| Hotline: 0983.970.780

VASEP: 'Chỉ 30-40% doanh nghiệp thủy sản có khả năng phục hồi ngay sau giãn cách'

Thứ Hai 06/09/2021 , 18:04 (GMT+7)

Khảo sát của VASEP cho thấy, chỉ có 30-40% doanh nghiệp thủy sản có khả năng phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách, tức là phần lớn không thể thực hiện điều này.

Chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản đủ khả năng phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách xã hội. Ảnh: TL.

Chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản đủ khả năng phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách xã hội. Ảnh: TL.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam hoạt động được “3 tại chỗ” (3T); khoảng 30-40% doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất vì không thể thực hiện 3T. Số doanh nghiệp còn lại đã tạm dừng sản xuất nhằm tổ chức lại nhà máy để thực hiện 3T.

Với những nhà máy thực hiện 3T, lượng công nhân có thể huy động được chỉ vào khoảng từ 30-50% tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Do đó, công suất chế biến đã giảm từ 50-60% so với trước. Ước tính, công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60-70%.

Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp là các tỉnh có số lượng doanh nghiệp thủy sản ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm ngừng sản xuất nhiều nhất để tổ chức lại theo phương án 3T.

Điều đáng chú ý là do nhiều địa phương thực hiện giãn cách quá lâu, công nhân, người lao động làm việc 3T đã bắt đầu mệt mỏi và mong được về nhà. Vì vậy, các doanh nghiệp đang rất khó khăn nếu muốn tiếp tục thực hiện 3T. Mặt khác, việc thực hiện 3T đã phát sinh rất nhiều chi phí trong khi công suất sản xuất giảm, do đó các doanh nghiệp không thể tiếp tục trụ lâu thêm nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ.

Các doanh nghiệp thủy sản tổ chức được “3 tại chỗ” cố gắng duy trì lực lượng lao động chủ chốt để tiếp tục sản xuất và vận hành nhà máy, số công nhân còn lại tạm thời cho nghỉ việc và doanh nghiệp trả lương cơ bản.

Những doanh nghiệp khác ngừng hoạt động, cho nhân viên nghỉ nhưng vẫn cố gắng duy trì lương cho các công nhân, nhân viên nhằm giữ chân người lao động.

Riêng tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng…, một số ít doanh nghiệp vẫn đang cố gắng duy trì số lượng công nhân, thực hiện chia ca, phân luồng để vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo phòng, chống dịch tại nhà máy.

Theo kết quả khảo sát của VASEP, chỉ có 30 - 40% doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.

Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như: Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển; doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng.

Đặc biệt, doanh nghiệp khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vacxin nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, đang bị cách ly hay điều trị Covid-19 …

Do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội, các nhà cung cấp nguyên, vật liệu cũng đã giảm công suất hoạt động, cộng với việc hạn chế đi lại, khiến cho vận chuyển, giao nhận hàng hóa, nguyên vật liệu cho chế biến thủy sản bị chậm. Nguồn nguyên, vật liệu hiện có ở các nhà máy chỉ tạm thời đủ cung cấp cho hoạt động sản xuất trong thời gian ngắn. Nếu kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chuỗi cung ứng sẽ bị đứt gãy và doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do không đủ nguyên vật liệu cho sản xuất.

Bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, quy định giãn cách xã hội, DN thủy sản không thể huy động được nguồn nguyên liệu. Điều này khiến cho nguyên liệu bị ùn ứ, giá nhiều mặt hàng thủy sản đã giảm mạnh, người dân không tiếp tục thả nuôi…

Dự báo, trong những tháng cuối năm, nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng thủy sản sẽ thiếu từ 20-30% và giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10-20%.

Nguyên liệu từ khai thác biển cũng gặp nhiều khó khăn do ngư dân không thể đi biển đánh bắt, các cảng cá cũng giới hạn hoặc ngưng hoạt động. Dự kiến nguồn nguyên liệu khai thác biển giảm 30-40% và dự kiến giá nguyên liệu tăng 20-30% trong những tháng cuối năm nay.

Do giãn cách xã hội, đến cuối tháng 8/2021, có tới 40-50% các đơn hàng bị giao trễ hẹn và có khoảng 10-15% các đơn hàng bị hủy. Ngoài ra, nhiều nhà nhập khẩu tuy trước mắt vẫn giữ đơn hàng nhưng có thể cân nhắc tới việc tìm nguồn cung thay thế.

Theo các DN được khảo sát, trường hợp DN được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách (sau 15/9) thì khả năng lấy được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng rất hạn chế.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.