| Hotline: 0983.970.780

Vải chín sớm tiêu thụ thuận lợi

Thứ Tư 08/06/2016 , 13:15 (GMT+7)

Sản lượng giảm, chất lượng tăng và không bị cạnh tranh bởi vải chính vụ nên việc tiêu thụ vải sớm diễn ra khá thuận lợi. Nhiều nhà vườn đón mùa quả ngọt với niềm vui được mùa, được giá.

* Thu hoạch đến đâu, bán đến đó

Bận mà… vui

Những ngày này, vùng vải sớm xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang cho thu hoạch rộ. Trên trục đường chính dẫn vào xã, ô tô, mô tô chở vải qua lại tấp nập.

Vừa bán xong hơn một tạ quả, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, anh Nguyễn Tiến Quản, thôn Hòa Làng phấn khởi: “Nắng nóng gay gắt nên từ tờ mờ sáng, gia đình tôi thức dậy bẻ vải, khi trời sáng hẳn chỉ việc buộc, cắt bớt cành lá mang đến điểm cân. Đến nay, tôi đã bán được 2 tấn quả trong tổng số 3 tấn cả vụ. Đầu mùa giá 28 - 30 nghìn đồng/kg, nay chỉ còn 18 - 20 nghìn đồng/kg. Tuy giá giảm nhưng vẫn cao hơn năm ngoái”.

Có diện tích vải lớn hơn 1,5ha, gia đình ông Trần Đình Long, thôn Lân Thịnh phải thuê 7 - 10 công nhân mỗi ngày để thu hoạch vải. Nhờ am hiểu quy trình kỹ thuật, đốn tỉa cành, tạo tán, bón phân cân đối nên vườn vải cây nào cây ấy đều sai quả, dự kiến thu được 16 tấn. Do vải có mã đẹp, chất lượng tốt nên thương nhân đến tận vườn thu mua với giá cao. Trừ chi phí, gia đình thu về hơn 200 triệu đồng. 

Với đặc thù vải thiều không cho thu hoạch rải rác như một số cây trồng khác đã đòi hỏi các nhà vườn phải thu ngay khi vải chín. Vì vậy vào mùa vải, những nhà vườn ở xã Phúc Hòa đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động từ địa bàn lân cận.

Chị Nguyễn Thị Tâm, thôn Hạc, xã Việt Lập được thuê cho biết: “Thu hoạch vải đúng vào dịp nắng nóng người lao động khá vất vả nhưng bù lại chúng tôi được trả công cao, đôi bên đều thoải mái”. 

Theo ông Trần Đức Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa, với hơn 400ha, sản lượng vải sớm của xã ước đạt gần 2 nghìn tấn. Đến nay bà con đã thu xong một nửa diện tích và dự kiến kết thúc vào giữa tháng 6. Các nhà vườn huy động được nhân lực hái vải kịp thời, đáp ứng nhu cầu của thương nhân, sản phẩm thu hoạch đến đâu được tiêu thụ hết đến đó.

Cùng với Phúc Hòa, các xã trồng vải sớm như Hợp Đức, Cao Thượng (Tân Yên); Chu Điện, Bình Sơn, Lục Sơn (Lục Nam); Mỹ An, Tân Mộc, Quý Sơn (Lục Ngạn)... các nhà vườn cũng đang tất bật với mùa vụ.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nhung, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc trồng 0,5ha vải chín sớm như U thâm, U hồng. Trong khi nhiều hộ khác mất mùa song vải của gia đình chị vẫn cho quả to, sai trĩu cành, mã sáng đẹp, ước tính cho 6 tấn quả, thu nhập hàng chục triệu đồng.

Thu hoạch nhanh, tránh điều kiện bất lợi

Để hỗ trợ người dân thu hoạch và tiêu thụ vải thuận lợi, các địa phương đều tạo điều kiện tốt nhất cho các thương nhân đến thu mua sản phẩm. Xã Phúc Hòa bố trí bãi đỗ xe rộng, cử lực lượng chức năng, thanh niên xung kích tham gia bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự; vận động, tuyên truyền người dân không lấn chiếm lòng, lề đường. Đối với các điểm cân cần tuân thủ thu dọn mặt bằng bảo đảm vệ sinh môi trường khi kết thúc mùa vải.

10-59-02_img_5869
Ảnh: Trịnh Lan

 

Ông Trần Văn Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Bắc Giang khuyến cáo: “Sau thu hoạch cây thiếu hụt dinh dưỡng lớn, cần áp dụng ngay biện pháp chăm sóc như: Tỉa bỏ cành già cỗi, cành khuất, tạo tán tròn đều, bổ sung lượng phân bón phù hợp để cây hồi phục, tiếp tục cho quả vào năm sau”.

Xã Mỹ An (Lục Ngạn) thường xuyên nắm bắt tình hình tiêu thụ vải của bà con; tôn tạo một số tuyến đường; tạo điều kiện cho thương nhân đặt điểm cân, bảo đảm tốt công tác an ninh trật tự.

Nhờ các biện pháp trên đã thu hút được thương nhân từ khắp nơi trong cả nước tìm đến thu mua. Tại xã Phúc Hòa có khoảng 30 điểm cân. Ghi nhận tại đây, người mua, bán trao đổi khá nhanh bởi ai cũng muốn tránh cái nắng như đổ lửa. Việc trừ lùi cân cũng được cả đôi bên thống nhất vui vẻ. Giá vải Phúc Hòa dao động từ 13 - 22 nghìn đồng/kg.

Tại một số điểm cân khác ở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) đa phần là vải sớm từ xã Cao Thượng, Nhã Nam, Việt Lập đem đến và được thương nhân mua với giá 10 - 17 nghìn đồng/kg. Tại Lục Ngạn, vải đẹp được giá 27 - 28 nghìn đồng/kg, Lục Nam 17 - 23 nghìn đồng/kg. 

Vụ này toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 6 nghìn ha vải sớm cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 23 nghìn tấn, giảm 2 nghìn tấn so với năm ngoái. Nguyên nhân do thời tiết bất thuận đã khiến nhiều vườn vải không hoa. Tuy nhiên, những diện tích áp dụng theo quy trình thâm canh, VietGAP, người dân am hiểu kỹ thuật vẫn cho quả sai, chất lượng tốt. 

Dù chưa kết thúc thời vụ nhưng đánh giá chung thì năm nay giá vải sớm bình quân sẽ cao hơn so với năm ngoái. Theo lý giải của cán bộ chuyên môn Sở NN-PTNT, ngoài sản lượng thấp còn do vải thiều sớm không bị cạnh tranh bởi vải chính vụ nên tiêu thụ khá thuận lợi, được giá. Cùng với đó, người dân đã chú trọng hơn biện pháp kỹ thuật chăm sóc, tạo ra sản phẩm chất lượng, tạo thiện cảm với khách hàng.

Chị Đinh Thị Liên, người buôn vải sớm hơn chục năm đến từ Hưng Yên cho biết: “Tôi thường mua vải thiều Bắc Giang đưa vào thị trường Hà Nội, Vĩnh Phúc, bình quân tiêu thụ 10 - 12 tấn/ngày. Vải sớm nơi này có chất lượng hơn hẳn so với một số địa bàn khác nên dễ bán. Đầu vụ, tôi đến khảo sát một số vườn và liên hệ đặt điểm cân để chủ động thu mua”.

Thời gian thu hoạch vải sớm không còn dài, kết thúc vào khoảng 15/6. Dự báo thời tiết những ngày tới nắng nóng gay gắt đan xen những đợt mưa dông. Vì vậy, tranh thủ thời tiết thuận lợi nông dân cần nhanh chóng thu hoạch sản phẩm xuất bán, tránh tình trạng vườn vải bị trút quả hàng loạt do sốc nhiệt như năm trước. 

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.