| Hotline: 0983.970.780

Vacxin Covid-19 nhiều hứa hẹn nhưng liệu đã yên tâm?

Thứ Tư 12/08/2020 , 15:02 (GMT+7)

Mặc dù hôm 11/8, Nga tuyên bố là quốc gia đầu tiên sở hữu vacxin Covid-19 nhưng không phải tất cả các chuyên gia đều lạc quan rằng nhân loại sẽ sớm có vacxin.

Khi nào thì có vacxin?

“Cuối năm nay (2020)” là đáp án của hầu hết các quan chức y tế cũng như giới chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Mỹ và thế giới khi tất cả đều đang mong đợi một loại vacxin sẽ được phê chuẩn đưa vào sử dụng trong vòng chưa đầy một năm.

Đội ngũ chuyên gia Nga tiến hành tiêm thử nghiệm vacxin Sputnik V trị Covid-19 do nước này sản xuất. Ảnh: Reuters

Đội ngũ chuyên gia Nga tiến hành tiêm thử nghiệm vacxin Sputnik V trị Covid-19 do nước này sản xuất. Ảnh: Reuters

Cho dù các ước tính cụ thể khác nhau, nhưng giới chức y tế cho rằng, cuộc chạy đua nghiên cứu- sản xuất lúc này trên quy mô toàn cầu nhằm tìm ra vacxin Covid-19 là chưa từng có về quy mô và tốc độ. Ngoại trừ việc Nga vừa công bố đã sở hữu vacxin “Sputnik V” chưa hoàn toàn thuyết phục (do Viện Gamaleya phối hợp với Bộ Quốc phòng Nga phát triển) thì hiện còn có tới trên 140 ứng cử viên vacxin Covid-19 khác đang được các nước nghiên cứu và nhiều khả năng sẽ xuất hiện.

"Tôi rất lạc quan rằng vào cuối năm 2020, chúng ta sẽ có ít nhất một loại vacxin được chứng minh là an toàn- hiệu quả và trải qua một thử nghiệm quy mô lớn", ông Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ nói.

Trong khi đó, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm, đồng thời là cố vấn Nhà Trắng về coronavirus Anthony Fauci lại lấp lửng nước đôi, mặc dù không có gì đảm bảo chắc chắn rằng vacxin sẽ có hiệu quả nhưng cũng không hẳn là không.

Dốc mọi nguồn lực để đạt kỷ lục 

Câu hỏi lớn thứ hai cũng được đặt ra vào thời điểm này là liệu việc dự trữ vacxin vào cuối năm có hợp lý không?

Cho dù có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng các chuyên gia nhận định ngay cả khi thế giới có vacxin hữu hiệu đặc trị Covid-19 thì việc cung ứng vẫn sẽ là một rào cản, nhất là ở các nước nghèo. Ảnh: AP

Cho dù có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng các chuyên gia nhận định ngay cả khi thế giới có vacxin hữu hiệu đặc trị Covid-19 thì việc cung ứng vẫn sẽ là một rào cản, nhất là ở các nước nghèo. Ảnh: AP

Giả sử có một loại vacxin coronavirus hữu hiệu được phát triển trong vòng chưa đầy một năm, thì điều này sẽ chính thức phá vỡ mọi kỷ lục thế giới về mọi khía cạnh. Là bởi đến nay loại vacxin nhanh nhất từng được phát triển là vacxin quai bị cũng phải mất tới bốn năm và lần lặp lại đầu tiên là vào năm 1948 cũng chỉ cung cấp khả năng miễn dịch trong thời gian ngắn. Trong khi đó, hầu hết các loại vacxin khác đều phải mất tới hơn một thập kỷ mới chứng minh được tính hiệu quả.

Vậy thì tại sao một số nhà nghiên cứu lại tin rằng chúng ta sẽ sớm có vacxin đặc trị Covid-19 trong một thời gian ngắn kỷ lục?

Câu trả lời chính là tính cấp thiết của vấn đề khi nhân loại đang đối diện với một loại virus cực kỳ nguy hiểm, khả năng lây lan nhanh - đã thúc đẩy một lực lượng nghiên cứu hùng hậu chưa từng có. Hiện các nhà khoa học vẫn đang ngày đêm chạy đua với thời gian để tổng hợp các nghiên cứu và tài nguyên từ khắp nơi trên thế giới, với quy mô chưa từng thấy trước đây.

Stephen Thomas, chuyên gia nghiên cứu vacxin và là người đứng đầu khoa Bệnh truyền nhiễm của Đại học Y khoa SUNY Upstate cho biết: “Có rất nhiều sự hợp tác và phối hợp giữa các chính phủ liên bang, các nhóm học thuật liên quan đến vacxin đều đang dốc sức nghiên cứu, phát triển - điều mà chúng tôi chưa từng thấy”.

Đã có rất nhiều tiền được đổ vào nỗ lực này. Chính phủ Mỹ đã phát động Chiến dịch Warp Speed dưới sự chủ trì của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh với trị giá gần 10 tỷ USD. Mục tiêu của nó là cung cấp 300 triệu liều vacxin Covid-19 vào tháng 1 năm 2021. Chương trình này không những chỉ đầu tư vào nghiên cứu vacxin mà còn bao gồm cả việc xây dựng các nhà máy và chuỗi cung ứng nhiều loại vacxin, với kỳ vọng không phải mọi nỗ lực đều cho kết quả.

Hay mới đây là các khoản tài trợ trị giá 1,6 tỷ USD cho các hãng dược như Novavax, Johnson & Johnson, Moderna và AstraZeneca triển khai nghiên cứu vacxin Covid-19. Trước đó, một số công ty dược và nhóm nghiên cứu đã và đang đạt được tiến bộ như Pfizer và BioNTech khi tiến hành các thử nghiệm ban đầu cho thấy vacxin của họ có thể tạo ra phản ứng miễn dịch.

Cùng thời điểm trên, các dữ liệu sau khi tiến hành thử nghiệm vacxin giai đoạn 1 của hãng Moderna cũng có những dấu hiệu tích cực. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Viện Jenner thuộc Đại học Oxford loan báo họ có thể sản xuất hàng triệu liều vacxin Covid-19 ngay sau khi được phê duyệt khẩn cấp vào tháng 9 tới.

Theo các chuyên gia, một phần của sự lạc quan đối với quá trình “đốt cháy giai đoạn” nghiên cứu vacxin Covid-19 trong vòng vài tháng, thay vì vài năm bắt nguồn từ chính virus SARS-CoV-2, khi con virus này có họ hàng, gần giống như virus SARS và MERS mà các nhà khoa học đã nghiên cứu trong nhiều năm. Điều đó giúp họ có một khởi đầu thuận lợi khi bắt tay vào triển khai.

Và trên thực tế là đa số những người đã bị nhiễm coronavirus đều có thể tự phục hồi cho thấy, hầu hết hệ miễn dịch của con người đều có khả năng chống lại căn bệnh này. Do đó, đây chính là lý do để có thêm hy vọng rằng sớm một loại vacxin thử nghiệm, tập dượt hệ thống miễn dịch kháng trị Covid-19. Điều này hoàn toàn trái ngược với virus HIV, loại mà rất ít người có khả năng miễn dịch hoặc đề kháng tự nhiên cho nên các nhà khoa học vẫn chưa phát triển một loại vacxin đặc trị virus này, mặc dù đã nỗ lực hàng thập kỷ.

Chuyên gia Thomas nói: “Nó giống như là việc sản xuất xe hơi vào lúc này, là bởi vì bạn đã biết rõ công thức chế tạo cơ bản do đã sản xuất xe nhiều lần trước đó, nên mỗi lần bạn phải phát triển một chiếc xe mới sẽ ít tốn công hơn rất nhiều”.

Ngoài ra, khâu công nghệ sau vacxin cũng đã được cải thiện trong những thập kỷ gần đây, thay vì chế tạo vacxin từ đầu cho mọi loại virus mới, các nhà khoa học đã phát triển ra các loại vacxin tiêu chuẩn có một số thành phần có thể được tinh chỉnh để nó hoạt động trên một loại virus cụ thể.

Ví dụ như các hãng dược CanSino Biologics hay Johnson & Johnson đang phát triển vacxin Covid-19 sử dụng trên một loại virus khác, adenovirus (là các virus có lõi ADN), làm véc tơ để cung cấp vật liệu di truyền mã hóa cho các protein SARS-CoV-2 sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Trong khi đó, Moderna lại đang phát triển vacxin mRNA, một nền tảng thậm chí còn mới hơn cho phép công ty phát triển với tốc độ ngoạn mục. “Moderna chỉ mất đúng 66 ngày kể từ khi trình tự gen của Covid được công bố, cho đến khi họ tiêm mũi đầu tiên cho bệnh nhân”, giáo sư y khoa Drew Weissman thuộc Đại học Pennsylvania cho biết.

Lạc quan xen lẫn thách thức

Cho dù lạc quan nhưng cũng có ý kiến cho rằng, vẫn còn rất nhiều thứ có thể làm “trật khỏi đường ray” con tàu vacxin Covid-19.

Một số nhà khoa học hy vọng vacxin Covid-19 sẽ sẵn có nhưng cũng không ít chuyên gia hoài nghi. Ảnh: AFP

Một số nhà khoa học hy vọng vacxin Covid-19 sẽ sẵn có nhưng cũng không ít chuyên gia hoài nghi. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, đến nay những nền tảng tiến bộ này vẫn chưa được chấp thuận cho con người sử dụng, có nghĩa là chúng cần tiếp tục được thử nghiệm rộng rãi hơn. Chính vì vậy, các thử nghiệm lâm sàng hiện vẫn đang được đẩy nhanh, trong khi các cơ quan quản lý đã cho phép các nhà phát triển vacxin kết hợp các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng hoặc cùng lúc chạy cả hai…

Việc ném một số tiền khổng lồ và công sức vào thử thách phát triển vacxin coronavirus vẫn không có gì đảm bảo rằng một loại vacxin hữu hiệu sẽ sớm có đủ, một khi chúng được sản xuất. Mặc dù các kết quả ban đầu từ các thử nghiệm đang chỉ ra đúng hướng, nhưng chúng vẫn cần được xác nhận thêm trước khi được phép sử dụng rộng rãi, tức phải thử nghiệm trên hàng chục nghìn người.

Hơn nữa các nhà khoa học cũng không dám chắc liệu sự hiện diện của các kháng thể đối với SARS-CoV-2 có tạo ra miễn dịch hay không và họ không biết khả năng miễn dịch đó sẽ kéo dài bao lâu. Đó là một yếu tố khác nữa mang tính thách thức mà chỉ có thể được trả lời bằng cách chờ đợi qua thời gian.

Thậm chí, ngay cả khi một loại vacxin được chứng minh là an toàn và hiệu quả sẽ có vào cuối năm nay thì nó cũng không thể chấm dứt được đại dịch, nếu không có nỗ lực tiêm chủng phối hợp đồng bộ. Điều kiện là đủ số người phải được tiêm phòng trong một quần thể để gây dựng khả năng miễn dịch cộng đồng, làm cho virus không thể dễ dàng lây lan và ngay cả những người chưa được tiêm phòng cũng được bảo vệ.

“Việc đạt được điều này sẽ phải mất nhiều thời gian và trước hết các chính phủ sẽ phải đưa ra một số quyết định khó khăn về việc ai sẽ được tiêm phòng trước khi nguồn vacxin  sẽ không thể nào có đủ cho mọi người trên thế giới. Nó đòi hỏi một chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như năng lực sản xuất khổng lồ và hàng nghìn con người được đào tạo để quản lý vacxin”, chuyên gia Durbin nói.

Việc đưa vacxin đến người bệnh để chấm dứt khủng hoảng cũng có thể là một thử thách lâu dài phía trước. Vấn đề khoa học có thể giải quyết được, nhưng việc xây dựng ý chí chính trị để sử dụng nó một cách hiệu quả vẫn là một rào cản khó khăn.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.