| Hotline: 0983.970.780

Ưu tiên chuyển đổi số các mặt hàng nông sản chủ lực

Thứ Ba 12/07/2022 , 21:36 (GMT+7)

Tập đoàn VNPT sẽ bám sát mục tiêu chuyển đổi số của ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên các nông sản chủ lực quốc gia và ngành hàng có giá trị kinh tế cao.

Trong tháng 7 này Cục Chăn nuôi và Tập đoàn VNPT sẽ từng bước triển khai phối hợp thu thập dữ liệu về cơ sở chăn nuôi tại các địa phương. Ảnh: Quang Dũng.

Trong tháng 7 này Cục Chăn nuôi và Tập đoàn VNPT sẽ từng bước triển khai phối hợp thu thập dữ liệu về cơ sở chăn nuôi tại các địa phương. Ảnh: Quang Dũng.

Để triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu chăn nuôi, thời gian qua, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng, triển khai thí điểm phần mềm làm công cụ thu thập, cập nhật, khai báo, hình thành nên cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi và cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi.

Đến thời điểm này, Cục Chăn nuôi cùng Tập đoàn VNPT đã triển khai thu thập dữ liệu tất cả nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Trong tháng 7 này sẽ từng bước triển khai phối hợp thu thập dữ liệu về cơ sở chăn nuôi tại các địa phương.

Chia sẻ về những bước đi trong thời gian tới, ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng  Ban Chuyển đổi số Tài Nguyên Môi trường và Nông nghiệp cho biết, Tập đoàn VNPT xác định bám sát mục tiêu chuyển đổi đổi số của ngành nông nghiệp, dựa trên hiện trạng về công tác hành chính, quản lý, hiện trạng các hệ thống thông tin đã triển khai. Từ đó, có những bước đi phù hợp với khối các cơ quan trong ngành nông nghiệp vừa mang lại hiệu quả cao nhất cho người dân và nền kinh tế số.

Theo đó, cần rà soát, hoàn thiện, nâng cấp các hệ thống đã được xây dựng để kế thừa các kết quả đã triển khai trước đây và tích hợp vào hệ thống nền tảng chung của bộ, ngành.

Đối với các nội dung cần xây dựng mới, cần phân tích kỹ lưỡng, đưa ra thứ tự ưu tiên hợp lý để tính toán kế hoạch triển khai phù hợp, đảm bảo giải quyết nhanh các vấn đề nóng, nhưng cũng đảm bảo việc bao trùm các nội dung về lâu dài.

“Đặc biệt cần ưu tiên cho việc chuyển đổi số các nông sản chủ lực quốc gia, các ngành hàng có giá trị kinh tế cao, lợi thế xuất khẩu. Trong đó, vấn đề được đặt lên hàng đầu là đem lại lợi ích cho người nông dân, cộng đồng, doanh nghiệp”, ông Thắng nói.

Giai đoạn tới, Tập đoàn VNPT cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo – AI, Blockchain … để thực hiện được việc chuyển đổi số đồng bộ, gắn với công tác cảnh báo, dự báo để mang lại hiệu quả tối đa trong tương lai số nông nghiệp.

Thường trực Tổ Chuyển đổi số Cục Chăn nuôi kiến nghị Lãnh đạo Bộ NN-PTNT xem xét nhân rộng và thúc đẩy nhanh hơn nữa công tác xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu các lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi số toàn ngành. Ảnh: Quang Dũng.

Thường trực Tổ Chuyển đổi số Cục Chăn nuôi kiến nghị Lãnh đạo Bộ NN-PTNT xem xét nhân rộng và thúc đẩy nhanh hơn nữa công tác xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu các lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi số toàn ngành. Ảnh: Quang Dũng.

Để phối hợp tốt hơn nữa với Tập đoàn VNPT trong quá trình chuyển đổi số ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Vũ Ninh, Thường trực Tổ Chuyển đổi số Cục Chăn nuôi đề nghị, Tập đoàn tiếp tục bám sát các chủ trương, định hướng của Bộ NN-PTNT trong công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp và đầu tư về công nghệ, nguồn lực để đảm bảo cho công tác chuyển đổi số lĩnh vực chăn nuôi nói riêng, ngành NN-PTNT nói chung.

Cùng với đó, ông Ninh cũng kiến nghị Lãnh đạo Bộ NN-PTNT xem xét nhân rộng và thúc đẩy nhanh hơn nữa công tác xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu các lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi số toàn ngành.

Chiến lược phát triển chăn nuôi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 6/10/2020 tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu: “Trong giai đoạn 2021 - 2025 mức tăng trưởng giá trị sản xuất trung bình từ 4 đến 5%/năm. Sản lượng thịt xẻ các loại đạt từ 5,0 đến 5,5 triệu tấn, trong đó: thịt lợn từ 63 đến 65%, thịt gia cầm từ 26 đến 28%, thịt gia súc ăn cỏ từ 8 đến 10%. Sản lượng trứng đạt từ 18 đến 19 tỷ quả, sữa: từ 1,7 đến 1,8 triệu tấn".

Do đó, việc chuyển đổi số lĩnh vực chăn nuôi sẽ góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển chăn nuôi một cách toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường.

Đồng thời, giúp các trang trại, hộ chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp; các sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Xem thêm
Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.