Chính phủ Úc phát động một chiến dịch tích cực nhằm ngăn chặn các công nhân nông trại ở các đảo Thái Bình Dương bỏ việc trong bối cảnh số liệu mới tiết lộ hơn 1.000 người hái trái cây theo thời vụ đã bỏ trốn trong năm qua.
Chiến dịch cảnh báo những người hái trái cây có thể “mang lại nỗi xấu hổ cho gia đình” nếu họ bỏ việc làm và họ có nguy cơ bị hủy visa.
“Bạn có thể sẽ không thể làm việc ở Úc nữa (điều này có thể áp dụng với cả gia đình và các thành viên trong cộng đồng của bạn)”, một tờ áp phích viết.
"Bạn có thể làm hỏng mối quan hệ giữa đất nước của bạn và người sử dụng lao động, và bạn có thể mang lại sự xấu hổ cho danh tiếng của gia đình bạn".
Chiến dịch ngăn chặn các công nhân nông trái bỏ việc diễn ra khi chương trình công nhân thời vụ của Úc bị ảnh hưởng do những tuyên bố rằng chương trình đã khiến công nhân nông trại phải chịu "những điều kiện vô nhân đạo", thậm chí một vụ kiện tập thể đang được tiến hành nhằm chống lại chính phủ Úc.
Mỗi năm, hàng ngàn người di cư từ các đảo Thái Bình Dương được đưa đến Úc để hái trái cây và rau quả trong các trang trại theo chương trình.
Theo Bộ Giáo dục, Kỹ năng và Việc làm (DESE) Úc, trong năm tài chính vừa qua, 1.181 lao động tham gia chương trình công nhân thời vụ đã cố gắng chạy trốn khỏi chỗ làm việc của họ, vốn thường là các công ty cho thuê lao động. Số người bỏ trốn này gấp hơn 5 lần so với con số 225 người bỏ trốn trong năm trước (2020).
Người phát ngôn của DESE cho biết số người bỏ trốn có vẻ không cao như vậy, vì một số có thể đã quay trở lại làm việc.
“[Cũng có] công nhân đã kết nối lại với Chương trình công nhân thời vụ và qua đó được giúp đỡ tìm một vị trí việc làm khác”, người phát ngôn cho biết.
Sở Ngoại vụ và Thương mại, cơ quan chịu trách nhiệm về áp phích chiến dịch, đã được tiếp cận để lấy ý kiến.
Alison Rahill, quan chức điều hành của Lực lượng đặc nhiệm chống nô lệ (Anti-Slavery Taskforce) của Tổng giáo phận Sydney, cho biết 80% lực lượng lao động bị ràng buộc bởi các nhà thầu thuê lao động, điều này thường có nghĩa là họ phải làm việc trong điều kiện tồi tệ.
Bà Rahill cho rằng trọng tâm của vấn đề nên là tìm ra lý do tại sao một lao động lại muốn rời đi ngay từ đầu.
“Chúng tôi không bao giờ lo lắng như thế về lý do tại sao một người lao động lại rời bỏ một người sử dụng lao động", bà nói. “Cần tìm hiểu xem liệu lao thời vụ có bị đe dọa, uy hiếp và lạm dụng hay không. Tất cả những lý do đó sẽ góp phần vào việc công nhân muốn rời đi".
Rahill cho biết tấm áp phích này, có sẵn để tải xuống trên trang web của chính phủ bằng sáu ngôn ngữ Thái Bình Dương khác nhau, sẽ làm trầm trọng thêm "nỗi sợ hãi" mà người lao động cảm thấy.
Rahill cho biết các công nhân thường bị đối xử tồi tệ và sống biệt lập mà không có thức ăn và chỗ ở thích hợp.
“Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ trốn. Họ không có quyền lựa chọn", bà cảnh báo.
Những người ủng hộ chương trình cho rằng nó mang lại lợi ích cho cả các trang trại và người lao động ở Úc.
Người lao động từ các nước này thường nghèo và hạn chế về tiếng Anh. Đối với nhiều người, đó là một cách để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Chúng tôi thực sự muốn đến Úc để làm việc vì tương lai của gia đình mình,” một công nhân ở Samoa, người đang chờ phê duyệt visa cho biết.
Nhưng những người khác cho rằng sự cô lập của người lao động và bản chất của ngành công nghiệp đã dẫn đến tình trạng bóc lột trên diện rộng.
Luật sư Stewart Levitt ở Sydney đang tiến hành lập hồ sơ thực hiện một vụ kiện tập thể chống lại chính phủ về chương trình này.
Người lao động được nhận 900 AUD/tuần cho công việc của họ, nhưng Levitt cho biết điều này rất hiếm và một số chỉ còn lại 300 AUD/tuần sau khi người chủ sử dụng lao động khấu trừ quá mức.
Số tiền khấu trưc này có thể bao gồm một khoản 200 AUD/tuần để thuê một container hoặc một phòng làm chỗ ở cùng với sáu người khác, ông nói.
“Họ đang phải trả tiền để được sống với sáu người trong một phòng ngủ, với một nhà vệ sinh ngoài trời", Levitt nói. “Chúng tôi có phiếu tính lương trong đó mọi người bị tính phí sử dụng nước tới 14,80 AUD”.
Ông cho biết các công nhân đã phải chịu "những điều kiện không đạt tiêu chuẩn và vô nhân đạo" nhưng nhiều người đã quá sợ hãi để tìm sự giúp đỡ hoặc cung cấp thông tin.
“Vì sự uy hiếp và kinh hoàng đã xảy ra, rất khó để có được bất kỳ ai muốn tìm sự giúp đỡ hoặc cung cấp thông tin. Họ đã được cảnh là sẽ phải gánh hậu quả", Levitt nói.