Xe khuất rồi mà những nhân viên khách sạn Kanoya vẫn vẫy tay chào, bàn tay trắng, mềm như những ngó sen. Buột miệng hỏi anh Lý: “Tại sao đoàn xa rồi không nhìn thấy nữa mà họ vẫn vẫy?”. Anh cười: “Họ không chỉ vẫy tay cho một mình xem mà còn cho người cả thứ ba xem thái độ họ trân trọng khách đến mức nào”.
Nói chuyện vẫy tay, ở Nhật có hẳn biểu tượng mèo vẫy tay rất nổi tiếng. Nếu tay phải nó vẫy là phú quý tìm về, tay trái nó vẫy là lộc tài đang tới. Người bình dân vẫy tay kiểu gì cũng xong nhưng thiên hoàng lại khác. Ngài chỉ vẫy tay một kiểu, thẳng ra trước mặt, không vung xa cũng không vung gần, không lệch trái cũng không lệch phải.
Nhật Bản chỉ có một dân tộc và cũng chỉ có một dòng họ làm vua (Yamato) từ thiên hoàng đầu tiên là Jimmu lên ngôi năm 660 trước công nguyên đến thiên hoàng ngày nay là đời thứ 125, vua Akihito lên ngôi năm 1989.
Sở dĩ không có cảnh tranh ngôi, soán vị, máu chảy đầu rơi, chu di tam tứ ngũ lục thất bát cửu tộc như ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng Nho giáo khác bởi vua Nhật không nắm thực quyền mà ngay từ đầu quyền đã do các lãnh chúa nắm.
Vua gần như được coi như một vị thần nhưng thiên hoàng Akihito ngày nay nổi tiếng là gần gũi với dân chúng cũng như có tầm ảnh hưởng lớn đến bang giao quốc tế. Chính ông hoàng này đã vài ba lần công khai xin lỗi các nước Châu Á về tội ác của phát xít Nhật gây ra trong chiến tranh thế giới thứ hai mà bắt đầu là xin lỗi Trung Quốc vào năm 1989.
Hết vẫy tay lại đến văn hóa cúi chào. Có rất nhiều kiểu cúi đầu chào ở Nhật. Chào thường ngày nghiêng 15 độ, chào cảm ơn nghiêng 30 độ, chào xin lỗi mong người khác tha thứ cho mình nghiêng 60 độ, chào xin lỗi khi người ta chưa tha thứ cho mình nghiêng 90 độ.
Mức độ cao nhất là không cúi nữa mà quỳ xuống khi ngay cả bản thân mình cũng cảm thấy có lỗi, cũng bứt rứt không thể tha thứ được cho chính mình. Xưa kia, rất có thể sau quỳ gối sẽ là màn lấy kiếm rạch bụng tự sát kiểu samurai. Xuất thân từ đội vệ sĩ cực kỳ trung thành của tầng lớp quý tộc Nhật xưa, ngày nay samurai đã trở thành một tinh thần vô cùng đặc biệt.
Nửa giờ đi xe kéo tay hết khoảng 1 triệu đồng
Những phi công lái máy bay cảm tử trong thế chiến thứ hai sau khi uống ly rượu thiên hoàng trao, họ đổ xăng đi mà không đổ xăng về, nhìn thấy tàu địch là đâm nhào xuống, nổ tung cho chết trùm, chết lượt. Đó là những samurai thời hiện đại.
Chiến binh samurai nổi tiếng nhất trong lịch sử có lẽ phải kể đến người lính Onoda khi cố thủ trong rừng rậm ở đảo Lubang của Philippines gần 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Năm 1944, ông tới Lubang để lãnh đạo một nhóm nhỏ binh sĩ hoạt động độc lập theo đường lối chiến tranh du kích.
Kể từ năm 1945, họ rút sâu vào rừng, sống bằng dừa, chuối và săn bắn. Ba đồng đội của ông, một ra hàng, hai bị giết chết trong các cuộc đấu súng với lính Philippines, còn người chỉ huy vẫn kiên định lập trường chiến tranh du kích.
Onoda không chấp nhận sự thật là thiên hoàng đã đầu hàng. Ông xé nát những tờ truyền đơn. Ông bịt tai không nghe tiếng loa phóng thanh phát ra từ các máy bay trực thăng đang vè vè trên đầu, ra rả kêu gọi mình ra khỏi rừng vì hòa bình đã lâu.
Vô gia cư mà vẫn rất sạch sẽ, tối tối vẫn thắp đèn đọc sách, viết facebook bằng tiếng Anh rồi post lên mạng. Những ngày đông xứ đại hàn, tuyết rơi phủ trắng công viên, ghế đá, nhiệt độ âm có khi mươi, mười lăm độ. Lúc này các nhân viên xã hội trở nên tất bật nhất. Họ phải đến gặp từng người vô gia cư mà năn nỉ, thậm chí quỳ xuống mà tỉ tê sao cho những con người rất tự trọng kia chịu vào nhà quy tập, có lò sưởi, có chăn ấm kẻo chết cóng ngoài trời. Tinh thần samurai của họ nhiều khi đến tận những hơi thở cuối cùng. |
Tình cờ được phát hiện bởi một sinh viên người Nhật đi du lịch, mãi đến năm 1974 sau khi đích thân người chỉ huy cũ tới nơi ra lệnh, Onoda trong bộ quần áo rách nát mới buông súng, rời khỏi rừng rậm.
Chính vị chỉ huy này năm xưa từng ra lệnh cho ông rằng: “Anh không được phép tự tử. Dù bất kỳ điều gì xảy ra, dù sau ba năm hay năm năm, đơn vị sẽ quay lại với các anh. Cho đến lúc đó, dù chỉ còn một người lính, anh cũng phải lãnh đạo anh ta chiến đấu”.
Khi hạ vũ khí, Onoda đã bàn giao cho cấp trên một khẩu súng trường, 500 viên đạn, vài quả lựu đạn. Buổi lễ trở nên vô cùng đặc biệt khi có sự tham gia của đích thân tổng thống Philippines. Tổng thống đã ra lệnh ân xá cho Onoda trước những hành động bắn, giết chống lại quân lính nước này trong suốt ba thập kỷ.
Ở Nhật có thể dễ dàng bắt gặp cảnh một người đàn ông ngày nào cũng mặc complet, thắt cà vạt, cắp ca táp chào vợ, chào con để đi làm mỗi sáng. Đùng một cái ti vi đưa tin anh ta tự tử. Thì ra người đàn ông khốn khổ đã thất nghiệp mấy tháng nay nhưng không dám hé môi nửa lời với vợ con mà vẫn giả vờ như công việc đang suôn sẻ để bí mật đi tìm việc mới.
Khi không thể tìm nổi việc làm, quẫn trí anh ta tìm một cái lầu cao để nhảy xuống hoặc tìm một nơi vắng vẻ mà thắt cổ.
Nhà cửa, ô tô, tiện nghi sinh hoạt đắt tiền ở Nhật hầu hết đều mua kiểu trả góp cộng thêm cuối tháng ngân hàng gửi về ùn ùn hàng chục hóa đơn đủ loại phí dịch vụ. Tất cả đều trông chờ vào tiền lương để trả.
Người đàn ông thất nghiệp cầm chắc trong tay là mất nhà, mất xe, mất luôn nguồn sống cho cả gia đình. Nước Nhật có tỷ lệ tự tử cao vào hạng nhất thế giới với trung bình khoảng 30.000 ca mỗi năm. Cứ 100 người chết ở xứ này có từ 2- 3 người chết bởi tự tử.
Những người bình tĩnh hơn, khi thất nghiệp không tự tử mà sẽ bỏ nhà…đi bụi. Trong các công viên, vỉa hè thậm chí trước vườn tùng rất đẹp ở hoàng cung Tokyo hoa lệ, tôi thấy la liệt người vô gia cư đứng, ngồi, nằm, co, duỗi trên các ghế đá, bãi cỏ.
Dựng những túp lều nho nhỏ làm nơi sinh sống. Dựng những chiếc xe đạp cũ kỹ làm phương tiện di chuyển. Không ít trong số đó đã từng quyền cao, chức trọng nên thất nghiệp không dám về quê.
Người vô gia cư nằm trước công viên ở hoàng cung
Họ tắm ở nhà vệ sinh công cộng, lấy nước nóng ở trong các quán ăn, lấy cơm từ các siêu thị sau mỗi buổi chiều (ở các siêu thị Nhật cứ sau mỗi buổi chiều, các thức ăn cận đát sẽ được hạ giá đến quá nửa thậm chí bỏ không dù có thể còn ăn tốt).
Vô gia cư nhưng không thèm ngửa tay ăn xin, thậm chí có người còn xấu hổ mà cự tuyệt luôn cả nguồn trợ cấp của chính phủ.