| Hotline: 0983.970.780

Tỷ phú thanh long ruột đỏ trên Đồng Tháp Mười

Thứ Hai 05/05/2014 , 10:23 (GMT+7)

Trong năm qua anh Sang thu hoạch được khoảng 300 tấn trái/7,5 ha, bán giá bình quân 40.000 đ/kg, thu 12 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 8 tỉ đồng.

* Lãi 1,6 tỷ/ha/năm

Anh Đoàn Văn Sang, chủ trang trại chuyên canh thanh long ruột đỏ rộng 22,5 ha tại ấp I, xã Thạnh Tân, Tân Phước, Tiền Giang, trong đó có 7,5 ha đang cho thu hoạch mang lại lợi nhuận trên 10 tỷ đồng/năm...

Anh Sang quê xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy, thời điểm cuối năm 2011, anh mạnh dạn đầu tư 3,5 tỉ đồng mua 7,5 ha đất tại ấp I, xã Thạnh Tân, Tân Phước, nằm ven kênh Tràm Mù thực hiện ý định trồng thanh long ruột đỏ H14 do Viện Cây ăn quả Miền Nam lai tạo thành công. 

Sau đó anh đầu tư tiếp khoảng 3 tỉ đồng để trồng thanh long bao gồm chi phí: lên líp, đổ trụ xi măng, cây giống, hệ thống điện, hệ thống tưới nhỏ giọt và các công trình phụ khác... Mật độ trồng khoảng 790 trụ/ha. Mỗi trụ trồng từ 4 đến 5 gốc thanh long. Hiện nay, vườn thanh long ruột đỏ H14 của anh đã được 26 tháng, đang cho trái ổn định.

Thanh long ruột đỏ trồng chỉ sau 8,5 tháng đến 9 tháng tuổi bắt đầu cho trái và mỗi năm năng suất cao thêm. Trong năm đầu tiên, thanh long đạt năng suất khoảng 15 tấn/ha và sau vài năm tăng lên đến 40 tấn/ha.

Vườn thanh long 7,5 ha mỗi năm cho thu hoạch 12 đợt trái. Trong năm qua anh thu hoạch được khoảng 300 tấn trái, bán giá bình quân 40.000 đ/kg, thu 12 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 8 tỉ đồng.


Anh Sang theo dõi sự phát triển của vườn thanh long

Năm 2014, do cây đã lớn, năng suất cao thêm nên ước thu hoạch đạt sản lượng không dưới 400 tấn, bán với giá bình quân 40.000 đ/kg, thu 16 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 12 tỉ đồng. Nếu chia bình quân cho 7,5 ha thì mỗi ha thanh long ruột đỏ đạt mức lãi kỷ lục: khoảng 1,6 tỉ đồng/năm.

Trong quí 1/2014, anh Đoàn Văn Sang thu hoạch được 5 đợt trái, mỗi đợt 30 tấn, sản lượng 150 tấn trái, giá bán bình quân 60.000 đ/kg, thu được khoảng 9 tỉ đồng.

Đáng lưu ý trong thời gian từ trước Tết đến nay, giá thanh long luôn giữ ở mức cao trong đó thanh long ruột đỏ giá cao ngất: 60.000 đ – 70.000 đ/kg. Trước thành công và triển vọng kinh tế của cây thanh long ruột đỏ, cuối năm 2013 anh Sang mạnh dạn đầu tư thêm trên 20 tỉ đồng lập thêm một vườn chuyên canh thanh long thứ hai rộng 15 ha, nâng tổng diện tích thanh long hiện có lên 22,5 ha.

Dự kiến sang năm 2015, 15 ha đất chuyên canh thanh long ruột đỏ H14 còn lại sẽ cho thu hoạch. Khi ấy, lợi nhuận tăng lên gấp nhiều lần.

Thanh long ruột đỏ H14 thích hợp với đất đai Đồng Tháp Mười như Tân Phước, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông hộ, đặc biệt trong mô hình trang trại anh Sang thực hiện. Trong quá trình sản xuất, anh Đoàn Văn Sang góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên và hàng trăm lượt lao động thời vụ/năm.

Mức thu nhập thời vụ 180.000 đ/ngày đối với lao động nam và 120.000 đ/ngày đối với lao động nữ. Trong gần 3 năm triển khai trồng thanh long ruột đỏ H14 theo qui mô trang trại tại Tân Phước, anh Sang đúc kết được những bài học kinh nghiệm quí quyết định sự thành công của mô hình. Đó là kết hợp các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Đất đai, thổ nhưỡng phù hợp, cây thanh long dễ trồng, sinh trưởng nhanh, năng suất cao... là những yếu tố ban đầu hết sức thuận lợi. Thế nhưng để phát huy thế mạnh trên, người trồng cần chú ý áp dụng triệt để qui trình canh tác khoa học, cơ giới hóa canh tác, tổ chức thâm canh theo hướng GAP để nâng chất lượng và đảm bảo sản lượng trái khi thu hoạch.

Anh đã mạnh dạn đầu tư khoảng 2 tỉ đồng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo mô hình tiên tiến của Ixrael cho vườn thanh long 7,5 ha đầu tiên và đang tiếp tục lắp đặt thêm hệ thống thứ hai cho khu vườn mới. Hệ thống gồm: bể xử lý nước, bồn nước, hệ thống bơm điện, hệ thống đường ống dẫn đến từng trụ thanh long, các công trình phụ trợ khác...

Với hệ thống này, khi vận hành cần rất ít lao động, kiểm soát được lượng nước mà từng trụ thanh long cần, thời gian tưới cần có 2 giờ/ngày và sau 3 ngày tưới 1 lần. Chưa kể, khi bón phân hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chỉ cần hòa vào bồn chứa nước tưới, xong xả van cho hỗn hợp thuốc và nước theo đường ống đến tưới cho từng gốc thanh long.

Cách làm này vừa tiết kiệm thuốc, tiết kiệm phân, vừa mang lại hiệu quả cao, tránh để lãng phí phân thuốc tạo điều kiện cho cỏ dại mọc nhanh hoặc sinh sôi không kiểm soát được. Anh cũng lưu ý thanh long rất cần phân hữu cơ đặc biệt là hỗn hợp phân gà + mụn dừa + tro trấu hoai mục. Không nên bón phân gà tươi dễ lây lan mầm bệnh, làm cây suy giảm sức khỏe và chất lượng trái kém.

Hàng năm, anh bón cho thanh long 3 đợt phân hữu cơ hỗn hợp kể trên, mỗi lần trung bình 17 – 18 kg/trụ thanh long.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phước đánh giá cao cách làm ăn bài bản, khoa học, hiệu quả của anh Đoàn Văn Sang.

Ông Lâm cho rằng mô hình trồng thanh long ruột đỏ qui mô trang trại trên vùng Đồng Tháp Mười như trên đã mở ra hướng sản xuất hiệu quả cho vùng đất mới còn khó khăn này.

Thanh long cho thu hoạch chính vụ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Thời điểm còn lại là vụ nghịch, phải xông đèn để cây cho trái.

Đối với kỹ thuật xông đèn, trung bình mỗi trụ xông 2 bóng. Thời gian xông đèn liên tục trong 12 đêm thì kết thúc. Ba ngày sau khi thôi xông đèn, thanh long sẽ bắt đầu ra hoa và sau 1,5 tháng kể từ khi ra hoa thì thu hoạch. 

Lưu ý, để đảm bảo chất lượng trái tốt, được thị trường ưa chuộng đồng thời đạt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, trước khi thu hoạch 10 ngày phải ngưng toàn bộ việc phun thuốc, bón phân, xử lý hóa chất...

 

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm