| Hotline: 0983.970.780

Vàng 'thổ phỉ' hoành hành vùng giáp ranh

Thứ Sáu 02/08/2019 , 10:27 (GMT+7)

Đó là khu vực rừng phòng hộ thuộc Tiểu khu 202, thôn 5, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, giáp ranh rừng Nam Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

Từ nhiều năm nay, “cuộc chiến” với những đoàn quân khai thác vàng trái phép diễn ra tuy âm ỉ nhưng không kém phần quyết liệt, và chưa có hồi kết.
 

Cận cảnh “công trình” khai thác vàng giữa rừng

Từ thông tin của một người dân, từ TP Đồng Xoài, chúng tôi vượt gần 100km tìm về vùng rừng giáp ranh giữa tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng để quan sát "công trình" khai thác vàng trái phép nằm giữa rừng sâu.

Cận cảnh “công trình” khai thác vàng với máy móc, máng dẫn…

“Chỉ có một con đường mòn duy nhất đi vào trong đó, nằm sâu trong rừng á. Người lạ không ai vào được, nên muốn tiếp cận thì phải đi tắt xuyên rừng. Đang mùa mưa, thường có lũ quét bất chợt, rất nguy hiểm. Nếu quyết tâm thì tôi sẽ đưa các anh đi”, anh H, một người “thổ địa” cảnh báo chúng tôi.

Sáng hôm sau, mặt trời chưa ló rạng, chúng tôi chỉnh tề trong bộ đồ bảo hộ đi rừng của người dân địa phương với chiếc gùi sau lưng, con dao phát rẫy, cây gậy, ủng… "Từ đây vào đến đó, nêu tôi đi bộ 1 mình thì khoảng 2 tiếng là đến nơi. Nhưng với các anh, chắc phải hơn 3 tiếng”, H nói.

Sau nửa tiếng len lỏi trong rừng, chúng tôi thấm mệt, duy chỉ có H là vẫn đi phăng phăng, con rựa trên tay anh loang loáng phát những cành lá xòe ra, chắn lối, lội ào ào qua những con suối nước sâu đến trên gối và chảy mạnh. Đến một đoạn, phía trước bị chắn bởi một con dốc cao, H dừng lại, bảo: “Hít thở sâu 5 phút rồi leo nhé”.

Vượt qua con dốc cao và trơn với nhiều cây rừng gãy chặn lối sau một trận mưa lớn hồi đêm, chúng tôi thấy phía dưới là một thung lũng. Thấp thoáng phía xa là một trang trại. Một căn nhà nằm dưới tán cây rừng, một dãy chuồng trại chăn nuôi trâu bò. Gần đó là một vườn cà phê. Theo lời H thì đây là một trang trại “trá hình” của một ông chủ tên T ở Đồng Xoài, nhằm che mắt cho việc khai thác vàng trái phép.

“Trang trại cũng lớn, vừa chăn nuôi vừa trồng trọt, vậy mà chỉ có một người trông coi, chăm sóc vườn cà phê và đàn trâu”, anh H nói.

Đến 1 vạt rừng lồ ô, chợt thấy trước mắt hiện ra một khu lán trại “dã chiến” với lều bạt, chiếu, võng vải. Vài món đồ dùng cá nhân nằm lăn lóc, vương vãi. “Chắc họ đã rút đi ít bữa rồi”, H nói. Tiếp tục lần sâu vào phía trong, một đường hầm khoét sâu và lòng núi hiện ra.

Theo H, khu vực rừng này tiếp giáp với rừng Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), thuộc Tiểu khu 202, do Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng quản lý. Khu vực có đường hầm là một vách núi cao chừng 50m, sát bên là dòng suối Đắk Mô. Hầm có một cửa ra vào, cao chừng hơn 2m, rộng 1m, sâu hút hút, và tối om. Ngay cửa hầm còn có cả một bàn thờ lộ thiên.

14-53-13_nh_4
14-53-13_nh_5
Đường hầm khai thác vàng được đầu tư khá công phu, chắc chắn.

Cúi người chui vào trong hầm một đoạn, hầm bắt đầu có nhiều nhánh rẽ, dưới nền hầm chi chít vết bánh xe rùa, dấu chân người trên đất đá lởm chởm cùng nhiều hố sâu găm xuống đến vài chục mét và nhiều đống đất trộn lẫn đá sỏi chưa kịp đưa ra ngoài. Chỉ tay vào một hố sâu, H giải thích, sau khi tạo ra đường hầm, các đối tượng “tăm” các vị trí có vàng để đào những hố sâu vài chục mét gọi là giếng vàng. Sau khi đào được đất nghi có vàng, họ chuyển ra ngoài suối bằng hệ thống thang, ròng rọc và băng chuyền xuống tận bờ suối để bắt đầu đãi đất tìm vàng. “Chắc nghe có “động” nên họ tạm thời rút đi”, H nói.

Tiếp tục lần theo hướng đi của ròng rọc đến vị trí cách đó 30m, thấy một bãi đất được phủ bằng bạt cùng một lớp bụi đá ẩm ướt khá dày được cố định bởi 4 cọc gỗ. Đây là một trong số những công đoạn đãi vàng.
 

Bắt cóc bỏ dĩa

Theo người dân bản địa, hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra âm ỉ từ nhiều năm nay. Hiện đang có vài nhóm “vàng tặc” từ các tỉnh Thái Nguyên, Đăk Lăk và Bình Phước đang chiếm cứ các khu vực có vàng để ngày đêm đào khoét rừng.

“Họ đến mang theo lỉnh kỉnh đủ thứ đồ nghề, rồi thuê người dân địa phương đến làm. Sau vài tuần, đánh hơi thấy động, họ rút đi, rồi thời gian sau lại quay lại”, H kể.

Các đối tượng khai thác vàng tự mở đường mòn đưa máy móc và trang thiết bị đào vàng vào khu vực khai thác, dựng lán trại, kéo điện vào thắp sáng sinh hoạt và dùng cho mô tơ đào, đãi.

Vàng nằm trong các phiến đá xanh, sau khi đục vỡ những phiến đá lớn để có khối lượng nhỏ thì cho vào các thùng, các đối tượng dùng dây cáp làm ròng rọc tời xuống bãi tập kết ven suối cách đó chừng 30m để xay vụn rồi đãi vàng cám đưa ra ngoài. Mỗi đợt khai thác được bao nhiêu vàng vẫn còn là điều bí mật vì chỉ ông chủ mới biết được.

14-53-13_nh_7
Suối Đắk Mô, nơi các nhóm khai thác vàng vận chuyển khoáng sản xuống suối để đãi vàng.

“Năm ngoái nhóm đào vàng kháo nhau, họ trúng mánh, làm đâu hơn 1 ngày đêm mà được cả hơn 2 lượng vàng. Tôi biết một tay đào vàng chuyên nghiệp tên K, nay đã giải nghệ, khẳng định, trong các nhóm đào vàng, luôn có 1 người “ngửi được mùi vàng”, và người này được trả ít nhất 20 triệu/tháng, còn người lao động đào vàng thuê, cũng được trả từ 7-10 triệu đồng 1 tháng.

Thực ra, đầu tư một dây chuyền khai thác vàng trái phép, đơn giản, gọn nhẹ nhất cũng tốn hàng tỷ đồng chứ không ít, nên chẳng khác gì một canh bạc, được ăn cả, ngã về không. Đây cũng chính là lý do chưa kể hàng trăm triệu mua máy móc, trang thiết bị và ăn uống nên việc đào hầm khai thác vàng là canh bạc lớn có thể tiêu tốn hàng chục tỷ đồng nên họ sẽ không bao giờ từ bỏ quyết tâm khoét núi, đào rừng tìm vàng”, H nói.

Không chỉ khu vực hầm vàng này mà nhiều năm trước đây, các đối tượng đào đãi vàng ngay trên dòng suối Đắk Mô, cách đó chừng 2km khiến khu vực suối tan thành bình địa. Mỗi đợt khai thác thường kéo dài vài tháng, mấy chục con người ngày đêm quần thảo, nát cả cánh rừng. Nhưng khi bị lực lượng chức năng phát hiện, đến lập biên bản, họ chỉ bị trục xuất ra khỏi rừng. “Họ vào rừng phòng hộ, đào phá rừng, phá nát cảnh quan rừng khu vực đào đãi, thậm chí gây chết cây, ô nhiễm nước suối, vậy mà từ đó đến giờ tôi chưa thấy ai bị xử lý?”, H thắc mắc.

“Đúng là có tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực Tiểu khu 202 từ nhiều năm nay. Lực lượng kiểm lâm, công an, chính quyền địa phương vẫn thường xuyên tuần tra, mỗi khi phát hiện có nhóm khai thác vàng trái phép hoạt động, là đến lập biên bản, tịch thu nhiều máy móc, thiết bị đào vàng và xử phạt hành chính các đối tượng cư trú bất hợp pháp và trục xuất ra khỏi rừng.

Tuy nhiên, không xác định được đối tượng chủ mưu nên cho đến nay chưa đối tượng nào bị xử lý hình sự vì hành vi khai thác vàng trái phép”, ông Điểu B’Lớ, Trưởng công an xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.