| Hotline: 0983.970.780

Cắt đất lúa của dân để giao cho doanh nghiệp phân lô bán nền

UBND tỉnh Bắc Giang ưu ái Công ty Lam Sơn như thế nào?

Thứ Sáu 01/11/2019 , 08:42 (GMT+7)

Nông dân mất đất khiếu kiện kéo dài, dự án chậm tiến độ, nhưng thay vì các biện pháp xử lý, UBND tỉnh Bắc Giang đã có những động thái ưu ái Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn.

14-22-19_sh1
Dự án Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ khiến hàng nghìn hộ dân mất ruộng.

Sau khi tỉnh Bắc Giang có các quyết định thu hồi đất và cưỡng chế diện tích đất hai lúa để giao cho Công ty Lam Sơn thực hiện dự án, nhiều hộ dân các xã Hồng Thái và Hoàng Ninh đã có đơn thư gửi cơ quan chức năng khiếu nại. Đơn thư của người dân cho rằng, đây không phải là công trình phục vụ an ninh, quốc phòng, lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia… nên người dân phải được thỏa thuận với chủ đầu tư; nếu thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân phải được giao đất ở kinh doanh dịch vụ…

Người dân mất đất ở Việt Yên luôn khẳng định ủng hộ chủ trương đô thị hóa, tuy nhiên họ yêu cầu tỉnh Bắc Giang phải thực hiện đúng pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Sau khi nhận đơn của người dân các xã Hồng Thái và Hoàng Ninh các cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Bộ Công an đã có các văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang giải quyết. Các văn bản trả lời những cơ quan này của tỉnh Bắc Giang thể hiện: Dự án Khu đô thị mới Đình Trám – Sen Hồ thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 3, Điều 62 Luật đai 2013.

Tuy nhiên, các quyết định của chính quyền Bắc Giang không thực sự rõ ràng khiến người dân mất quyền lợi.

Cụ thể, tại điểm 2, Điều 1 của Quyết định số 211/QĐ-UBND ngày 26/2/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc chấp thuận đầu tư dự án nêu: Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khoảng 30ha tại các khu trung tâm… để tạo quỹ đất dịch vụ cho người dân theo cam kết khi lựa chọn chủ đầu tư.

Tương tự tại quyết định ngày 15/3/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang giao lâu dài cho Công ty Lam Sơn hơn 80,6 nghìn m2 đất (chỉ thu tiền sử dụng đất hơn 15.000m2) ghi rõ: Diện tích đất ở và dịch vụ (để bố trí cho nhân dân) là 18.461,6m2…

Trong quá trình thực hiện dự án, người dân mất đất ở Hồng Thái và Hoàng Ninh hoàn toàn không nhận được sự hỗ trợ đất dịch vụ. Trong tài liệu cung cấp Báo NNVN, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho rằng quỹ đất dịch vụ trên là để giải quyết quyền lợi cho nông dân mất đất ở các dự án khác.

Quyết định ngày 9/10/2017 của UBND huyện Việt Yên nêu: UBND tỉnh đồng ý bố trí một phần diện tích trong khu đô thị này để làm quỹ đất giao cho các hộ đã có đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện dự án xây dựng khu công nghiệp Đình Trám, cụm công nghiệp ô tô Đồng Vàng và các công trình phụ trợ trước đó, không phải là bố trí đất dịch vụ để hỗ trợ cho các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện dự án Khu đô thị mới Đình Trám – Sen Hồ.

Cùng mất đất ruộng với mức giá được cho là rẻ mạt, nhưng một bên được bố trí đất dịch vụ, còn một bên không, chính vì vậy dự án Khu đô thị mới Đình Trám – Sen Hồ khiến người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Liệu tỉnh Bắc Giang có lập lờ con chữ khiến người dân mất đất bị mất luôn quyền lợi?

14-22-19_sh2
Nông dân mất đất ở Việt Yên tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi.
Theo tài liệu của NNVN, với tổng mức đầu tư dự kiến 1.283,7 tỷ đồng, dự án này chỉ nộp ngân sách nhà nước khoảng 86 tỷ đồng từ tiền sử dụng đất, tức chỉ cần bán một phần nhỏ diện tích phân lô bán nền thì chủ đầu tư đã có thể thu hồi số tiền này.

Không chỉ không có quyền lợi về đất dịch vụ, người dân mất đất ở Hồng Thái và Hoàng Ninh viện dẫn nhiều bằng chứng thể hiện UBND tỉnh Bắc Giang ưu ái Công ty Lam Sơn.

Cụ thể, trong quyết định chấp thuận đầu tư dự án do ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký nêu rõ: Trường hợp chủ đầu tư chậm tiến độ thực hiện dự án quá 24 tháng so với tiến độ dự án được nhà nước chấp thuận thì nhà nước thu hồi toàn bộ hay từng phần đất đã giao (kể cả đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp) và thanh toán hoàn lại phần chi phí chủ đầu tư đã thực hiện (không được tính lãi).

Theo các văn bản của tỉnh Bắc Giang, liên quan đến tiến độ dự án Đình Trám – Sen Hồ, đến hết năm 2014, Công ty Lam Sơn phải hoàn thành bồi thường GPMB khoảng 70ha đất và đầu tư xây dựng hạ tầng trên diện tích khoảng 30ha, từ tháng 1/2017 – tháng 3/2018 dự án hoàn thành việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên khoảng 80ha đất, tuy nhiên, trong tài liệu UBND huyện Việt Yên cung cấp cho PV NNVN thể hiện dự án này chậm tiến độ khoảng 33 tháng.

Ngày 4/12/2017, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Văn bản số 272/UBND-XD, trong đó, có nội dung dự án được gia hạn 32 tháng, kể từ ngày 1/4/2018 đến 30/11/2020.

Lấy đất lúa giao cho doanh nghiệp phân lô bán nền, tỉnh Bắc Giang kỳ vọng dự án này sẽ “phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân” nhưng thực chất đang đẩy nhiều hộ dân vào cảnh mất đất, mất sinh kế. Một m2 đất lúa thu hồi khi người dân đang canh tác trả với giá 217.000 đồng nhưng sau đó chủ đầu tư bán hàng chục triệu đồng khiến người dân cảm thấy bất công.                    

Theo kế hoạch, dự án Đình Trám - Sen Hồ còn lấy cả đất nghĩa trang, di dời mộ của thân nhân nông dân mất đất để xây dựng đô thị.

Trong đơn thư gửi các cơ quan chức năng, nông dân mất đất ở Hồng Thái và Hoàng Ninh viết: Công ty Lam Sơn đưa máy múc vào thùng vũng ở ruộng để người dân không canh tác được, múc khi ruộng đang cấy lúa… Đó có phải là cướp đất hay không?

Theo báo cáo của huyện Việt Yên, đối với mộ nằm trong chỉ giới thu hồi, đã tổ chức đo đạc lập bản đồ mộ và thống kê xong số lượng, vị trí, loại mộ nằm trong chỉ giới thu hồi của toàn bộ dự án gồm 2.012 mộ… Trong phần diện tích đã giao đất cho chủ đầu tư trên địa bàn xã Hồng Thái thuộc giai đoạn 1 có 146 mộ đã cải táng: 39 mộ đất, 107 mộ xây…

“Có khá nhiều mồ mả nằm giữa đồng bây giờ bị san lấp làm cho mất dấu, bây giờ không biết tìm ở đâu”, bà Nguyễn Thị Hà, thôn Hùng Lãm, xã Hồng Thái bức xúc.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.