| Hotline: 0983.970.780

Ưu tiên nước sạch cho vùng khó khăn

Thứ Sáu 25/02/2011 , 10:28 (GMT+7)

Tính riêng năm 2010, Trung tâm NS và VSMTNT Quảng Bình đã được giao làm chủ đầu tư 3 công trình nước sạch với tổng vốn trên 20 tỷ.

Chỉ tính riêng trong năm 2010, Trung tâm NS và VSMTNT Quảng Bình đã được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư xây dựng 3 công trình cấp nước sinh hoạt với tổng số vốn trên 20 tỷ đồng, bao gồm: công trình cấp nước xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa), công trình cấp nước xã Hải Trạch (huyện Bố Trạch) và công trình cấp nước sinh hoạt bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy). Ngoài ra, Trung tâm còn là đầu mối tổ chức thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt và vệ sinh xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch). Đây là công trình thuộc dự án “Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường vùng Miền Trung” (vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á).

Để kịp thời cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân ở những vùn khó khăn, Trung tâm NS và VSMT NT đã có sự đổi mới về quy mô, công nghệ và giải pháp thiết kế nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Người dân ở thôn Tân Lý (xã Hải Trạch, Bố Trạch) đã có nước sạch dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Ông Nguyễn Văn Thể (thôn Tân Lý) hồ hởi kể lại: “Lúc đó, vào giáp Tết rồi, bà con ai cũng lo công trình thi công không kịp cho bà con vui xuân. Ấy vậy mà cán bộ Trung tâm đã chỉ đạo đơn vị thi công tập trung nhân lực và phương tiện xe máy để hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng công trình đúng tiến độ”. Được biết, công trình cấp nước sinh hoạt xã Hải Trạch có công suất thiết kế 632 m3/ngày đêm, đảm bảo cấp nước đủ cho gần 10.600 người dân (với tổng kinh phí gần 7,5 tỷ đồng). Trong đó, ngân sách Nhà nước trên 4 tỷ đồng, còn lại là ngân sách xã và nhân dân đóng góp.

Mới đây, tại bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy (Lệ Thủy), một vùng đất khó khăn về nước sạch phục vụ sinh hoạt, Trung tâm NS và VSMT NT đã tiến hành đầu tư một công trình cấp nước phân tán bao gồm 12 giếng đào, có độ sâu từ 6,5 - 13m với số vốn 400 triệu đồng. Với công nghệ xử lý nước bằng hệ thống tầng lọc ngược, các giếng đều có nguồn nước sạch đảm bảo và hợp vệ sinh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Trung tâm cũng đã tăng cường công tác quản lý, khai thác vận hành công trình sau đầu tư để phát huy hiệu quả sử dụng, đồng thời thường xuyên tuyên truyền vận động người dân tham gia xây dựng, bảo vệ nguồn nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, công tác tập huấn truyền thông cũng được Trung tâm chú trọng. Đã tổ chức lớp tập huấn cho cán phụ trách công tác NS & VSMT nông thôn 7 huyện, thành phố trong tỉnh; 14 lớp tập huấn cho 581 cán bộ của 54 xã thuộc các huyện Tuyên Hoá, Lệ Thuỷ và TP Đồng Hới. Tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về nước sạch và vệ sinh môi trường. Theo kế hoạch Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, trong năm 2010, Quảng Bình đã có gần 527.000 người dân trong tỉnh được hưởng nước sạch (đạt trên 70% dân số nông thôn); 75.490 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; sửa chữa, nâng cấp mở rộng các công trình đã đầu tư xây dựng trước đây có quy mô, công nghệ không phù hợp.

Tuy nhiên, hiện tại một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nên các công trình thường bị bỏ bê và thiếu tính xã hội hóa để huy động sức dân trong việc bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn còn nhiều hạn chế, có nơi vẫn giữ thói quen, tập quán lạc hậu về sử dụng các nguồn nước không hợp vệ sinh và giữ gìn môi trường nên thiếu ý thức trong việc bảo vệ nguồn nước và công trình đã được Nhà nước đầu tư xây dựng. Mặt khác, hàng năm Trung tâm cũng cần có khoản kinh phí từ 2-3 tỷ đồng để duy tu bảo dưỡng và sửa chữa nâng cấp các công trình đã được đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng. Song để có được nguồn kinh phí này thì quả là khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Trung tâm NS và VSMT NT Quảng Bình thì: “Trong giai đoạn 2011-2015, Quảng Bình huy động đủ nguồn vốn theo kế hoạch (tổng số 320 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 161 tỷ, vốn dân góp 62 tỷ, vốn khác 97 tỷ), đảm bảo cân đối vốn đối ứng cho các dự án đầu tư nước ngoài, vốn đối ứng do dân góp. Rà soát quy hoạch, đầu tư có trọng tâm, trong đó ưu tiên vùng khó khăn, vùng thiên tai, vùng sâu vùng xa; ưu tiên các công trình cấp nước tập trung, chú trọng chất lượng nước, chất lượng công trình và công tác quản lý vận hành. Qua đó, để nhiều người dân có nước sạch phục vụ sinh hoạt”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.