ổn định.

Vừa nuôi tôi vừa cải tiến phương cách nuôi. Thế nhưng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đầu tư rất lớn, cũng nhờ có nguồn vốn của Agribank Phù Cát nên từng bước tôi dần hiện đại hóa nghề nuôi tôm. Trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, nuôi tôm theo thuyền thống phần thua chiếm đến 80% do dịch bệnh, còn nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao người nuôi cầm chắc phần thắng đến 80%”, ông Nguyễn Ngọc Châu chia sẻ.

Quan sát, chúng tôi thấy cả 2 khu nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh đều được ông Châu đầu tư bê tông đáy ao, lót bạt, bờ cũng được nâng cao và bê tông. Riêng những diện tích nuôi thâm canh được phủ bạt kín bên trên những ao nuôi, còn những ao nuôi bán thâm canh bên trên chỉ được phủ lưới thưa. Những ao nuôi thâm canh được bố trí máy tạo ô xy dày hơn những ao nuôi bán thâm canh. Đáy ao được thiết kế hình chảo, cao dần từ đáy ao vào bờ, để khi máy tạo ô xy đảo vận hành thì thức ăn thừa gom lại ở đáy ao nuôi, cải thiện môi trường nguồn nước nuôi. Tất cả các ao nuôi tôm của ông Châu đều được áp dụng công nghệ lọc nước.

Ông Châu kiểm tra phát triển của tôm nuôi tại trại nuôi tôm thâm canh ở Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ông Châu kiểm tra phát triển của tôm nuôi tại trại nuôi tôm thâm canh ở Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Khách hàng “VIP” của Agribank Phù Cát

Theo ông Nguyễn Ngọc Châu, mức đầu tư nuôi tôm bán thâm canh chỉ khoảng 2,5 tỷ đồng/ha, nhưng mức đầu tư nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao phải tiêu tốn đến 5 tỷ đồng/ha, nhưng tôm nuôi được an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Mỗi năm tôi nuôi 2 vụ, mật độ nuôi 200 con/m2. Vụ 1 qua Tết Nguyên đán tôi thả giống, đến tháng 4 thu hoạch xong là nghỉ nuôi, bởi mùa hè thời tiết nắng nóng tôm phát triển không được. Đến tháng 7 làm vệ sinh ao, tháng 8 vào mùa mưa thả giống nuôi lại. Mùa đông tôm phát triển mạnh hơn và giá bán cũng tốt. Nuôi tôm truyền thống năng suất chỉ đạt 30 tấn/ha nhưng nuôi tôm công nghệ cao năng suất đạt đến 50-60 tấn/ha”, ông Châu chia sẻ.

Ngoài 8,2 ha diện tích nuôi tôm ở vùng biển Đề Gi, xã Cát Khánh, ông Châu còn có 4ha nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc; trong đó, 2 ha được nuôi tại xã Cát Minh và 2 ha được ông Châu thuê ao nuôi tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ).

Theo ông Châu, nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofoc phải tốn chi phí nâng đáy 4 ha ao tôm mất 1,5 tỷ đồng. Sau đó, mỗi ao tôm (700m2/ao) được ông đầu tư thêm 350 triệu đồng để đổ bê tông đáy ao, lót bạt; trang bị hệ thống máy tạo ô xy đáy và hệ thống ô xy đảo, hệ thống sụt lủi tạo dòng chảy dưới đáy; làm mái che để ngăn mưa nắng nhằm kiểm soát được môi trường nước tốt hơn. Gần đây, ông Châu còn trang bị thêm giàn đèn Led nhập về từ Hà Lan, mùa đông giàn đèn này làm thay nhiệm vụ của mặt trời chiếu sáng làm ấm đáy ao để tôm phát triển.

Trại nuôi tôm thâm canh của ông Châu tại Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) được phủ bạt kín để hạn chế dịch bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

Trại nuôi tôm thâm canh của ông Châu tại Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) được phủ bạt kín để hạn chế dịch bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

Đầu tư đổi mới công nghệ nuôi tôm tiêu tốn rất nhiều tiền, nhưng nhờ có nguồn vốn vay từ Agribank Phù Cát nên việc làm ăn của ông Châu luôn hanh thông. Theo ông Trần Công Bàng, hạn mức tín dụng tối đa của ông Châu là 15 tỷ đồng/năm, quay vòng liên tục. “Vốn vay của ông Châu hầu hết trả trước hạn, không cần ngân hàng phải nhắc, ông là khách hàng uy tín của Agribank Phù Cát từ hơn 20 năm qua”, ông Bàng cho hay.

“Tính đến nay, tổng dư nợ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của Agribank Phù Cát đạt gần 800 tỷ đồng, doanh số cho vay nông nghiệp, nông thôn hàng tháng khoảng hơn 100 tỷ quay vòng liên tục. Các xã phía tây huyện Phù Cát như Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Hiệp… nông dân vay chủ yếu đầu tư trồng đậu phông, ớt, dưa hấu. Các xã miền biển vay để nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, khai thác thủy sản…”, ông Trần Công Bàng, Giám đốc Agribank Phù Cát chia sẻ.

Xem thêm
Ngành tôm toàn cầu sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2024

Các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có sự cải thiện nhẹ về nhu cầu tiêu thụ tôm, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hàng ngàn cơ hội trúng xe, trúng vàng khi tham gia 'Mùa Vàng Thắng Lớn 2024'

Tiếp nối sự ủng hộ của bà con nông dân trong nhiều năm qua, chương trình 'Mùa Vàng Thắng Lớn 2024' được Phân Bón Cà Mau triển khai với nhiều giải thưởng hấp dẫn.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất