Theo báo cáo Oxfam (tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên hoạt động trong các lĩnh vực phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro và ứng phó với biến đổi khí hậu- thảm họa, phát triển xã hội dân sự và cộng đồng thiểu số), tài sản của các tỷ phú ngành thực phẩm và năng lượng đã tăng thêm 453 tỷ USD trong hai năm qua do giá năng lượng và lương thực tăng vọt.
Cargill, một trong những “gã khổng lồ” kinh doanh lương thực - thực phẩm lớn nhất thế giới hiện đã có 12 thành viên trong gia đình là tỷ phú đô la, tăng từ tám người so với hồi trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Hiện đại gia đình Cargill cùng với ba hãng kinh doanh nông sản- thực phẩm khác đang kiểm soát tới 70% thị trường nông sản toàn cầu.
Giới phân tích cho biết, chỉ số giá lương thực trung bình đã tăng hơn 30% trong năm qua. Con số này có nguy cơ đẩy hơn 263 triệu người vào cảnh nghèo đói nghiêm trọng hơn so với trước đại dịch. Điều này có nghĩa là số người trên thế giới đang có mức sống dưới 1,90 USD/ngày lên tới 860 triệu vào cuối năm nay- tương đương với dân số của cả Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha cộng lại.
Danny Sriskandarajah, giám đốc điều hành của Oxfam tại Anh cho biết: “Thật là trớ trêu trong khi người dân ở Đông Phi đang chết vì đói thì giới siêu giàu trên thế giới lại đang ‘ăn nên làm ra’ nhờ giá thực phẩm và năng lượng tăng cao. Điều này xảy ra đúng vào thời điểm mà hàng trăm triệu người đang phải đối mặt với tình trạng đói nghèo cùng cực, cho nên không có lý do gì để các chính phủ không có hành động can thiệp nhằm đảm bảo rằng ‘không có ai bị bỏ lại’ phía sau”.
Oxfam đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng ngồi lại với nhau tại Davos (Thụy Sỹ) ngay lập tức để đưa ra các loại thuế tài sản đối với người siêu giàu để giúp giải quyết “tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng gia tăng lớn nhất trong hơn 20 năm qua”.
Tổ chức thiện nguyện này cho biết, các chính phủ nên làm theo tấm gương của Argentina khi đưa ra sắc thuế “đoàn kết cộng đồng một lần” đối với sự trỗi dậy các tỷ phú. (Sắc thuế này của Argentina đã tăng thêm 223 tỷ peso, tương đương 1,5 tỷ bảng Anh vào năm ngoái).
Oxfam cũng kêu gọi việc áp dụng sắc thuế tài sản vĩnh viễn để “kiềm chế sự giàu có tăng mạnh và quyền lực độc quyền”. Theo đó loại thuế tài sản hàng năm bắt đầu từ 2% đối với các triệu phú và tăng lên 5% đối với các tỷ phú, có thể tạo ra 2,5 nghìn tỷ USD một năm. Điều đó là đủ để “đưa 2,3 tỷ người dân thoát khỏi đói nghèo, sản xuất đủ vacxin cho thế giới, đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân và bảo trợ xã hội cho tất cả mọi người sống ở các nước có thu nhập trung bình và thấp”.
Yêu cầu thứ ba là sớm chấm dứt tình trạng “trục lợi khủng hoảng” bằng cách áp dụng mức thuế tạm thời đối với tất cả các công ty lớn. Oxfam cho biết, mức thuế như vậy đối với “chỉ riêng 32 tập đoàn đa quốc gia siêu lợi nhuận đã có thể tạo ra doanh thu 104 tỷ USD trong năm 2020”.
Ông Sriskandarajah nói: “Bằng chứng của việc áp dụng thuế tài sản sẽ tăng số tiền khổng lồ có thể giúp các nhóm dễ bị tổn thương vượt qua cuộc khủng hoảng này và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.
Tính đến thời điểm này tổng cộng thế giới đã có thêm 573 tỷ phú mới xuất hiện trong thời kỳ khủng hoảng đại dịch Covid-19. Oxfam cho biết, cuộc khủng hoảng coronavirus là "khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong lịch sử từng được ghi nhận đối với tầng lớp tỷ phú".
Theo bảng xếp hạng của tạp chí Forbes về giới siêu giàu, con số này tương đương với 13,9% GDP toàn cầu, và tăng gấp ba lần so với năm 2000. Ước tính, tài sản của 20 tỷ phú giàu nhất thế giới còn lớn hơn toàn bộ GDP của các quốc gia châu Phi cận Sahara.
Nellie Kumambala, một giáo viên tiểu học sống ở vùng Lumbadzi (Malawi) cùng với chồng, hai con và mẹ của cô cho biết: “Giá cả đã tăng rất nhiều, kể cả từ tháng trước. Hai lít dầu ăn, tháng trước còn ở mức 2.600 kwacha, thì nay đã tăng lên 7.500. Không thể nào tưởng tượng nổi. Giờ đây mỗi ngày, tôi đều lo lắng về việc mình sẽ kiếm tiền như thế nào để nuôi gia đình, và tự nghĩ: 'Hôm nay mình phải làm gì để chúng ta có cái ăn?'", bà Kumambala nói thêm.