| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để khai thác thủy sản hiệu quả

Thứ Tư 08/07/2020 , 08:48 (GMT+7)

Sử dụng máy dò ngang đa chùm, áp dụng đèn LED, hầm bảo quản PU hay bảo quản bằng Ni tơ lỏng là những tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác.

Ngày 3/7, tại Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT Khánh Hòa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên tàu khai thác thủy sản xa bờ”.

Hiệu quả 

Theo Tổng cục Thủy sản, những năm gần đây, lĩnh vực khai thác thủy sản được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và đã có bước phát triển vượt bậc. Từ đội tàu thủ công lạc hậu, đến nay cả nước đã có trên 30.500 tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 mét trở lên.

Khi các tàu ứng dụng các TBKT trong khai thác sẽ đánh bắt hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập. Ảnh: KS.

Khi các tàu ứng dụng các TBKT trong khai thác sẽ đánh bắt hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập. Ảnh: KS.

Để nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động trên biển, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động trên tàu, công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác hải sản cần đi trước một bước.

Về vấn đề này, những năm qua Tổng cục Thủy sản luôn quan tâm chỉ đạo mảng KHCN tập trung nghiên cứu, chuyển giao hỗ trợ các tiến bộ kỹ thuật cho ngư dân. Kết quả bước đầu, nhiều tàu được trang bị máy móc thiết bị hiện đại phục vụ cho khai thác, bảo quản sản phẩm.

Tại Khánh Hòa, đội tàu của tỉnh đã được tiếp cận các loại máy móc, thiết bị cơ giới hóa trong quá trình đánh bắt được ứng dụng, chuyển giao như: Máy thu lưới vây tang treo, máy thu - thả câu cá ngừ đại dương của nghề câu tay kết hợp ánh sáng hay hệ thống căng tăng gông và thu thả lưới cho nghề lưới chụp cũng được ứng dụng.

Ông Kim Văn Tiêu (áo xanh), PGĐ Trung tâm KNQG kiểm tra các thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt thủy sản. Ảnh: KS.

Ông Kim Văn Tiêu (áo xanh), PGĐ Trung tâm KNQG kiểm tra các thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt thủy sản. Ảnh: KS.

Các thiết bị điện tử hàng hải như máy đo sâu - dò cá, máy định vị, máy thông tin liên lạc đã được sử dụng phổ biến trên tàu cá.

Bên cạnh đó, kỹ thuật sử dụng ánh sáng màu, đèn ngầm, đèn LED đã bước đầu được một số tàu thử nghiệm, áp dụng nhằm thay thế hệ thống đèn cao áp truyền thống nhằm tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả khai thác.

Theo kết quả nghiên cứu của ông Nguyễn Phi Uy Vũ, Bùi Đức Lỉnh (Viện Hải dương học – Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam), việc sử dụng đèn LED trong nghề lưới vây kết hợp ánh sáng giúp giảm chi phí chuyến biển trung bình 21,8%, tăng doanh thu lên 21,7% và tăng lợi nhuận trung bình hơn 52% cho ngư dân.

Hơn nữa khi tàu lưới vây sử dụng đèn LED sẽ giảm được hao mòn và kéo dài thời gian sử dụng máy phát điện, tiết kiệm nhiên liệu và giảm tác động của hiệu ứng nhà kính.

Trao đổi với Báo NNVN, ngư dân Ngô Xuân Hoàng, thuyền trưởng tàu KH 97279 TS, ở phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang) xác nhận, nhờ tàu sử dụng đèn LED nên giảm được chi phí tiền dầu đáng kể. Ví dụ, trước đây tàu đi hao tốn 10 thùng dầu, nay giảm xuống chỉ còn 8-9 thùng dầu. Hơn nữa, còn giúp máy tàu kéo khỏe hơn, giảm bớt công suất quá tải.

Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch trên tàu khai thác xa bờ đã được các địa phương giới thiệu cho chủ tàu/thuyền trưởng đưa vào sử dụng.

Theo các chủ tàu, việc tàu sử dụng vật liệu Polyurethane (PU) có khả năng giữ nhiệt tốt, làm cho đá lâu tan hơn, có thể bảo quản sản phẩm được dài ngày hơn so với hầm bảo quản truyền thống...

Định hướng ứng dụng KHCN trong khai thác thủy sản

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, cho biết để đạt mục tiêu tổng quát thực hiện NQ 36-TQ/TW ngày 22/10/2018 về chiến lược biển phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, thì việc ứng dụng các TBKT trong đó có khai thác thủy sản là rất cấp thiết.

Các đại biểu đã đặt 31 câu hỏi được ban chủ tọa trả lời rất cụ thể cho ngư dân. Ảnh: KS.

Các đại biểu đã đặt 31 câu hỏi được ban chủ tọa trả lời rất cụ thể cho ngư dân. Ảnh: KS.

Do đó, ông Tuấn cho rằng, trong thời tới chúng ta cần thay đổi công nghệ khai thác các nghề lưới vây, lưới kéo đáy…Thay đổi công nghệ dự báo để cập nhập thường xuyên và hiệu chỉnh cho phù hợp với từng ngư trường, từng vùng biển giúp độ chính xác ngày càng cao hơn.

Bên cạnh đó cũng cần thay đổi trang thiết bị trên tàu như sử dụng trang thiết bị hiện đại chủ động dò tìm đàn cá của các máy Sona dò ngang bốn đầu dò hay thiết bị chà rạo để tập trung cá…Cũng như thay đổi công nghệ bảo quản sản phẩm trên tàu, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt trên tàu cho các thuyền viên.

Ông Kim Văn Tiêu cho biết, việc ứng dụng TBKT trong khai thác thủy sản là rất cần thiết. Ảnh: KS.

Ông Kim Văn Tiêu cho biết, việc ứng dụng TBKT trong khai thác thủy sản là rất cần thiết. Ảnh: KS.

Còn ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, định hướng sắp tới về vấn đề áp dụng KHCN trên tàu đánh bắt xa bờ là đẩy mạnh bảo quản sản phẩm bằng cách ứng dụng hầm bằng PU và bột khí Ni tơ lỏng để làm sao bắt được cá rồi bảo quản cho tốt.

“Chúng tôi không khuyến khích đánh bắt cá được nhiều nữa, mà bắt được đến đâu bảo quản đến đó. Rồi ứng dụng đèn LED, định vị ra đa hàng hải để đảm bảo cho người, tàu và bảo quản sản phẩm cho tốt nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho ngư dân”, ông Tiêu chia sẻ và cho biết thêm, trong thời gian tới Trung tâm sẽ trình Bộ NN-PTNT xây dựng các mô hình trọng điểm tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định trong đó lắp hầm bảo quản tiên tiến hiện này bằng bột khí Ni tơ, để bảo quản cá ngừ câu tay cho tốt. Cũng như triển khai ứng dụng đèn LED sản xuất trong nước, trang bị cho ngư dân để hạ giá thành sản phẩm.

Qua diễn đàn, ông Tiêu đề nghị Tổng cục Thủy sản và Sở NN-PTNT Khánh Hòa quan tâm những kiến nghị của bà con về cơ chế chính sách. Trung tâm khuyến nông các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận và Bình Định quan tâm đầu tư mô hình hiệu quả cho bà con như bảo quản, sơ chế, áp dụng các thiết bị hàng hải trên tàu như máy định vị, la bàn, giám sát hành trình… Đồng thời áp dụng các TBKT mới, đề xuất tỉnh bổ sung chính sách giúp đỡ ngư dân đi biển, để khắc phục khó khăn. Doanh nghiệp cung cấp thiết bị phải chia sẻ khó khăn, giảm bớt lợi nhuận và bán nợ cho bà con với lãi suất như ngân hàng. Ngư dân cần tìm hiểu, mạnh dạn áp dụng TBKT để nâng hiệu quả khai thác, tăng thu nhập.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.