| Hotline: 0983.970.780

Vẫn lơ là chủ quan phòng dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Thứ Năm 10/08/2023 , 06:28 (GMT+7)

Gia súc vẫn thả rông, dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn thường xuyên xuất hiện, đó là những gì đang diễn ra đối với lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Sơn La.

Chuồng trại của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, ở Bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, Sơn La. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chuồng trại của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, ở Bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, Sơn La. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chuồng trại của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, ở Bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên luôn duy trì đàn vật nuôi khoảng 70 con bò, trâu và ngựa. Từ hàng chục năm nay, anh Tiến đã xây dựng chuồng trại kiên cố, đảm bảo vệ sinh và có biện pháp phòng dịch đầy đủ.

Anh Tiến cũng thực hiện việc chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt, trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn. Nhờ vậy, đàn vật nuôi phát triển tốt, đem lại thu nhập lên tới hơn 1 tỷ đồng mỗi năm cho gia đình. Tuy nhiên, những mô hình chăn nuôi như anh Tiến chỉ là số ít ở địa phương và trên cả tỉnh Sơn La.

Theo như báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Phù Yên, toàn huyện có hơn 118.000 con gia súc, phần lớn là chăn nuôi nông hộ, nuôi nhiều trung bình là 20 - 30 con, chỉ có một số ít nuôi nhiều hơn 50 con.

Anh Cầm Ngọc Hoàng, Phòng NN-PTNT huyện Phù Yên chia sẻ, hiện nay chăn nuôi gia súc tập trung nhiều ở các xã Mương Cơi, Mường Khải, Tân Lang… Tuy nhiên việc nuôi nhốt, đảm bảo nguồn thức ăn và tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh phòng dịch bệnh rất hạn chế. Phần lớn người dân vẫn thả rông vật nuôi, thậm chí là cho ăn cỏ dọc các tuyến đường giao thông…, dẫn tới nguy cơ lây lan dịch bệnh là khó tránh khỏi.

Tình trạng vật nuôi của người dân ở Sơn La thả rông, tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh dịch như này là rất phổ biến. Ảnh: Hải Đăng.

Tình trạng vật nuôi của người dân ở Sơn La thả rông, tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh dịch như này là rất phổ biến. Ảnh: Hải Đăng.

Chính việc chăn nuôi theo hình thức tự nhiên, tâm lý chủ quan trong phòng dịch cũng là một trong những nguyên nhân dịch bệnh vẫn thường xuyên xuất hiện tại tỉnh Sơn La. Cụ thể, từ đầu năm 2023, bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 2 xã thuộc 2 huyện Sốp Cộp và Vân Hồ, làm 228 con trâu, bò bị mắc bệnh.

Tỉnh Sơn La cũng đã phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại 13 điểm, của 11 lượt xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện, thành phố, số lợn được phát hiện bị mắc bệnh và phải tiêu hủy là 440 con.

Sau khi phát sinh các ổ dịch, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La cùng các địa phương thành lập đoàn công tác trực tiếp đến các xã, bản có bệnh dịch để xử lý. Tăng cường kiểm tra phát hiện sớm và xử lý dịch bệnh ngay khi còn trong diện hẹp. Đặc biệt, việc tuyên truyền tới người chăn nuôi nâng cao ý thức, không giết mổ và mua, bán động vật bị bệnh ra, vào địa bàn để tránh lây lan bệnh dịch.

Ngành chăn nuôi và thú y Sơn La cũng tăng cường kiểm dịch động vật tại các điểm chợ và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Mục đích của việc làm này là kịp thời phát hiện và tiêu hủy những sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, hạn chế nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.

Tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Sơn La rất lớn, nhưng mô hình nuôi nhốt và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh phòng dịch bệnh hiện chưa được nhiều. Ảnh: Toán Nguyễn.

Tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Sơn La rất lớn, nhưng mô hình nuôi nhốt và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh phòng dịch bệnh hiện chưa được nhiều. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trên toàn tỉnh Sơn La, tổng đàn bò là gần 380.000 con, đàn trâu khoảng 117.000 con, đàn dê gần 160.000 con, ngựa là gần 6.500 con, đàn lợn khoảng 615.000 con, gia cầm là gần 7,5 triệu con.

Hiện, Sơn La luôn duy trì và phát triển các nhà máy chế biến thức ăn cho bò sữa TMR tại Mộc Châu, trang trại chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu, Vân Hồ. Đây là những doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngành chăn nuôi của cả nước.

Mặc dù là địa phương có tổng đàn gia súc rất lớn, nhưng số cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật chỉ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các vật nuôi được nuôi nhốt, chuồng trại tiêu chuẩn, đảm bảo quy trình khép kín nguồn thức ăn chỉ đạt khoảng hơn 10%.

Trong năm 2023, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La đã triển khai tiêm phòng trên 158.000 liều vacxin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục. Chi cục cũng đã tiếp tục cung ứng các huyện, thành phố 584.480 liều vacxin, 13.621 lít hóa chất và chỉ đạo triển khai tiêm phòng các loại vacxin năm 2023 trước khi bước vào mùa mưa.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.