| Hotline: 0983.970.780

Vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là chống đói rét cho gia súc

Thứ Tư 23/02/2022 , 17:24 (GMT+7)

BẮC KẠN Vẫn còn tình trạng người dân lơ là, không chủ động trồng cỏ, không dự trữ thức ăn; chuồng trại ẩm ướt, che chắn sơ sài; thả rông gia súc trong giá rét...

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn, tính tới 9h ngày 23/2, toàn tỉnh đã có 261 gia súc bị chết rét, cùng 610 kg cá rô phi đơn tính bị chết rét tại xã Trần Phú, huyện Na Rì.

Nhiều nguyên nhân gia súc chết rét tăng cao đã được chỉ ra, nhưng chủ yếu đến từ nguyên nhân chủ quan và hạn chế về kiến thức phòng, chống rét của người chăn nuôi. Tập quán thả rông, một số ít người dân không trồng cỏ và có dự trữ thức ăn cho vật nuôi phòng khi thời tiết giá rét xảy ra.

Chuồng nuôi nhà anh Mông Văn Năm ở thôn Lủng Sliên, xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) quá tạm bợ khiến 2 con nghé bị chết rét. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chuồng nuôi nhà anh Mông Văn Năm ở thôn Lủng Sliên, xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) quá tạm bợ khiến 2 con nghé bị chết rét. Ảnh: Toán Nguyễn.

Một ví dụ cụ thể, trong đợt rét từ ngày 14 – 20/2, gia đình anh Mông Văn Năm, ở thôn Lủng Sliên, xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông đã chủ động nhốt trâu ở chuồng và cắt cỏ, nấu cháo cho trâu ăn, nhưng vẫn có 2 con nghé bị chết rét, thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Lý do là chuồng nuôi không bảo đảm, che chắn không kỹ, nền chuồng ẩm ướt, thậm chí có chuồng còn bị hỏng một phần mái che…

Những khu vực vùng núi cao thuộc các huyện Pác Nặm, Bạch Thông, Na Rỳ, Ngân Sơn… trong thời gian vừa qua trời rét hại kèm theo mưa phùn, nhiệt độ chỉ ở mức 0 đến 5 độ C. Tuy nhiên do không dự trữ đủ nguồn thức ăn và không trồng cỏ nên tình trạng người dân tranh thủ thả gia súc ra ngoài ăn cỏ vẫn xảy ra. Nhiều hộ dân vẫn có tâm lý chủ quan là thả trâu, bò ra ngoài cho đi ăn cỏ vài giờ, hoặc cho vật nuôi vào những khe núi thì sẽ không sao. Đó là những lý do dẫn tới việc vật nuôi già yếu hoặc con non không chịu được rét đã bị chết.

Ông Đới Văn Thiều, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn cho biết, cơ quan chuyên môn đã có những khuyến cáo người dân thực hiện việc dự trữ thức ăn, che chăn chắn chuồng trại để đảm bảo giữ ấm, cung cấp đủ dinh dưỡng để vật nuôi khỏe mạnh, chống chọi được với thời tiết lạnh giá...

Tình trạng thả rông trâu, bò vẫn diễn ra tại các huyện vùng cao của tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Tình trạng thả rông trâu, bò vẫn diễn ra tại các huyện vùng cao của tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Mặc dù vậy, hiện đa phần người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có ý thức rất tốt trong việc phòng, chống rét cho vật nuôi. Ngay từ đầu mùa đông đã che chắn chuồng trại rất cẩn thận, dự trữ thức ăn đầy đủ và trồng cỏ làm thức ăn cho trâu, bò.

Những ngày vừa qua, dù nhiệt độ mưa rét, nhiều người đã tranh thủ lúc trời tạnh mưa đi cắt cỏ cho vật nuôi. Người chăn nuôi quan tâm tới thông tin dự báo thời tiết và các thông tin tuyên truyền của ngành chuyên môn, chủ động đưa vật nuôi về nhốt tại chuồng, tăng cường nấu cám ngô để tăng sức đề kháng cho vật nuôi trong những ngày giá rét.

Việc phòng chống rét cho vật nuôi được chính quyền và cơ quan hết sức quan tâm. Đặc biệt tại những khu vực vùng núi cao có xuất hiện hiện tượng băng tuyết trong thời gian vừa qua, UBND các huyện đã thường xuyên chỉ đạo Phòng NN-PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và UBND các xã bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.

Trong đó, quy định đối với đàn vật nuôi, tuyệt đối không được thả rông trâu, bò trong những ngày trời giá rét, vệ sinh chuồng khô thoáng, đốt củi để tạo nguồn nhiệt vào những ngày rét, nấu cháo pha loãng bổ sung muối ăn để tăng khả năng chống chịu rét cho đàn gia súc...

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, tính đến 17h ngày 23/2, rét đậm, rét hại ở khu vực Bắc Bộ và Nghệ An đã làm 3.567 con gia súc bị chết (2.171 con trâu, 869 con bò; 527 gia súc khác). Trong đó: Hà Giang: 21; Lào Cai: 307; Lai Châu: 13; Điện Biên: 163; Lạng Sơn: 166; Cao Bằng: 97; Sơn La: 1009; Yên Bái: 38; Bắc Kạn: 216; Tuyên Quang: 08; Hòa Bình: 264; Bắc Giang: 58; Quảng Ninh: 35; Thanh Hóa: 15; Nghệ An: 1073; Quảng Bình: 39.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.