Đến thăm HTX Sản xuất, cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát (HTX An Thịnh Phát) ở thôn An Cầu, xã Tống Trân (Phù Cừ), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi những khu nhà màng khang trang, hiện đại, bên trong là hàng nghìn cây dưa lưới sai trĩu quả đang chờ ngày thu hái, công nhân lao động vào ra tấp nập...
Ít ai biết rằng trước khi có được những mùa vụ bội thu dưa lưới như hiện tại, anh Bùi Văn Phương Giám đốc HTX An Thịnh Phát đã từng trải qua nhiều vụ trồng thất bại, tưởng chừng phải bỏ cuộc.
Năm 2016, anh Phương thất bại ngay từ vụ đầu tiên do chủ quan với thời tiết. Toàn bộ diện tích dưa lưới 400m2 trồng trong nhà màng bị đổ sập chỉ sau một trận mưa bão. Vụ thứ 2 rồi vụ thứ 3 anh Phương vẫn liên tiếp thất bại do chưa nắm vững kỹ thuật trồng dưa và chưa đầu tư bài bản.
Thất bại chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2018, anh Phương dự tính trồng dưa lưới để thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Nhưng do thời tiết mùa đông lạnh, số ngày có nắng ít không thích hợp cho cây dưa lưới sinh trưởng, phát triển nên cây hỏng gần hết.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên, cho biết: Trồng dưa vàng, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng làm tăng năng suất, giảm chi phí lao động phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng chất lượng quả, giảm giá thành sản xuất, ổn định sản lượng, tránh tác động bất thuận của thời tiết so với trồng ngoài đồng ruộng. Năng suất trung bình 100 tấn/ha/năm và thu nhập trên 2,5 tỉ/ha/năm, khả năng thu hồi vốn cao (2-3 năm)
Trong lúc loay hoay chưa tìm ra cách khắc phục khó khăn, năm 2018, anh Phương được Trung tâm Khuyến nông tỉnh động viên, hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, giống, thuốc bảo vệ thực vật...
Đặc biệt, anh được tập huấn chuyển giao KHKT trồng dưa lưới trong nhà màng. Từ kinh nghiệm của bản thân và kiến thức được học, anh Phương đã gặt hái được những vụ dưa bội thu.
Hiện tại, HTX có khoảng 5.000m2 nhà màng trồng 6 giống dưa lưới khác nhau với mật độ khoảng 2.400 – 2.600 cây/1.000m2. Mỗi cây dưa lưới trồng trong một bầu giá thể, được lót bạt cao su cách ly với nền đất.
Đồng thời, bón phân kết hợp với tưới nước nhỏ giọt được dẫn đến tận gốc theo đúng mức độ yêu cầu và hoàn toàn tự động. Dưa lưới từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 80 - 100 ngày, năng suất trung bình đạt từ 3 - 3,5 tấn/1.000m2. Hiện sản phẩm dưa lưới của anh đều đã được chứng nhận VietGAP.
Cùng với đó, tôn chỉ hoạt động của HTX là tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lấy chất lượng làm đầu, không sử dụng thuốc hóa học, không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất bán. Để làm được điều đó, HTX luôn ghi chép đầy đủ tỉ mỉ công việc hàng ngày và của từng công nhân làm việc.
Giá bán dưa lưới tại vườn hiện khoảng 40.000 – 45.000 đồng/kg đối với dưa loại 1 và 28.000 - 30.000 đồng/kg đối với dưa loại 2. Với năng suất và giá bán này, mỗi năm 1.000m2 trồng dưa lưới có thể cho thu lãi gần 150 triệu đồng. Anh Phương dự định trong thời gian tới sẽ mở rộng tối đa 1ha nhà màng để trồng dưa lưới.
Theo anh Phương, để trồng dưa lưới thành công thì nông dân cần có 4 yếu tố: diện tích đất; nguồn vốn; khoa học kỹ thuật và sự năng động, tâm huyết, chịu khó học hỏi... Nếu thiếu 1 trong các yếu tố đó thì trồng dưa lưới sẽ dễ thất bại.
Dưa lưới là loại cây khó tính, do đó việc chăm sóc phải đúng khoa học kỹ thuật, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng khâu, từng giai đoạn phát triển.
Về chi phí sản xuất, đối với đầu tư cố định ban đầu, chi phí bình quân khoảng 600 triệu đồng/1.000m2 (bao gồm nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, giá thể, dây leo…) và chi phí sản xuất mỗi vụ bình quân khoảng 50 triệu đồng/vụ/1.000m2 (gồm chi phí hạt giống, phân bón, giá thể, điện, nước...).
Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên cho biết: “Việc trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh đang được phát triển trong vài năm gần đây. Nhìn chung việc sản xuất và tiêu thụ dưa lưới trên địa bàn tỉnh có khởi đầu rất khả quan, mang lại thu nhập tốt và đầu ra ổn định”.
Từ năm 2017, tỉnh Hưng Yên đã triển khai dự án “Ứng dụng công nghệ cao để trồng dưa vàng, dưa lưới tỉnh Hưng Yên phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2017 - 2020”.
Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nhằm nhanh chóng đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, việc xây dựng dự án “Ứng dụng công nghệ cao để trồng dưa vàng, dưa lưới tỉnh Hưng Yên phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2017-2020” là cần thiết.
Cũng theo ông Kiên, xây dựng các mô hình Ứng dụng công nghệ cao để trồng dưa vàng, dưa lưới ở tỉnh Hưng Yên phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng được phế phụ phẩm nông nghiệp, góp phần hạn chế phát thải khí nhà kính, giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tạo điều kiện phát triển ngành nông nghiệp bền vững.
Ngoài ra, từng bước giúp nông dân thay đổi nhận thức, tham gia đầu tư và có kỹ năng điều hành sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nâng cao hiểu biết về giá trị mà các ứng dụng đã và đang thực hiện.
Hình thành nên phương thức sản xuất mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tạo mốc đột phá của nền sản xuất nông nghiệp Hưng Yên làm cơ sở để phát triển nông nghiệp bền vững. Sản xuất tạo ra được những sản phẩm đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần năng cao sức khỏe cộng đồng.